Trò chuyện, tâm sự cùng con giúp cha mẹ thấu hiểu con cái
Nhân ngày gia đình Việt Nam vừa qua, hàng loạt các cuộc tọa đàm, hội thảo, giao lưu xung quanh các vấn đề về giữ gìn hạnh phúc gia đình đã được tổ chức. Một trong các chủ đề được nhắc đến nhiều nhất là chăm sóc con em, mà hai lứa tuổi đáng quan tâm nhất là thiếu nhi và lứa tuổi dậy thì hay được gọi là “tuổi teen”.
Dở trẻ con dở người lớn
Cùng con đi qua tuổi teen vừa là nhan đề cuốn sách về giáo dục trẻ em của 2 tác giả Chu Hồng Vân và Vũ Thu Hà vừa là chủ đề buổi tọa đàm diễn ra đúng Ngày gia đình Việt Nam. Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện chân thực, tình huống sinh động mà cha mẹ nào hẳn cũng thấy mình từng phải đối mặt. Cuốn sách giúp cha mẹ hiểu hơn về tâm lý lứa tuổi dậy thì, đồng thời chia sẻ những cách ứng xử tế nhị, thông minh để có thể đồng hành cùng con, làm bạn của con và cùng con đi qua tuổi teen trong thấu hiểu và yêu thương.
Tại buổi tọa đàm, nhà báo, nhà biên kịch Chu Hồng Vân và Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà, một chuyên gia đào tạo kỹ năng sống và trị liệu tâm lý, đã đối diện với rất nhiều tâm sự, câu hỏi của các bậc phụ huynh về những đứa trẻ của họ ở cái lứa tuổi đặc biệt trong cuộc đời. Tại sao con bỗng nhiên ngang như cua? Tại sao con tức giận bừng bừng chỉ vì một lý do bé tí? Tại sao con thích một mình? Tại sao con lơ là gia đình mà thân thiết với bạn bè? Tại sao con ăn mặc không giống ai? Tại sao con yêu bạn khác giới? Tại sao con tò mò về sex?
Có 1.001 các vấn đề của tuổi teen nhưng hình như ngoài chuyện học hành ra, cha mẹ lại không mấy quan tâm, không biết con cảm thấy cô đơn, không được chia sẻ, căng thẳng và thậm chí tổn thương đến thế nào… Nhưng cũng chính những suy nghĩ kiểu “ẩm ương”, dở trẻ con dở người lớn này, khiến nhiều cha mẹ thường xuyên ở trong trạng thái bối rối, lo âu, thậm chí tăng xông, sốc nặng.
Người lớn tham lam
Từ cuộc tọa đàm trong Ngày gia đình Việt Nam về lứa tuổi dậy thì, bên cạnh những vấn đề về sự thay đổi của lứa tuổi này, một số ý kiến đã vô tình nêu lên một vấn đề đáng suy nghĩ trong việc giáo dục trẻ em trong gia đình hiện nay, đó là ảnh hưởng của các thói xấu từ chính những bậc phụ huynh lên con em mình.
Một ý kiến cho rằng, có một điều mà các bậc phụ huynh luôn dạy con em mình là phải thế này, thế nọ, phải làm điều này, điều kia để trở thành người tốt. Chính cái kiểu dạy đó tạo nên một tâm lý ở trẻ em là chỉ có trẻ em mới mắc phải những thói hư tật xấu, còn tất cả người lớn đều hoàn hảo? Vậy bọn trẻ đã nhiễm thói xấu từ đâu?
Trong văn học nghệ thuật, bằng nhiều thủ pháp khéo léo, các tác giả đã đưa yếu tố ảnh hưởng tiêu cực từ người lớn đến với trẻ em như một lời nhắc nhở.
Trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản có tên Vùng đất linh hồn, nhân vật chính là cô bé gái đã phải làm mọi cách để cứu bố mẹ mình bị biến thành heo do sự tham lam. Còn trong cuốn sách Chú heo may mắn của nhà văn Hàn Quốc Kim Jong-Ryeoul vừa được xuất bản tại Việt Nam cũng có cùng chủ đề về sự tham lam của người lớn.
Câu chuyện bắt đầu ở một thành phố có tên Đỗ Quyên, nơi cuộc sống dù không hoàn hảo nhưng yên bình. Bỗng một ngày nọ xuất hiện cửa tiệm có tên Chú heo may mắn. Cửa tiệm này không bán mà chỉ tặng, mà toàn tặng những món đồ quý giá. Bố mẹ của nhân vật chính cũng như những người dân khác bị cuốn vào vòng xoáy đó và họ cũng nhận được món đồ là chiếc bình có thể nhân đôi mọi vật. Từ đó, họ say sưa lao vào nhân đôi những tờ tiền giấy mà không hề ngờ rằng năng lượng cho sự nhân đôi đó lấy từ chính họ và khi cơ thể mất đi năng lượng, họ dần dần biến thành động vật. Lời giải cho sự biến đổi rất đơn giản, cả 2 phải tự tay đập bỏ chiếc bình, thế nhưng để họ tự tay phá hủy món bảo bối lại quá khó khi mà lợi ích mang lại quá cao….
Tại buổi tọa đàm, nhiều giải pháp đã được nêu lên trong việc giáo dục con em ở lứa tuổi dậy thì, trong đó giải pháp hiệu quả nhất, được nhắc đến nhiều là việc xây dựng sự hiểu biết của cha mẹ đối với lứa tuổi teen, tức là từ 12-15 tuổi. Tác giả Vũ Thu Hà cho rằng sai lầm thông thường nhất của các bậc phụ huynh là gán ghép tuổi dậy thì của mình tức là vào khoảng từ 10-20 năm trước vào lứa tuổi dậy thì hiện nay mà quên đi rằng đã có quá nhiều thứ thay đổi sau từng đó năm. Cũng chính vì thế, nhiều bậc phụ huynh vẫn có quan niệm rằng con mình sẽ không hiểu được những sai lầm của cha mẹ.
Có nhiều biện pháp để có được sự hiểu biết về thế hệ dậy thì hiện tại như qua sách, báo, trò chuyện, tâm sự cùng con… để từ đó người lớn có được sự cảm thông, yêu thương, giúp đỡ các bạn tuổi teen và cũng mong có thể làm cầu nối để các bạn hiểu hơn tâm tư, lo nghĩ của đấng sinh thành. Hiểu hơn về những mặt trái của cuộc sống và cũng chính từ sự thấu hiểu đó, các bậc cha mẹ cũng có sẽ có sự thay đổi, hoàn thiện chính mình để có thể trở thành một người có thể lắng nghe, sẻ chia, thấu hiểu và từ đó tạo thành những dấu ấn tích cực khó phai trong cuộc đời con trẻ.