Cùng con giải trí

TPHCM đã nới lỏng giãn cách, bước vào những ngày thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhưng học sinh vẫn chưa thể đến trường. Hiện giờ trẻ em vẫn chủ yếu… học online và ở yên trong nhà. Các gia đình có con nhỏ thêm lo âu về chuyện con trẻ tiếp xúc quá nhiều với thiết bị công nghệ.
Luôn cho con cảm nhận “chúng ta là một đội” thì nhu cầu giải trí của các con sẽ không còn phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị công nghệ
Luôn cho con cảm nhận “chúng ta là một đội” thì nhu cầu giải trí của các con sẽ không còn phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị công nghệ

Con mê máy tính “hợp lệ”

Thường ngày, Bảo Anh - cô bé hàng xóm hay chạy qua chạy lại “nựng em cho cô Thảo nấu ăn”. Giãn cách xã hội, gia đình Bảo Anh ở nhà nên chị Thảo cũng không ngần ngại cho đám trẻ chơi với nhau, hơn nữa chị cũng quý mến con bé. Vậy mà bẵng đi mấy tuần, không thấy Bảo Anh sang chơi, chị hỏi thăm thì biết con bé giờ chỉ coi máy tính là nhất. Lúc nào cũng dán mắt vào màn hình, mỏi người thì ôm máy ra giường nằm coi. “Nhìn con bé năng động ngày nào giờ cả ngày dán mắt vào máy tính, hỏi gì cũng lơ ngơ, thấy mà tội”, chị Thảo trải lòng.

Các con mới học online có mấy bữa mà không khí gia đình chị Thu Hiền (ngụ TP Thủ Đức) căng thẳng hẳn. Đến bữa cơm, chị phải gọi như gọi đò, hai đứa con mới chịu xuống ăn cơm. Con chị Hiền, đứa lớn học lớp 8, đứa nhỏ học lớp 3. Lúc trước, vợ chồng chị rất hạn chế cho con xem điện thoại, iPad, nhưng rồi những ngày giãn cách ở nhà, hai con chị “nghiện” thiết bị công nghệ lúc nào không hay. Giờ lại thêm mỗi ngày có mấy giờ ngồi học với máy tính.

Chị Hiền kể, sau giờ học online, phải nhiều lần nhắc nhở, thậm chí la mắng, hai đứa con chị mới chịu tạm buông máy để ăn cơm. Đứa nhỏ thì mê phim hoạt hình, đứa lớn coi cái iPad là cả thế giới giải trí, có những ngày con chỉ ra khỏi phòng vào bữa cơm. Ba mẹ có nhắc, con lại viện cớ phải tìm hiểu thêm để hiểu bài hơn. “Thấy con bé nhìn xa là nheo nheo mắt, còn than không nhìn rõ nên ngay khi thành phố nới lỏng giãn cách, tôi đưa đi khám mắt liền. Bác sĩ thông báo mắt con tôi bị cận 2 độ, tôi hết hồn luôn. Chỉ mấy tháng trước đó, cháu đo mắt ở trường vẫn ổn”, chị Hiền phân trần. Lo lắng là vậy, nhưng chị Hiền vẫn chưa biết phải can thiệp thế nào vì tụi nhỏ học online cả ngày, nói hạn chế cho con tiếp xúc với máy tính cũng khó.

Ngay đầu tháng 10, vợ chồng anh Trọng Thành (quận 1) phải trở lại công ty để làm việc, ở nhà chỉ còn ông bà với hai đứa trẻ. Ông bà lớn tuổi, không rành thiết bị công nghệ nên chỉ hỗ trợ anh chị việc lo cơm nước cho các cháu, còn bọn trẻ gần như phó mặc cho chiếc máy tính - cũng là thiết bị học tập. “Trong giờ làm việc, vợ chồng tôi không được sử dụng điện thoại nên thi thoảng mới gọi điện về được. Gọi lần nào tôi cũng thấy bà bảo hai đứa đang học trên máy tính. Nhắc nhở có, khuyên nhủ, phân tích cũng có, nhưng thú thực, giờ tôi không biết phải làm gì để các con bớt dùng máy tính”, anh Thành lo lắng. 

