Cung cấp hàng thiết yếu tới từng nhà dân bị phong tỏa

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vừa ban hành Chỉ thị 12 về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu: Ở khu vực có nguy cơ rất cao, từng hộ dân chỉ ở trong nhà; với các gia đình có F0, F1 tuyệt đối không ra khỏi nhà, trừ trường hợp cấp cứu y tế. Trước yêu cầu này, các địa phương đã tổ chức ngay việc đưa lương thực, thực phẩm thiết yếu đến từng nhà, để người dân yên tâm thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Quận đoàn quận Bình Tân hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân. Ảnh: VĂN MINH
Quận đoàn quận Bình Tân hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân. Ảnh: VĂN MINH

Chuẩn bị đủ thực phẩm 

Hơn 21 giờ ngày 23-7, xe rau củ được nhà hảo tâm gửi tặng về tới cổng UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TPHCM. Sau một ngày dài làm việc, cán bộ ở xã lại cùng chung tay bốc dỡ, phân loại để sáng hôm sau kịp đưa số hàng này tới bà con ở khu phong tỏa và các khu nhà trọ khó khăn. Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Chủ tịch UBND xã Nhơn Đức, công việc này đã được xã thực hiện suốt thời gian dài vừa qua. Tuy nhiên, với Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, việc cung cấp hàng hóa thiết yếu tới tận tay bà con, xã càng phải làm rốt ráo hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. 

Trên địa bàn quận 7 hiện có 87 điểm, khu vực phong tỏa, cách ly y tế với 13.800 nhân khẩu. Theo Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái, quận đã chỉ đạo các phường chuẩn bị gạo, mì gói cung cấp cho các hộ dân, đảm bảo sử dụng đủ trong 14 ngày kể từ ngày 24-7, số lượng bình quân 250gram gạo/người/ngày. Cùng với đó, địa phương phân bổ rau, củ, quả, trứng từ các nguồn hỗ trợ đến từng hộ dân trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế, 3 ngày/lần. Đối với thực phẩm tươi sống trong 7 ngày đầu triển khai Chỉ thị 12, quận phối hợp với hệ thống Co.op mart, Bách hóa Xanh tổ chức xe bán hàng lưu động đến các khu phong tỏa, cách ly y tế. Tại đây, qua nhiều group Zalo, các tổ phụ nữ sẽ thông báo danh sách những mặt hàng hiện có và tổng hợp nhu cầu của từng hộ gia đình, sau đó lên đơn, giao thực phẩm đến tận cửa nhà dân.

Lực lượng tình nguyện viên TP Thủ Đức đem nhu yếu phẩm đến từng nhà dân khu phong tỏa. Ảnh: THU HƯỜNG

Tại quận 11, hiện có 128 khu phong tỏa. Với mô hình “đi chợ giúp dân”, người dân cần mua gì gọi điện đến đường dây nóng của phường để được mua giúp những mặt hàng thiết yếu. Sau đó, cán bộ phụ trách tổng hợp và gửi cho nhóm giao hàng tình nguyện của phường đi lấy hàng tại các siêu thị, chợ và mang đến giao cho người dân. Đồng thời, quận phối hợp với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) triển khai bán hàng theo hình thức lựa chọn combo gửi đến người dân 

Tương tự, tại quận 1, Quận đoàn 1 triển khai mô hình đi chợ thay cho người dân; triển khai ứng dụng trên điện thoại để người dân tiện lợi đặt hàng. Tại khu vực quận 6 có 88 khu phong tỏa, hơn 1.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Ngoài nhu yếu phẩm quận hỗ trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 6 còn tiếp nhận từ các nguồn tài trợ, phân phối về các phường, khu phố để hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, nhiều đoàn thể ban ngành của quận 6 đã triển khai đi chợ giúp dân, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ mang hàng hóa đến tận cửa cho người dân.

Nắm bắt tâm tư, hỗ trợ kịp thời

Ông Trần Phi Long, Chủ tịch UBND quận 11, cho biết, quận lập đường dây nóng về cung ứng lương thực, thực phẩm để người dân kịp thời liên hệ khi cần hỗ trợ. Ngoài việc mua hàng giúp dân, trường hợp người dân khó khăn, quận sẽ cung cấp lương thực thực phẩm kịp thời. Với 5 tấn rau củ quả, thịt, cá (khô, tươi), gạo mì được nhà hảo tâm và các tỉnh, thành hỗ trợ mỗi ngày, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 11 làm đầu mối tiếp nhận, rồi nắm bắt nhu cầu cần hỗ trợ của người dân để cung cấp đầy đủ, không để ai bị thiếu ăn.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo cũng cho biết, các tổ Covid-19 cộng đồng của quận ngoài tuyên truyền, nhắc nhở bà con thực hiện nghiêm giãn cách, cũng nắm tâm tư, khó khăn của người dân để kịp thời hỗ trợ, giải quyết. Với các khu nhà trọ đông người, quận còn tổ chức nấu cơm hộp mang đến tặng nguời dân mỗi ngày.

