Củi lửa xưa và nay

Gần một triệu năm trước, người ta tìm ra bằng chứng con người đã biết dùng cây khô để đốt và giữ lửa. Những mẫu than củi còn sót lại cùng với công cụ của người nguyên thủy trong các hang động đã chứng minh điều đó. Củi được dùng để đốt lửa suốt gần một triệu năm sau. Cho đến tận năm 1960, người Việt vẫn dùng chất đốt nguyên thủy ấy là chính.
Củi lửa xưa và nay

Gần một triệu năm trước, người ta tìm ra bằng chứng con người đã biết dùng cây khô để đốt và giữ lửa. Những mẫu than củi còn sót lại cùng với công cụ của người nguyên thủy trong các hang động đã chứng minh điều đó. Củi được dùng để đốt lửa suốt gần một triệu năm sau. Cho đến tận năm 1960, người Việt vẫn dùng chất đốt nguyên thủy ấy là chính.

Bếp củi ở nông thôn những năm đó vẫn còn là ba ông đầu rau bằng đất sét nặn. Tùy theo độ rộng hẹp của chiếc nồi hay chảo cám mà kê đầu rau cho phù hợp. Chất đốt ở đồng bằng là rơm rạ, lá cây và củi gỗ tùy theo mùa kiếm được. Miền núi dĩ nhiên dồi dào củi gỗ, tre nứa. Thành ngữ “Chở củi về rừng” là nói về sự dư thừa ấy. Ở thành phố có chiếc kiềng đúc bằng gang bán ở các chợ. Củi được chia làm hai loại, củi cành và củi tạ. Bếp của người Hà Nội khá giả xưa thường rất rộng. Đủ chỗ tích trữ vài tạ củi và một dãy kiềng gang các cỡ. Cũng có phễu hút khói bằng vôi rơm dẫn lên ống khói nóc nhà.

Nhưng củi gỗ hiếm dần, Hà Nội sản sinh ra loại bếp đun để tiêu thụ cho hết số mùn cưa từ các nhà máy gỗ thải ra. Bếp mùn cưa là một ống hình trụ tròn gò tay bằng tôn đen. Bên dưới trổ cửa vuông đủ để cho vào hai thanh củi. Bên trên có ba chân kiềng bằng tôn dày tán đinh vào thành ống. Mùn cưa được dồn tương đối chặt sau khi đã đặt vào tâm bếp một chiếc chai làm cốt. Dồn bếp mùn cưa không dễ. Chặt quá cháy chậm, lãng phí khi đã nấu xong bữa. Lỏng quá khi đun mùn cưa sụt xuống tắt bếp, sống cơm. Gặp hôm ẩm giời, nhóm được bếp mùn cưa đỏ lửa xong nước mắt giàn giụa như vừa có cuộc chia ly vĩnh viễn. Thanh niên đến nhà bạn gái chơi dồn hộ cô ấy một bếp mùn cưa đúng kỹ thuật thường được nhạc mẫu tương lai ngấm ngầm vun vào. Củi và mùn cưa lúc này được bán bằng phiếu mua chất đốt theo định suất nhân khẩu trong gia đình, và thường xuyên thiếu. Trẻ con mùa mưa bão hay rủ nhau ra vỉa hè đứng chờ xem đâu đó có cành cây rơi là tranh nhau nhặt về bổ sung vào chỗ thiếu hụt ấy. Cũng may lúc ấy có những tổ phục vụ ở các khu phố ra đời. Có thể gửi nồi cơm nấu ở đấy và trả tiền hàng tháng. Tổ phục vụ đun bếp than quả bàng. Hết giờ thổi cơm chuyển sang đun nước sôi bán cho dân phố. Không có họ hẳn là Hà Nội lúc ấy sẽ rất đông người “kém tắm”.

