Covid-19 - Lời cảnh tỉnh cho tương lai


Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 28-12 cảnh báo, dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến toàn cầu song nguy cơ tồi tệ hơn vẫn còn ở phía trước. WHO hối thúc thế giới cần nghiêm túc chuẩn bị ứng phó các đại dịch trong tương lai.
Nhật Bản chứng kiến số người tự tử gia tăng do bị tác động mạnh từ đại dịch Covid-19
Nhật Bản chứng kiến số người tự tử gia tăng do bị tác động mạnh từ đại dịch Covid-19

Cần chuẩn bị tốt hơn

Phát biểu với báo giới nhân thời điểm một năm kể từ khi lần đầu tiên biết phát hiện Covid-19 ở Trung Quốc, Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO Michael Ryan nhấn mạnh: “Đây là lời cảnh tỉnh”.

Theo trang thống kê worldometers.info, kể từ khi bùng phát đến nay, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 1,8 triệu người trên thế giới trong tổng số hơn 80 triệu người mắc. Theo ông Ryan, Covid-19 đang hoành hành rất nghiêm trọng, lan nhanh ra thế giới và ảnh hưởng tới mọi khu vực nhưng chưa hẳn là dịch lớn. Do đó, thế giới cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khả năng xảy ra dịch bệnh còn nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Tương tự, cố vấn cấp cao Bruce Aylward, Trưởng nhóm chuyên gia WHO, cũng cho rằng, dù đang đạt được tiến bộ khoa học lớn giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19, bao gồm việc nhanh chóng bào chế vaccine, song thế giới vẫn chưa thực sự chuẩn bị để ứng phó với các đại dịch cho dù nhiều nơi đã bước vào làn sóng thứ 2 và thứ 3 của dịch Covid-19. Chính vì vậy, các nước cần chuẩn bị tốt hơn để ứng phó không chỉ trong làn sóng dịch bệnh hiện nay mà còn những dịch bệnh tiếp theo. Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus dự đoán, vào năm 2021, thế giới sẽ còn chứng kiến sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đồng thời kêu gọi các quốc gia kịp thời chia sẻ thông tin về những chủng virus mới.

Những hệ lụy

Thời gian gần đây, Nhật Bản chứng kiến số người tự tử gia tăng trong bối cảnh những lo lắng về đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến tâm lý và tình cảm của nhiều người. Theo thống kê của WHO, trong 10 năm qua số vụ tự tử ở Nhật Bản ngày càng giảm, còn khoảng 20.000 người trong năm ngoái - con số thấp nhất kể từ khi Bộ Y tế nước này bắt đầu lưu trữ dữ liệu (năm 1978).

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 dường như đã đảo ngược xu hướng trên. Số vụ tự tử trong 11 tháng đầu năm nay đã lên 19.225 người. Chỉ trong tháng 10 đã có 2.153 người Nhật Bản tự tử - vượt quá số người chết vì dịch Covid-19 ở nước này (2.087 người). Lo ngại trước tình hình trên, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc nới lỏng các điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội, giúp người dân khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Trong khi đó, căn cứ diễn biến cho tới nay, Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) cho biết, đại dịch Covid-19 có thể khiến tuổi thọ người dân quốc gia Mỹ Latinh này suy giảm lần đầu tiên sau 80 năm. Cụ thể, tuổi thọ trung bình của người Brazil trong năm nay sẽ giảm từ 1 đến 2 năm so với năm ngoái. Tính đến thời điểm này, Brazil đã ghi nhận hơn 7.484.000 ca mắc Covid-19, trong đó có khoảng 191.100 ca tử vong.

Nhật báo Die Welt của Đức ngày 29-12 đưa tin, VUI-202012/01 - biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh vào đầu tháng 12 dường như đã xuất hiện ở Đức từ tháng 11. Theo tờ báo này, các nhà nghiên cứu tại trường y Hannover đã phát hiện biến thể này ở mẫu xét nghiệm của một bệnh nhân Covid-19 cao tuổi (đã qua đời sau đó). Trong khi đó, theo thông báo của Bộ Y tế Đức, nước này phát hiện ca nhiễm VUI-202012/01 đầu tiên vào ngày 24-12. Bệnh nhân là một phụ nữ bay tới từ Anh.

Tin cùng chuyên mục