Cuộc cách mạng số hóa trong thanh toán

Tỷ lệ thanh toán dùng tiền mặt tại Ấn Độ ở mức 90,9% vào năm 2017, nhưng nhờ các sáng kiến của chính phủ, nỗ lực của ngân hàng và niềm tin ngày càng tăng của người tiêu dùng, con số này giảm còn 59,3% vào năm 2021 và đang có xu hướng giảm tiếp.

Quy mô chưa từng thấy

Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện một số bước để thu hút nhiều người dân thanh toán không dùng tiền mặt dưới sự giám sát của hệ thống ngân hàng. Các mã kết nối hàng trăm triệu người trong một hệ thống thanh toán tức thì được coi như cuộc cách mạng đối với thương mại Ấn Độ.

Hàng tỷ giao dịch ứng dụng dành cho thiết bị di động - lớn hơn tổng số giao dịch của các nước Mỹ, Anh, Đức và Pháp cộng lại - diễn ra mỗi tháng thông qua mạng kỹ thuật số trong nước, đã giúp việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn

Với mạng lưới này, Ấn Độ cho thấy một quy mô chưa từng thấy trước đây, chứng minh đổi mới công nghệ nhanh chóng có thể tạo ra tác động vượt bậc như thế nào đối với các quốc gia đang phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay cả khi cơ sở hạ tầng vật chất bị tụt hậu. Đó là mô hình công - tư mà Ấn Độ muốn xuất khẩu khi nước này tự coi mình là vườn ươm những ý tưởng có thể nâng đỡ các quốc gia nghèo hơn trên thế giới.

Mã QR ngày càng phổ biến trong đời sống hàng ngày của người dân Ấn Độ

Mã QR ngày càng phổ biến trong đời sống hàng ngày của người dân Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng tự hào về hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số của nước này với sự phát triển như một loại “hàng hóa công cộng miễn phí”.

Theo ông Modi, “điều này đã thay đổi hoàn toàn việc quản trị, tài chính toàn diện và khiến điều kiện sống thuận tiện hơn ở Ấn Độ”. Hệ thống quét và trả tiền là một trong những trụ cột mà Thủ tướng Narendra Modi gọi là “cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số”, với nền tảng do chính phủ đặt ra.

Nó đã làm cho cuộc sống hàng ngày trở nên thuận tiện hơn, mở rộng các dịch vụ ngân hàng như tín dụng và tiết kiệm cho hàng triệu người Ấn Độ, đồng thời mở rộng phạm vi tiếp cận của các chương trình và thu thuế của chính phủ.

Trọng tâm của chương trình thanh toán không dùng tiền mặt của Ấn Độ là cung cấp cho mọi công dân một mã số nhận dạng duy nhất, được gọi là Aadhaar. Sáng kiến này bắt đầu vào năm 2009 dưới thời người tiền nhiệm của ông Modi là ông Manmohan Singh. Sau đó, ông Modi đẩy nhanh hành động nhằm vượt qua các rào cản pháp lý.

Chính phủ Ấn Độ cho biết, khoảng 99% người trưởng thành hiện có số nhận dạng sinh trắc học, với hơn 1,3 tỷ ID được cấp. Một động lực thúc đẩy việc chuyển từ tiền mặt sang thanh toán kỹ thuật số là quyết định của ông Modi năm 2016 về việc loại bỏ tất cả các loại tiền tệ có mệnh giá lớn khỏi thị trường. Tuy quyết định gây sốc cho các doanh nghiệp nhỏ hoạt động bằng tiền mặt nhưng cũng được coi như một nỗ lực để loại bỏ “tiền đen” trong chính trị.

Các chương trình trọng tâm

Trong số các chương trình của Chính phủ Ấn Độ có Pradhan Mantri Jan Dhan Yojana (chương trình cung cấp dịch vụ ngân hàng chi phí thấp). Theo đó, chỉ định các đại lý ngân hàng, ra mắt các công cụ thanh toán và giảm phí đối với các khoản thanh toán qua thẻ.

Bên cạnh đó, việc giới thiệu nền tảng Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) theo thời gian thực, cải thiện cơ sở hạ tầng thanh toán, phát triển thương mại điện tử và phổ biến ví di động… sẽ hỗ trợ sự phát triển của thanh toán điện tử trong vài năm tới.

Ông Dilip Asbe, Giám đốc điều hành của Tập đoàn thanh toán quốc gia Ấn Độ (cơ quan giám sát nền tảng UPI), cho biết, khoảng 8 tỷ giao dịch trị giá gần 200 tỷ USD đã được thực hiện trên UPI vào tháng 1. Hệ thống này đã phát triển nhanh chóng và hiện có gần 300 triệu cá nhân, 50 triệu thương nhân sử dụng.

Thanh toán kỹ thuật số đang được thực hiện cho cả những giao dịch nhỏ nhất, với gần 50% được phân loại là thanh toán nhỏ hoặc vi mô (10 cent cho một cốc sữa hoặc 2 USD cho một túi rau tươi). Đây là một sự thay đổi hành vi đáng kể trong một nền kinh tế từ lâu đã dựa vào tiền mặt.

Ấn Độ là trung tâm của một trong những thị trường ví di động phát triển nhất trên thế giới. Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã tác động đáng kể đến nền kinh tế của đất nước Nam Á này và dẫn đến sự sụt giảm trong chi tiêu của người tiêu dùng, từ đó tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả thanh toán, từ tiền mặt sang các phương thức thanh toán điện tử.

Nhưng cũng từ đại dịch, thanh toán không dùng tiền mặt có cú hích phát triển nhanh hơn. Thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng hàng năm là 155,6% trong giai đoạn 2017-2021. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ bắt buộc khả năng tương tác của ví di động có hiệu lực từ ngày 1-4-2022, cho phép người dùng thực hiện thanh toán dựa trên mã QR nhanh chóng mọi nơi.

Thị trường thương mại điện tử của Ấn Độ đã tăng từ 30,1 tỷ USD vào năm 2017 lên 61,5 tỷ USD vào năm 2021. Tăng trưởng thanh toán điện tử còn xuất phát từ tỷ lệ truy cập Internet và sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng, cộng với sở thích mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến của người tiêu dùng.

Thẻ ghi nợ chiếm 93,2% số thẻ đang lưu hành tại Ấn Độ, trong khi thẻ tín dụng chiếm 6,8% số thẻ đang lưu hành. Mặc dù tỷ lệ sử dụng thấp hơn so với mã QR, người tiêu dùng Ấn Độ đang ngày càng thích sử dụng thẻ để thanh toán. Điều này chủ yếu là do các lợi ích như điểm thưởng, giảm giá, tiện ích trả góp và cho vay.

Ví di động hiện được sử dụng rộng rãi hàng ngày tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và cả bán hàng rong. Mã QR được dán trên cây cạnh một tiệm cắt tóc ven đường, mã QR của chị bán quần áo dạo, người bán đậu phộng rang… Một nghệ sĩ bên bờ biển ở Mumbai đặt mã QR vào hộp quyên góp trước khi bắt đầu biểu diễn, thậm chí người hành khất ở Delhi còn đưa mã QR qua cửa sổ ô tô của người đi đường để xin tiền phòng trường hợp họ không có tiền mặt.

Tin cùng chuyên mục