Cù lao quê Bác Tôn

Về An Giang lững lờ ơi sông nước, mênh mang câu hò ru tình người phương xa.
Cù lao quê Bác Tôn

Về An Giang lững lờ ơi sông nước, mênh mang câu hò ru tình người phương xa.

Dòng sông Tiền, sông Hậu là mạch máu mang nặng phù sa ngọt mát tiếp sức tưới tắm cho ruộng đồng sông Cửu Long như mảnh hồn quê không thể thiếu. Sông vẽ nên một phong cảnh hữu tình, để một lần đến với An Giang rồi nhớ mãi.

Về bảy núi mà không ghé thăm cù lao Ông Hổ, cũng chưa hẳn đã đến với An Giang, bởi vậy có câu ca dao, rằng: Dù ai xuôi ngược bốn bề/Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang.

Cổng chào Cù lao ông Hổ dẫn vào Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Cổng chào Cù lao ông Hổ dẫn vào Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Vừa rồi, tôi có cơ duyên được tháp tùng cùng đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau trong chuyến đi thực tế sáng tác đến tỉnh An Giang. Vượt chặng đường dài, chúng tôi đến thành phố Long Xuyên, nhìn đồng hồ đã hơn năm giờ chiều. Những đám mây đen vần vũ nối đuôi nhau như chơi trò rượt đuổi trên nền trời hoàng hôn. Gió thổi lạnh. Tôi rầu trong dạ, nếu ngày mai trời mưa, mưa to kéo dài, chắc chúng tôi ngồi bó gối trong nhà nghỉ. Nhưng may thay, những áng mây ảm đạm rải khắp bầu trời bị gió cuốn trôi phăm phăm.

…Thành phố Long Xuyên buổi sáng như một kiệt tác mỹ thuật. Một ngày mới, nơi đến đầu tiên của đoàn chúng tôi là cù lao Ông Hổ. Cù lao trên sông Hậu, thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên. Cù lao Ông Hổ có diện tích khoảng 17,2 km2 được xem là hạt ngọc che chắn cho đô thị Long Xuyên cùng với cù lao Phó Ba và cù lao Phó Huế.

Từ chợ Long Xuyên, qua phà Ô Môi khoảng chừng 20 phút là đến cù lao Ông Hổ. Hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy khi đặt chân lên cù lao là tượng hai con hổ được tạc bằng đá nằm hai bên cổng chào. Qua cổng chừng vài kilômét là đến Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Tuy cách trung tâm thành phố chỉ vài trăm mét đường chim bay nhưng nơi đây vẫn mang đậm dấu ấn của làng quê Nam bộ.

Tôn Thị Kim Ba, cô hướng dẫn viên có giọng nói ngọt như đường thốt nốt, giới thiệu cho chúng tôi biết các công trình hạng mục trong Khu lưu niệm Bác Tôn, như nhà lưu niệm, công viên, phòng trưng bày cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với hơn 100 ảnh kỷ niệm và trên 35 hiện vật: radio, giày dép, quần áo… Ở mỗi thời kỳ đều có những tư liệu, hiện vật gốc rất sống động để hiểu được trọn vẹn cuộc đời thanh bạch, giản dị của Bác Tôn. Đặc biệt là chiếc chuyên cơ nặng hơn 10 tấn với sức chở hơn 40 người đã từng đưa Bác Tôn và các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước từ Hà Nội vào TPHCM dự lễ mít tinh ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

Không gian trong khu lưu niệm như một bức tranh đẹp và không kém phần tôn nghiêm, cuốn hút mọi người chiêm ngưỡng... Đầu tiên, chúng tôi đến ngôi nhà, nơi cất tiếng khóc chào đời của người lính thợ kiên cường trên biển Đen, người cộng sản mẫu mực, nhà cách mạng lão thành vô cùng kính mến Tôn Đức Thắng. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1887, do thân sinh của Bác là cụ Tôn Văn Đề xây dựng với lối kiến trúc hình chữ Quốc, nền sàn lót ván, mái lợp ngói âm dương, ngang 12m, dài 13m, diện tích hơn 150m2. Bên trong ngôi nhà còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc quý hiếm như tủ thờ cẩn ốc xà cừ, các cặp liễn đối cẩn ốc, ảnh bán thân của song thân Bác Tôn, bộ bàn ghế cổ…. Và bộ ván gõ, hiện rõ mồn một hình ảnh cậu bé Thắng thường nằm nghỉ ngơi vào những ngày nghỉ học cuối tuần khi cậu học ở Long Xuyên về, qua lời giới thiệu của cô hướng dẫn Kim Ba.

Nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 – 20-8-2012), họa sĩ Bùi Quang Vinh, thực hiện một tuyệt tác với chủ đề Bác Tôn và quê hương An Giang bằng chất liệu gáo dừa. Bức tranh treo sau lưng gian thờ phản ảnh toàn bộ kinh tế, văn hóa, xã hội An Giang với màu sắc thật. Tùy theo độ tuổi của nguyên liệu và nội dung thể hiện mà họa sĩ Bùi Quang Vinh bày tỏ tình cảm tôn kính của mình cũng như mọi người Việt Nam đến với Bác Tôn và quê hương An Giang xanh tươi, trù phú, thanh bình.

Khuôn viên Khu tưởng niệm Bác Tôn trang nghiêm và độc đáo. Với những hàng cây to thẳng vút, tỏa bóng mát rượi, hàng dâm bụt nở đầy hoa, những thân liễu buông cành lá xuống bờ ao đầy bóng cá, những con đường lát gạch đỏ uốn lượn như tấm thảm nhung trải dài trên nền đất, tạo nên một cảnh sắc cuốn hút tầm mắt. Với không gian thoáng đãng, Khu tưởng niệm Bác Tôn không chỉ là nơi để hậu nhân chúng ta đến thắp nén tâm hương trước anh linh “một người con rất ưu tú của Tổ quốc” mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho thế thanh niên hôm nay, nơi để trải lòng mình cùng cảnh vật thiên nhiên, cùng lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Đâu đó tiếng các em nhỏ đùa giỡn trên chiếc xích đu dưới bóng mát của cây xanh; hình ảnh của một đôi nam nữ đến khuôn viên Khu tưởng niệm Bác Tôn để chụp ảnh cưới. Nhìn ánh mắt của đôi vợ chồng trẻ, cho tôi hiểu rằng, Khu tưởng niệm Bác Tôn như mốc son hạnh phúc của những cặp lứa đôi bắt đầu xây dựng cuộc sống gia đình.

Buổi trưa, nắng vàng rực trên cù lao. Gió thổi lồng lộng làm cho cả cù lao xanh như rung rinh thắm đượm hồn quê, tình người. Cù lao Ông Hổ còn gọi với cái tên khác, cù lao Bác Tôn, vì đây là quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Cần Thơ, tháng 9-2012

CAO MINH TÈO

Tin cùng chuyên mục