Rồi thì củi và mùn cưa cũng hết. Người Hà Nội chuyển sang đun dầu hỏa. Lúc này nhà máy kim khí Thăng Long đã chế tạo được chiếc bếp dầu tráng men như một kỳ tích của nền công nghiệp nhẹ. Tuy nhiên vẫn không thể so sánh với bếp dầu Trung Quốc. Nấu ăn bằng bếp dầu nhàn nhã không khói bụi như bếp củi. Nhưng mùi dầu hỏa lúc tắt bếp ám vào quần áo và đồ ăn rất khó chịu. Dầu hỏa vẫn được bán bằng phiếu mua chất đốt cho đến cuối thế kỷ 20. Cũng xách theo can lớn, thùng nhỏ xếp hàng ở cửa hàng chất đốt. Nhân viên bán hàng múc bằng ca sắt rót vào phễu chuyên dụng. Thỉnh thoảng cũng bắt được vài cửa hàng sửa chiếc ca sắt tiêu chuẩn thành dung tích nhỏ hơn để ăn cắp dầu. Họ lấy búa đập cho lõm đáy chiếc ca vào. Nhưng rồi dầu hỏa nhập khẩu cũng ngày một khan hiếm. Người Hà Nội buộc phải chuyển sang đun nấu bằng than tổ ong. Một phát minh có lẽ vào hàng đáng sợ nhất trong lịch sử đun nấu vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ bởi giá rẻ. Sáng ngày ra, vỉa hè nào cũng vài chục chiếc bếp than tổ ong điềm nhiên nhả khói.

Quãng giữa nhưng năm 80, công nhân xuất khẩu ở Liên Xô mang về khá nhiều bếp điện. Đơn giản thì có sợi may xo điện trở lắp vào lõi đất chịu lửa chế tạo trong nước. Cầu kỳ đắt tiền hơn thì có bếp điện mặt gang. Cán bộ hay mang đến cơ quan chiếc bếp điện nhỏ gọn này để nấu nướng bữa trưa. Cũng có người ninh chân giò cho bữa ăn gia đình ở cơ quan mang về. Họ gọi như thế là “tiết kiệm điện”. Hiện đại nhất có chiếc bếp điện đôi bên dưới là lò nướng. Chỉ những nhà khá giả mới dám dùng. Nhưng mọi gia đình Hà Nội vẫn chưa dám bỏ đi chiếc bếp dầu. Điện thường xuyên mất, nếu không có bếp dầu là lỡ bữa. Bếp điện có nhiệt lượng không cao. Những món xào nấu cần ngọn lửa cháy to không thể làm được. Mực ống xào lim dim bếp điện thể nào cũng võng vãnh nước.

Bếp ga mới chỉ thịnh hành vào quãng giữa những năm 90 thế kỷ trước ở Hà Nội. Muộn so với châu Âu và Mỹ hơn một thế kỷ. Với nhiều bà nội trợ thì điều này rất quan trọng. Họ tìm lại được hứng thú trong việc nấu ăn khi có trong tay một ngọn lửa xanh mạnh mẽ điều khiển dễ dàng.

Giờ thì có thêm rất nhiều loại bếp thuận tiện vô cùng. Bếp từ sạch sẽ không bao giờ bị nóng ra xung quanh. Bếp hồng ngoại đỏ hồng nhanh chóng đạt độ nóng rất cao. Các loại lò nướng và vi sóng đẹp đẽ bày trong căn bếp ngăn nắp. Thời của khói, bụi và nhọ nồi đã vĩnh viễn qua đi. Thế nhưng nhiều gia đình thành phố bây giờ không còn thói quen nổi lửa hai bữa cơm nhà nữa. Không nhiều người lắm còn thời gian cho việc nấu nướng bữa trưa. Cơm bụi, cơm văn phòng và các nhà hàng bình dân mở ra chi chít làm nhiệm vụ cho bữa trưa ấy. Củi lửa đun nấu suốt ngày chỉ còn ở những nơi ấy mà thôi.

1-2015

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục