
Trong tháng 3-2010, Báo SGGP đăng loạt bài “Mặt trái của thế giới ảo” đã mô tả một phần về tội phạm sử dụng công nghệ cao. Điều nguy hiểm hơn hết là loại tội phạm này hoạt động ngày càng phức tạp với thủ đoạn tinh vi. Do vậy hiện nay, bài toán phải làm gì để hạn chế mặt trái của thế giới ảo tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Công an bắt giữ một sinh viên lừa đảo qua mạng.
Chiêu thức... ảo
Hiện nay, trên thế giới ảo, các đối tượng xấu có thể phổ biến, trao đổi kinh nghiệm, phương thức thủ đoạn, bày cho nhau cách đối phó với cơ quan chức năng rất nhanh. Vì thế, thủ đoạn của các đối tượng cũng ngày càng tinh vi hơn. Theo Đại tá - Tiến sĩ Trần Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao, ngoài tội phạm công nghệ cao truyền thống như trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc qua mạng… loại tội phạm này ở VN có xu hướng tấn công cơ sở dữ liệu của hạ tầng thông tin quốc gia, của ngân hàng và các doanh nghiệp lớn hoặc gửi thư rác, quảng cáo, sử dụng blog để hoạt động phạm pháp như xâm phạm đời tư, buôn bán hàng cấm, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy…
Một cán bộ có nhiều kinh nghiệm điều tra tội phạm công nghệ cao cho biết, do đặc trưng không có biên giới của thế giới ảo nên tội phạm cũng… không biên giới. Chúng có thể ngồi bất kỳ ở đâu. Có khi hệ thống mạng máy tính của chính mình chưa chắc đã là do mình làm chủ mà trên thế giới ảo, ai có kỹ thuật cao hơn thì người đó làm chủ. “Càng ngày, thế giới ảo càng ảnh hưởng đến đời sống xã hội, từ ảo biến thành thật chứ không đơn thuần là ảo nữa” - vị cán bộ này nhấn mạnh.
Trong xu hướng tội phạm công nghệ cao, ngân hàng, các tổ chức tín dụng vẫn luôn là miếng mồi béo bở, màu mỡ. Các ngân hàng sẽ thay đổi, áp dụng công nghệ tốt hơn theo hướng có tiện ích cho con người thì đi kèm đó cũng phát sinh rủi ro nhất định. Song song đó, tội phạm cũng luôn bám sát vào sự thay đổi, phát triển đó để “kiếm mồi”.
Trước đây, các website của ngân hàng chỉ cho khách hàng xem thông tin, nếu có rò rỉ thì chỉ lộ thông tin khách hàng. Còn bây giờ là giao dịch online, thanh toán trực tuyến, duyệt phiếu chi trực tuyến… nên tội phạm càng dễ bề ra tay. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Tội phạm công nghệ cao ngày càng có chủ ý, mục đích rõ ràng. Đặc biệt, tương lai sẽ xuất hiện nhiều đối tượng trẻ coi phạm tội công nghệ cao là nguồn sống, là nghề chứ không đơn thuần là cuộc dạo chơi, chống phá nhằm thể hiện đẳng cấp trên thế giới ảo.
Tăng cường ngăn chặn
Hiện nay, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều khuyến cáo nhằm tăng cường khả năng phòng và chống loại tội phạm này. Theo đó, đối với các ngân hàng, tập đoàn, tổ chức tín dụng ngay trong quá trình phát triển phần mềm đã cần phải nghĩ tới bảo mật. Và đặc biệt là cần sự đồng bộ không chỉ là trang thiết bị kỹ thuật mà còn là quy trình sử dụng (phải đảm bảo yêu cầu an toàn) và con người (hiểu biết về bảo mật).
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao đánh giá: Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi nên luật pháp cần phải hoàn thiện, cơ quan quản lý Nhà nước sắp tới đây phải có quy định chung trong việc lưu trữ dữ liệu. Ví dụ như lưu thông tin gì, thời gian truy cập lúc nào, thông tin gì của người truy cập cần lưu giữ lại để còn có manh mối. Bản thân các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cần quan tâm đến việc bảo mật, tự bản thân doanh nghiệp phải bảo vệ mình, không thể mở toang cửa… đón tội phạm được.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Việt, Phó trưởng Phòng An ninh báo chí (Cục An ninh Thông tin - Truyền Thông, Tổng cục An ninh 2, Bộ Công an) cho rằng, “Hiện công tác hậu kiểm, quản lý những website của các cá nhân, doanh nghiệp… gần như bỏ ngỏ. Chúng ta cần xây dựng một số website chính thống, thông tin chính xác, nhanh, toàn diện nhằm thu hút bạn đọc, hạn chế việc bạn đọc phải lang thang trên các trang web không chính thống, thông tin một chiều, không kiểm chứng”.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên viên an ninh mạng, cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin đối với mọi người, nhất là các trường phổ thông, trường ĐH - CĐ để sớm trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức pháp luật, hiểu được hành vi nào là vi phạm pháp luật, mức độ nguy hại, chế tài xử lý và học tập ý thức bảo vệ pháp luật ngay từ trên ghế nhà trường. Trường học, Đoàn - Hội… cũng cần tạo nhiều sân chơi bổ ích để hút giới trẻ tham gia thay vì để họ có cơ hội trở thành những tội phạm công nghệ cao.
Đường Loan
Mặt trái của thế giới ảo |