Lực lượng tình nguyện viên TP Thủ Đức đem nhu yếu phẩm đến từng nhà dân trong khu phong tỏa. Ảnh: THU HƯỜNG

Các khu nhà trọ cũng là nơi được quan tâm hỗ trợ trong thời gian này. Theo ông Mai Đình Phượng, Chủ tịch UBND phường 9 (quận Tân Bình), với các khu nhà trọ có đông công nhân lao động, phường trực tiếp chuyển đến hàng trăm suất cơm hộp. Phường cũng thành lập các nhóm trên mạng xã hội để kịp thời nhận những thông tin từ người dân đang gặp khó khăn hoặc có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu. Phường còn để lại số điện thoại lãnh đạo phường, số điện thoại lực lượng đi chợ giúp dân để mọi người tiện liên lạc.

Tương tự, bà Lê Thị Bấc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, để đảm bảo hàng hóa đến từng nhà dân, từng phòng trọ, TP Thủ Đức tăng cường thêm tình nguyện viên từ thành phố đến cơ sở. Hiện trung bình TP Thủ Đức hỗ trợ mỗi gia đình 5kg gạo/tuần. Riêng rau, củ, quả sẽ phân bổ cuốn chiếu đến các khu dân cư, đảm bảo người dân không thiếu rau, củ sử dụng trong ngày. Tại TP Thủ Đức còn có những khu vực, đối tượng không có điều kiện tự nấu ăn như ký túc xá, người già neo đơn, người khuyết tật. Địa phương sẽ chuyển các suất ăn nấu sẵn từ bếp ăn nghĩa tình đến tận tay các đối tượng này, với 2 bữa/ngày. Hiện TP Thủ Đức có 22 bếp ăn, cung cấp hơn 9.000 suất ăn/ngày. 

Ngoài ra, đối với các trường hợp khó khăn (không nằm trong 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị định 09 của HĐND TPHCM), TP Thủ Đức sẽ hỗ trợ mỗi hộ 1 phần quà gồm nhu yếu phẩm và tiền mặt, trị giá 800.000 đồng/phần. Tính đến ngày 23-7, TP Thủ Đức đã duyệt chi gần 2.300 trường hợp với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.

NHÓM PV
-------------------------

Đảng viên tham gia tuyến đầu chống dịch

Những ngày qua, bà Nguyễn Thị Phiêu, Bí thư Đảng bộ bộ phận ấp 5, xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè, TPHCM) cùng các đảng viên phân công trực chốt kiểm soát dịch tại điểm phong tỏa hẻm 2806/70 đường Huỳnh Tấn Phát. Việc làm này được thực hiện từ khi ở ấp xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, với mong mỏi góp sức cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch của xã. Khi đó, 76 đảng viên của Đảng bộ bộ phận ấp 5 được chia làm 3 tổ hỗ trợ gồm: tổ trực chốt để hỗ trợ người dân trong khu phong tỏa; tổ công tác theo dõi, giám sát phòng chống dịch và tổ hậu cần.

Nhập cuộc, các tổ hoạt động rất hiệu quả, cung cấp thông tin, hỗ trợ cho ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã xử lý các vấn đề phát sinh một cách nhanh chóng. Riêng tổ trực chốt chia làm 2 ca sáng và chiều, sáng từ 7-12 giờ và chiều từ 12-18 giờ mỗi ngày, mỗi ca có 2 thành viên tham gia, ca tối còn lại sẽ do công an và quân sự xã đảm nhận. Nhiệm vụ quan trọng của tổ trực chốt là đảm bảo người lạ không vào vùng phong tỏa và nhắc nhở người dân bên trong chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Theo bà Nguyễn Thị Phiêu, hiện 7 điểm phong tỏa trên toàn ấp đều có sự tham gia, hỗ trợ của các đảng viên trong Đảng bộ. Không chỉ tích cực tham gia công tác phòng chống dịch ở địa phương, các đảng viên cũng trực tiếp đóng góp kinh phí, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ tiền mặt, nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con trong khu vực phong tỏa. Tổng trị giá các phần quà đến nay là gần 80 triệu đồng. “Chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng, khi được các cô chú đảng viên trong ấp luôn có mặt, động viên chăm lo từ vật chất đến tinh thần trong những ngày bị phong tỏa”, bà Ngô Thị Nhung, người dân ở tổ 13 - khu vực đang phong tỏa, chia sẻ.
NHI NGUYỄN
 
-------------------------

TPHCM phát động phong trào toàn dân phòng chống dịch Covid-19

UBND TPHCM vừa có chỉ đạo về việc phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép”. Theo đó, UBND TPHCM giao UBND các quận 4, 7, huyện Cần Giờ, Nhà Bè và TP Thủ Đức chỉ đạo, phối hợp với các đồn biên phòng, trạm biên phòng cửa khẩu cảng trên địa bàn vận động nhân dân và phát động, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào. Qua đó nhằm ngăn chặn, phát hiện, không tiếp tay, chuyên chở, tố giác người lên tàu, thuyền vận tải biển nhập cảnh và người từ tàu, thuyền lên bờ trái quy định về phòng chống dịch.

UBND TPHCM cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM chỉ đạo các đơn vị biên phòng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương tổ chức phát động, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào. Công an TPHCM chỉ đạo Công an TP Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp với bộ đội biên phòng và lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ địa bàn, kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, tổ chức khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào.
ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục