Phong trào hát với nhau tuy đã quá xưa rồi, nhưng hiện nay nó vẫn còn thu hút khá đông người, nhất là những quán nhậu có thêm chương trình hát với nhau. Mặc dù nhiều người chán ngấy cảnh tượng những “ca sĩ” đã say xỉn, ăn mặc quá tự nhiên như đang ở nhà lên sân khấu quậy tới bến nhưng hát với nhau vẫn có những điều rất riêng của nó, tiềm ẩn trong đó những sâu nặng nghĩa tình.
Minh họa: A.DŨNG
Ghiền hát với nhau
Sau buổi tiệc liên hoan họp mặt, mọi người chuẩn bị chia tay ra về, nhưng anh bạn tôi, một Việt kiều định cư ở nước ngoài hơn 10 năm rồi, hôm nay có dịp về thăm quê hương bạn bè, anh tha thiết yêu cầu chúng tôi khoan vội ra về, hãy cùng anh đi… hát với nhau. Anh chân tình thổ lộ: “Sang bên đó, nhớ lắm lời ca giọng hát, câu hò Việt Nam. Thèm nghe và thèm được hát vô cùng. Như thèm ăn một món ăn nào đó, tuy nó mộc mạc đơn sơ, nhưng khi thèm không tài nào tìm được, để trong lòng mình một sự nhung nhớ không thể nào nguôi. Nhất là câu hát vọng cổ, nó bỗng dưng trở nên thiêng liêng vô cùng. Đành rằng bên đó cũng có băng, đĩa và cũng có chương trình hội diễn văn nghệ, tiết mục vọng cổ xen vào nhưng vẫn không thể thỏa lòng thương nhớ của mình. Câu vọng cổ phải hát lên giữa quê hương xứ sở, nơi tạo cho nó sức sống, sự lan tỏa sâu sắc trong lòng người nghe. Bởi vậy càng đi xa, mới càng thấm thía bài hát quê nhà” - nghe anh tâm sự, bạn bè ai cũng cảm động, vậy là cùng đi hát với nhau.
Tài xế taxi đưa chúng tôi đi là một cô gái tuổi ngoài ba mươi. Nghe chúng tôi bàn tán chuyện hát với nhau, kể tên những bài hát vọng cổ, bài ca tân nhạc mà mọi người yêu thích, bất ngờ cô lên tiếng góp vào câu chuyện đang rôm rả: “Các anh đến nhà hàng B.T. đường Lê Văn Khương (quận 12) hát với nhau không hay đâu. Âm thanh dở lắm, còn tay đờn cũng tệ cực kỳ. Nhất là cô MC làm như nhà hàng đó là của mình vậy, muốn cho ai lên hát thì cho. Nhất là hôm nào có ai “bo” riêng thì nhóm người đó được mời lên hát thoải mái, còn mấy người khác dù có đăng ký, cũng dài cổ mà chờ”. “Sao em biết?” - anh bạn tôi thắc mắc hỏi. Cô cười duyên dáng, giọng cởi mở: “Em đến đó hát mấy lần nên biết, em cũng thích hát với nhau lắm”. Vậy là gặp đồng minh rồi. Cô tình nguyện đưa chúng tôi tới một nơi hát với nhau mà theo cô, rất lịch sự và đạt yêu cầu. Anh bạn Việt kiều của tôi quá hứng khởi, anh nói mời cô vào hát chung. Không ngờ cô lái taxi cũng rất máu văn nghệ, cô nói: “Văn nghệ cho vui, ai mà nhận tiền bo”.
Đúng như lời giới thiệu của cô lái taxi, nơi chúng tôi vào hát với nhau ở đầu cầu Bông. Trên lầu 1, không khí rất yên ắng, khách ngồi uống bia trên ghế salon lịch sự, không ồn ào, đèn sáng vừa phải trong tiếng nhạc êm tai. Nơi này có cả khiêu vũ, từng cặp dìu nhau trong tiếng nhạc du dương trầm bổng. Đúng là nơi đến để hát với nhau trong không gian của âm nhạc, vừa lịch sự, vừa thể hiện nếp sinh hoạt văn hóa. Một ông khách tuổi hơn 60, vừa hát xong bước xuống, đã lịch sự đến chào những bạn vừa tặng hoa cho ông lúc đang hát. Ông hát không hay lắm, nhưng qua không khí nghiêm túc, lịch sự, tiếng hát dường như hay hơn, người nghe cũng dễ chịu hơn.
Thầm rơi nước mắt trong tiếng đờn
Tại một quán nhậu bình dân ở quận 7, diện tích trong quán chỉ đủ kê 4 bàn nhỏ, vì một góc phòng còn phải để cái bục gỗ nhỏ xíu, dành cho khách lên hát với nhau. Bên trong quán tuy chật chội, nhưng ngược lại quán có lợi thế là phía trước sân khá rộng rãi, thoáng mát, thuận lợi giữ xe, kê cả chục cái bàn nhậu ngoài trời gió đêm lồng lộng, nên ai cũng thích ngồi ngoài này.
Khách đến đây không phải vì giá rẻ, mồi ngon, mà vì thích ngón đờn quá điêu luyện của tay đệm đờn. Dàn nhạc chỉ một người duy nhất, sử dụng đàn guitar phím lõm, vừa đệm hát vọng cổ và kiêm luôn tân nhạc. Anh khiêm tốn ngồi thu mình trong góc trên cái bục nhỏ, dáng còm cõi, khòm lưng ôm chặt cây đàn, réo rắt nhả từng tiếng tơ khoan nhặt. Thực khách chỉ nghe tiếng đàn, ít ai nhìn thấy người đàn, vì người hát đứng phía trước che khuất anh rồi. Mà có lẽ cũng không ai để ý đến anh làm gì, thói thường là vậy mà, người ta chỉ quan tâm đến người hát, vì đó là bạn bè thân quen, cùng nhậu, cùng hát với nhau, để rồi động viên tinh thần người hát bằng những đóa hoa có gắn tiền trong đó.
Vô tình tôi đi ngang trong một đêm về muộn, giữa bốn bề của bao tiếng ồn huyên náo, vậy mà tiếng đàn vọng cổ trầm bổng kia vẫn không bị chìm vào những âm thanh hỗn độn đó. Cái chất sâu thẳm mượt mà vẫn vượt trội, vẫn gieo vào lòng người nghe cái cảm giác bâng khuâng của bao la trùng điệp, sức sống mãnh liệt của đờn ca tài tử. Khách lên ca bằng chất giọng chân chất, thô mộc, nhưng qua tiếng đàn tài hoa của người nhạc sĩ âm thầm sau sân khấu, giọng hát của họ như được nâng lên, chấp cánh bay cao.
Nhân lúc nghỉ giải lao, tôi tranh thủ gặp anh ngồi lặng lẽ phía sau sân khấu. Anh vui vẻ cho tôi biết anh là một tay đờn sến, đờn guitar có cỡ trong giới nhạc công cải lương. Trước kia, hơn 20 năm anh chuyên đờn cho các gánh hát đại ban, các nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu cải lương. Nay tình hình sân khấu cải lương đã dần lụi tàn, anh đành từ giã sân khấu. Rồi vì cuộc sống, anh tìm đến đờn cho những quán hát với nhau kiếm sống qua ngày. Anh nói là nhớ sân khấu lắm, thôi thì còn đến được với tiếng đờn lời ca ngày nào cho khuây khỏa ngày đó. Anh chậc lưỡi, nói như than thở cho chính thân phận mình: “Mong mỏi đừng gặp các “thượng đế xỉn”, họ bắt mình đờn đủ kiểu để phục vụ cho họ. Vì cuộc sống nên phải chiều theo. Nhiều khi đờn mà thầm rơi nước mắt”.
Tôi ra về trong sương đêm lành lạnh. Đường phố đã thưa người, tiếng đờn của người nghệ sĩ tài hoa mà thân phận hẩm hiu vẫn còn văng vẳng bên tai. Đêm đêm có những con người lặng lẽ mang cho đời tiếng tơ lòng réo rắt.
Nhằm để câu khách, cho nên quán nào cũng có thể mở ra hát với nhau. Ngay những quán cực kỳ bình dân cũng hát với nhau và khiêu vũ. Sân khấu chỉ là một cái bục nhỏ xíu không hơn không kém. Dàn nhạc chỉ cần một cây organ với một cô MC là đủ. Phía trước sân khấu làm nơi khiêu vũ, chỉ đủ 3 cặp dìu nhau chật ních. Chúng tôi đến một quán nhậu có hát với nhau tại dốc cầu Chợ Cầu, Gò Vấp. Không cần đăng ký, không chờ đến lượt mình là cứ tự nhiên bước lên sân khấu, giành micro tha hồ hát. Hát liên khúc không cần đúng tông, đúng giọng. Trên sân khấu người này hát chưa xong thì người kia giành micro hát tiếp. Còn bên dưới sân khấu, các ông, các bà cùng khiêu vũ, ai cũng cho vui là chính, nhảy sao cũng được. Cô MC nhẹ nhàng nói với tôi: “Vậy đó anh ơi, đây là những khách thân quen, hầu như đêm nào họ cũng có mặt, họ chỉ vui quá đà vậy thôi, nhưng từ nào giờ chưa hề xảy ra đánh nhau, lại còn rất lịch sự mời mọc nhau, dù là người lạ”. |
NGUYỄN TƯỜNG LỘC