Cử tri đau xót trước sự hy sinh của 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy

Cử tri và người dân bày tỏ sự đau xót trước hy sinh của 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy khi tham gia cứu nạn, chữa cháy tại quán karaoke ở Hà Nội và kiến nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh...


Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình

Tiếp tục chương trình làm việc của UBTVQH chiều 9-8, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã trình bày Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7.

Báo cáo nêu, cử tri và nhân dân bày tỏ sự đau xót trước hy sinh của 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy khi tham gia cứu nạn, chữa cháy tại quán karaoke ở Hà Nội và kiến nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện, duy trì điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Bên cạnh đó, cử tri và người dân đặc biệt quan tâm phản ánh việc giá xăng đã điều chỉnh giảm nhưng giá các mặt hàng thiết yếu vẫn chưa giảm tương ứng; việc người dân đi làm các thủ tục liên quan đến các giao dịch dân sự, hành chính nhưng một số cơ quan, tổ chức còn yêu cầu người dân cung cấp sổ hộ khẩu gốc hoặc bản sao hộ khẩu có công chứng…

Hoạt động vay tiền qua mạng xã hội và qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh cũng gây nên tình trạng mất ổn định an ninh, trật tự xã hội; một số thông tin cá nhân của người dân bị lộ lọt ra ngoài, nhiều đối tượng lợi dụng giả danh lừa đảo qua điện thoại, gây tâm lý hoang mang cho người dân và bất ổn xã hội.

Vẫn theo ông Dương Thanh Bình, cử tri và người dân còn lo lắng về việc quy hoạch xây dựng các chung cư cao tầng trong khu vực nội thành còn bất cập; hàng ngàn căn hộ, nền đất tái định cư bị “bỏ hoang” nhiều năm gây lãng phí; chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như vàng SJC với thương hiệu vàng khác mang lại tâm lý bất ổn cho người dân…

Về tình hình khiếu nại, tố cáo, ông Bình cho biết, trong tháng 7, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so với tháng 6. Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 318 lượt với 1.116 công dân đến trình bày về 313 vụ việc, trong đó khiếu nại 172 vụ việc, tố cáo 28 vụ việc, kiến nghị, phản ánh 113 vụ việc và có 25 lượt đoàn đông người đến trình bày về 24 vụ việc (so với tháng 6, giảm 139 lượt). Tuy nhiên, tình trạng công dân tập trung đông người tại Hà Nội để khiếu kiện tiếp tục diễn biến phức tạp.

Qua rà soát, hiện còn khoảng 80 công dân khiếu kiện của 19 địa phương đang lưu trú trên địa bàn Hà Nội có nhiều hoạt động phức tạp về an ninh trật tự. Tại khu vực Ba Đình thường xuyên có từ 20 đến 30 người khiếu kiện tập trung trên các tuyến phố trung tâm và tại khu vực xung quanh Nhà Quốc hội, nơi ở của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đây là các vụ việc đã được các cơ quan ở Trung ương và địa phương giải quyết hết thẩm quyền, nhiều vụ việc đã được các cơ quan Trung ương tiếp, thực hiện rà soát, đã kết luận, thậm chí đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các địa phương giải quyết dứt điểm nhưng tình trạng tái khiếu, tái tố còn tiếp diễn.

Đáng lưu ý, theo báo cáo của Bộ Công an, trong tháng 7, tình hình khiếu kiện đông người vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ở một số địa phương thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất, tháo dỡ hàng trăm công trình xây dựng trái phép.

Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đổi mới, linh hoạt hơn về phương thức tiếp xúc, thu thập ý kiến, kiến nghị cử tri và người dân tại địa phương; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề nghị quan tâm, chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện hướng dẫn đồng bộ, thống nhất đối với quy định về sổ hộ khẩu, số tạm trú tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia giao dịch dân sự, hành chính.

Bộ Công an cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện, duy trì điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan được đề nghị theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý…

UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Nghệ An, Quảng Bình, Vĩnh Phúc khẩn trương chỉ đạo, có giải pháp giải quyết dứt điểm đối với một số vụ việc cụ thể có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự.

Tin cùng chuyên mục