Đó là tựa đề bài viết được đăng tải trên tờ Huffington Post của tác giả người Mỹ Steve Mariotti, nhà sáng lập Mạng lưới đào tạo doanh nhân tại Mỹ. Tác giả đã có trải nghiệm thú vị về sự chuyển mình của kinh tế Việt Nam sau gần 4 thập kỷ thống nhất đất nước, đặc biệt là sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp xã hội. Xin được gửi đến độc giả lược trích bài viết này.
Ở các nền kinh tế phát triển như Việt Nam, chúng ta đang thấy sự đổi mới trong kinh doanh. Ấn tượng khi đến với Việt Nam sau gần 40 năm sau thống nhất đất nước không phải là những bãi biển quyến rũ, các món ăn ngon hay thậm chí nền lịch sử và văn hóa phong phú mà chính là sự gia tăng đáng kể về số lượng của doanh nghiệp nhỏ.
Cuộc hội thảo đầy thú vị qua Skype giữa một đầu cầu ở Mỹ và một đầu cầu ở Việt Nam đã diễn ra trong 2 ngày vào cuối tháng 3 vừa qua. Chủ đề chính được thảo luận đó là các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến doanh nghiệp xã hội hiện nay. Ngày đầu tiên, hội thảo tập trung vào các loại hình doanh nghiệp xã hội đang phổ biến tại Việt Nam.
Có thể thấy, các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp xã hội trong nhiều lĩnh vực được khuyến khích phát triển và đạt được khá nhiều thành công tại Việt Nam. Ngành công nghiệp du lịch đang bùng nổ dữ dội là một ví dụ. Nhưng một điểm đáng chú ý đó là việc khuyến khích phát triển các doanh nghiệp không dừng lại ở mục đích kinh tế mà còn phải thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Một trải nghiệm lý thú cho mục tiêu này đó là doanh nghiệp Blind-Link đến tham dự hội thảo. Blind-Link là một tổ chức dạy người khiếm thị massage trị liệu. Một sáng tạo của doanh nghiệp kinh doanh là trao cho người khiếm thị một kỹ năng mới, trong trường hợp này là liệu pháp xoa bóp, giúp họ có một cuộc sống ổn định bằng sức lao động của mình, tránh sự mặc cảm. Với một quốc gia mà ngành du lịch bùng nổ như Việt Nam, massage trị liệu luôn có đất sống. Và như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực massage trị liệu sẽ không dừng lại ở một Blind-Link.
Để có được sự thành công này phải kể đến những nỗ lực không nhỏ của Chính phủ Việt Nam trong việc ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế suất. Có thể điểm qua một số điểm nổi bật như lợi nhuận của các công ty luôn được đánh thuế ở một mức cố định thay vì dựa trên tổng thu nhập như luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ. Hay nếu hoạt động trong một số ngành công nghiệp, mức thuế sẽ được giảm xuống thấp nhất ở mức 10% hoặc chủ các doanh nghiệp nhỏ sẽ được giảm 50% thuế nhu nhập cá nhân mà họ nợ… Đây chính là môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho các cá nhân theo đuổi ước mơ kinh doanh của mình.
Và với những nỗ lực như vậy của Chính phủ Việt Nam, sẽ không có gì là bất ngờ trước một thống kê rằng: dù mới chỉ áp dụng chương trình về phát triển doanh nghiệp nhỏ vào năm 2011, đến nay, ít nhất 97% các doanh nhân có doanh nghiệp cho mình. Việt Nam đang vượt qua mọi dự báo phát triển toàn cầu thông qua làn sóng mới các doanh nhân, doanh nghiệp nhỏ. Tất cả đều nằm trong kế hoạch của Chính phủ Việt Nam: hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng ổn định.
ĐỖ CAO