Cứng nhắc!

Mới đây, tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM với Sở GD-ĐT về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND về hỗ trợ giáo dục mầm non, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT, cho biết lý do khiến các trường mầm non công lập hiện nay chưa thể tổ chức giữ trẻ ngoài giờ là vì thiếu giáo viên.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM với Sở GD-ĐT về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND về hỗ trợ giáo dục mầm non, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT, cho biết lý do khiến các trường mầm non công lập hiện nay chưa thể tổ chức giữ trẻ ngoài giờ là vì thiếu giáo viên.

Hơn nữa, Luật Lao động quy định người lao động làm việc 8 tiếng/ngày, trong khi thực tế tổng số giờ làm việc của giáo viên mầm non đã lên đến hơn 10 tiếng (kéo dài từ 6 giờ 30 phút sáng đến 17 giờ chiều). “Nếu đề nghị các cô ở lại trông cháu ngoài giờ thì trái với Luật Lao động, nếu hợp đồng thêm lực lượng bên ngoài thì khó bảo đảm trách nhiệm an toàn cho các bé”, bà Dung bày tỏ. Vị này còn cho biết, sở dĩ ở nước ngoài có thể tổ chức giữ trẻ ngoài giờ là do cách tuyển dụng và phân chia thời gian lao động. Cụ thể, sẽ có một giáo viên nhận lớp từ 6 giờ 30 phút sáng đến 12 giờ trưa, sau đó người này bàn giao lại lớp cho giáo viên trực buổi chiều. Chính nhờ cách phân chia ca và tăng đội ngũ giáo viên như vậy đã giúp cường độ lao động của giáo viên không bị quá tải, phụ huynh nào có nhu cầu có thể đăng ký giáo viên ở lại trông giữ trẻ ngoài giờ.

Tuy nhiên, sau khi nghe phân tích của đại diện Sở GD-ĐT, ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên Thường trực HĐND TPHCM, bày tỏ, nếu căn cứ theo Luật Lao động để giải thích cho việc giáo viên không thể giữ trẻ ngoài giờ là cách làm quá cứng nhắc vì chỉ một số đối tượng, ở một số khu vực, có nhu cầu gởi trẻ ngoài giờ. “Chúng ta phải đặt câu hỏi vì sao trường tư làm được mà trường công không thể làm”, ông Hùng chất vấn. Trước đó, tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP với UBND quận Bình Tân, cũng có ý kiến băn khoăn vì sao các trường ngoài công lập có thể tổ chức giữ trẻ trong dịp hè (có nơi năm học cũ kết thúc vào ngày 30-5, trường thông báo cho học sinh và giáo viên nghỉ hè… đúng 1 ngày 31-5, sau đó 1-6 trường nhận trẻ lại như bình thường), giữ trẻ sau 5 giờ chiều cho phụ huynh yên tâm công tác, nhưng hầu hết trường công chưa làm được. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Đề án Thí điểm giữ trẻ 6-18 tháng tuổi do UBND TPHCM ban hành chưa đạt hiệu quả như mong đợi, vì đa phần người dân có nhu cầu gởi con dưới 18 tháng tuổi đều là công nhân, lao động nghèo, không thể đón con lúc 16 giờ như thời gian các trường công quy định.

Thêm vào đó, thực tế hiện nay vẫn có một số trường công, dù hiếm hoi trên địa bàn TPHCM có tổ chức giữ trẻ ngoài giờ như Trường Mầm non Hồng Nhung (quận Gò Vấp) tổ chức hoạt động trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh. Qua đó cho thấy chừng nào mà giáo dục TPHCM còn cứng nhắc làm theo những quy định và phương thức cũ mà không có sự mạnh dạn đề xuất, triển khai thí điểm các cách làm mới, thì chừng đó chưa thể đáp ứng hết kỳ vọng của người dân, chất lượng giáo dục mầm non sẽ còn lại câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục