(SGGPO).- Sáng 20-5, trong phiên khai mạc Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp. Chuẩn bị cho kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp 3.854 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 1.920 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành và 1.934 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Lo lắng, bất bình trước hoạt động xây dựng các công trình tại Trường Sa và Hoàng Sa
Báo cáo nêu rõ tâm tư nguyện vọng chung của cử tri và nhân dân, trong đó có việc mong muốn Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa chính sách hòa hợp dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cử tri và nhân dân cũng quan tâm sâu sắc đến việc triển khai tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mong muốn việc tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp phải thật sự dân chủ, đoàn kết, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, đề ra các chủ trương, giải pháp đúng đắn nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở mỗi địa phương và toàn quốc, đồng thời lựa chọn được những người thực sự có tài, có đức tham gia cấp ủy đảng các cấp.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân vẫn băn khoăn, lo lắng về tình hình phát triển kinh tế chưa thật bền vững, năng suất lao động nhìn chung còn thấp, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định, nợ công tiếp tục tăng; Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ở nhiều địa phương trong những năm qua đã được đầu tư, cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân; Tai nạn giao thông đã giảm, nhưng số người chết và bị thương vẫn còn rất lớn, số vụ tai nạn giao thông tại nhiều địa bàn nông thôn đang có xu hướng tăng; Tai nạn lao động nghiêm trọng và hỏa hoạn vẫn xảy ra nhiều; Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi nhưng chậm được xử lý, khắc phục...
Nhân dân cũng rất quan tâm, theo dõi tình hình an ninh chính trị trên thế giới và trong khu vực đang có nhiều biến động phức tạp. Cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC). Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Lã Anh
Bức xúc tình trạng “được mùa, mất giá”
Đi vào các ý kiến, kiến nghị cụ thể của cử tri và nhân dân, báo cáo cho biết, cử tri quan tâm đặc biệt về tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó tình trạng nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp (gạo, dưa hấu, hành tây, vú sữa, hành tím, thanh long, vải thiều, cá tra), tình trạng “được mùa, mất giá” và ùn ứ hàng hóa trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, do hiện nay nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu là sản xuất hộ cá thể, việc sản xuất còn theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch sản xuất vùng và định hướng xuất khẩu theo nhu cầu và tính chất của thị trường. Đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân liên kết thành lập các hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 để thực hiện được chức năng nghiên cứu, dự báo thị trường, quy hoạch sản xuất, cung cấp đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.
Về chính sách hỗ trợ đóng tàu lớn vươn khơi đánh bắt hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, cử tri phấn khởi nhưng cho rằng việc triển khai các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ hỗ trợ ngư dân đóng mới và nâng cấp tàu còn rất chậm. Đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các quy định về thiết kế tàu, điều kiện, thủ tục về mức vay, thời hạn vay, lãi suất và hình thức cho vay phù hợp hơn với thực tế để ngư dân hiện đại hóa nhanh đội tàu, nâng cao hiệu quả đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm.
Trong số các vấn đề về đời sống nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội, cử tri cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2014 đã đáp ứng được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng, đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già. Song do nhu cầu cuộc sống trước mắt mà một bộ phận người lao động có nhu cầu nhận BHXH một lần. Do vậy, thời gian vừa qua ở một số địa phương có tình trạng một bộ phận người lao động ngừng việc tập thể để phản đối quy định về giải quyết BHXH một lần theo Điều 60 Luật BHXH sửa đổi năm 2014. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nghiên cứu, xem xét để có các giải pháp đáp ứng các nguyện vọng, nhu cầu đa dạng trong việc lựa chọn hình thức trợ cấp BHXH, hợp với quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và điều kiện thực tế.
Ngoài các vấn đề này, cũng như các kỳ họp trước, cử tri và nhân dân cả nước tiếp tục nêu những kiến nghị về vệc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, quản lý tài nguyên, ô nhiễm môi trường; giáo dục đào tạo, y tế; về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và việc thực hiện cải cách hành chính
Cử tri và nhân dân hoan nghênh những tiến bộ và giải pháp đổi mới của ngành GD-ĐT. Tuy nhiên, còn lo lắng về tính hiệu quả và sự phù hợp thực tế của một số giải pháp như: đổi mới thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ; việc không chấm điểm trong các trường tiểu học và phương án xét tuyển học sinh vào lớp 6. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT sơ kết 1 năm thực hiện các giải pháp này để rút kinh nghiệm và có hướng dẫn kịp thời, bảo đảm đánh giá đúng năng lực học sinh phổ thông trong quá trình học tập và tuyển sinh ĐH-CĐ. Đề nghị Bộ GD-ĐT khi xây dựng các giải pháp đổi mới ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống giáo dục thì cần thực hiện thí điểm trước ở quy mô nhỏ, có đánh giá tác động và xây dựng lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực cho nhà trường, phụ huynh và học sinh. |
PHAN THẢO