Tình trạng như trên là phổ biến hiện nay, nhất là khi các trường dạy online, buộc trẻ phải tiếp xúc với máy tính, iPad hoặc điện thoại thông minh. Đặc biệt, mỗi học sinh có một thiết bị riêng và tụi trẻ coi đây là món đồ của mình, thoải mái sử dụng vì… hợp lệ.

Chúng ta cùng một đội

Thời đại của công nghệ, học online, lại được khuyến cáo hạn chế ra khỏi nhà, rõ ràng tụi nhỏ có đủ lý do chính đáng để ôm máy tính, điện thoại. Thế mà chị Linh - hàng xóm nhà tôi lại xử lý nhẹ tênh, mà đám trẻ mê tít. Chị lập một nhóm trên Zalo, các mẹ trong chung cư có con tầm độ tuổi nhau cùng tham gia để trao đổi đồ chơi cho con cũng như giúp nhau tìm giải pháp để con bớt ham mê thiết bị thông minh.

Trong nhóm, có phụ huynh giỏi làm bánh, mứt, hay mấy món ăn vặt của tuổi teen và bày cho mấy bé gái cùng làm, giao nhiệm vụ và có thẩm định kết quả đàng hoàng. Lúc rảnh, các bé có thể luyện làm bánh, mứt... theo cùng một công thức, thành quả sẽ được tặng cho mọi người trong nhóm thưởng thức. Mỗi tuần sẽ có phần thưởng dành cho những chiếc bánh, món ăn ngon nhất, đẹp nhất.

Ở nhóm này, các phụ huynh còn tiết kiệm được tiền mua đồ chơi bằng cách chia nhau đồ chơi cho con. Người mua giày trượt patin, người mua bộ xếp hình, người mua thảm nhảy, hoặc bé nhỏ hơn thì có bộ dụng cụ nấu ăn, đồ làm bác sĩ, xe lắc, xe chòi chân... “Thường tụi nhỏ chơi vài ngày sẽ chán, mình sẽ thống nhất với con đổi đồ chơi cho bạn để lấy món đồ chơi khác, khi nào con thích chơi lại thì vẫn có thể đổi lại. Với cách này, vừa tiết kiệm, các con lại luôn có đồ chơi mới”, chị Linh chia sẻ. 

Một, hai tuần đầu, sự kết nối của mọi người còn chệch choạc, chị Linh phải bỏ công một chút để khởi xướng một số hoạt động, nhưng hiện tại thì nghe nói nhóm ngày càng thân thiết, cởi mở và chia sẻ được với nhau trong cách nuôi dạy con. Ngay cả khi phụ huynh đi làm, vẫn có thể giao nhiệm vụ cho con, hoặc nhờ người hỗ trợ. Hầu hết các con chỉ dùng máy tính khi phải học online hoặc tìm kiếm những công thức, những giải pháp hay để hoàn thành nhiệm vụ mà các mẹ giao. 

Trong khi đó, chị Tâm Loan (ngụ quận 1) kỳ công sưu tập các loại tập tô màu, giấy màu, ống hút nhựa để con chị tập gấp hình sao làm màn cửa. Dĩ nhiên, chị phải là người chơi cùng con, hướng dẫn và tạo ra những ý tưởng để thu hút con tham gia. Chị bàn với chồng, sơn một mảng tường trong phòng con để con thỏa sức trang trí. Chị còn khuyến khích con làm chiếc màn để ngăn khu vực phòng khách và lối xuống bếp. Chị Loan tin, cổ vũ con bằng cách tạo những sân chơi, ở đó các sản phẩm con làm ra đều được sử dụng một cách ý nghĩa và hơn hết phải luôn cho con cảm nhận “chúng ta là một đội” thì nhu cầu giải trí của các con sẽ không còn phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị công nghệ.

Tin cùng chuyên mục