
Tại hội nghị về công tác xuất bản tổ chức tại Quảng Bình cuối tháng 3 vừa qua, ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (VH-TT) lại một lần nữa kêu gọi: Nói không với sách lậu.
- Từ chuyện vô lý bình thường

Giảm giá nhằm chống sách lậu của các đơn vị phát hành, liệu có thể cầm cự bao lâu? Ảnh: T.V.
Nói một lần nữa vì chỉ trong khoảng thời gian ngắn, tại ba cuộc hội nghị của ba ngành lớn nhất trong lĩnh vực văn hóa phẩm gồm in-xuất bản-phát hành, các đồng chí lãnh đạo ngành VH-TT đã liên tiếp nhắc đi nhắc lại chuyện chống sách lậu. Điều này cho thấy, sách lậu đã thực sự trở thành vấn nạn đe dọa sự ổn định của toàn ngành kinh doanh văn hóa phẩm Việt Nam.
Tại hội nghị nêu trên, Thứ trưởng Bộ VH-TT Đỗ Quý Doãn đã nêu lên một loạt những điều tưởng chừng như nghịch lý nhưng lại đang diễn ra hết sức bình thường trên thị trường sách hiện nay. Theo ông, in sách lậu không phải là việc dễ thế nhưng sách lậu vẫn đang xuất hiện với chất lượng, hình thức không thua kém so với sách chính thức. Thậm chí, đến cả tem chống hàng giả do các NXB dán lên ấn phẩm của mình cũng được làm giả chi tiết đến độ ngay cả nhân viên NXB cũng không thể phân biệt đâu là sách thật đâu là sách giả, huống chi độc giả thông thường.
Chưa hết, có nhiều tựa sách được in trong kế hoạch của NXB, có người chịu trách nhiệm, biên tập… tóm lại như một cuốn sách thật nhưng lại bị xem là sách lậu. Và một điều vô lý nữa là sách lậu dù có in đẹp đến mấy cũng không thể dễ dàng đến được tay bạn đọc nếu không có những người phát hành. Mà những người phát hành lại hoàn toàn có thể phân biệt dễ dàng sách lậu với sách thật thông qua các khâu kiểm tra giấy tờ, hóa đơn… Tóm lại, trên lý thuyết sách lậu không thể tồn tại mạnh mẽ như hiện nay nhưng thực tế đang chứng minh điều ngược lại.
- Đến điều bình thường vô lý
Vụ phát hiện hơn 100 ngàn đầu sách lậu tại Thái Nguyên là câu trả lời đầy thuyết phục đối với cái vô lý đầu tiên. Sách lậu, ở đây tiêu biểu là cuốn sách đang ăn khách “Hillary Clinton và chính trường nước Mỹ” đã được in ấn, đóng xén tại một nhà in lớn với các trang thiết bị hiện đại. Điều vô lý về chất lượng sách lậu đã có đáp án hết sức bình thường: In tại nhà in lớn thì chất lượng tốt là đương nhiên. Nhưng sự bình thường này đồng thời lại là vô lý, hơn 10 vạn bản sách được in mà không cần bất cứ thứ giấy tờ gì để xác nhận đây là sách thật.
Cũng như vậy, những tựa sách được NXB in chính thức lại là sách lậu cũng có câu trả lời rất đơn giản: Sách không có bản quyền. Với Berne, Trips (Hiệp định Sở hữu trí tuệ trong WTO), không bản quyền đồng nghĩa với sách lậu. Loại sách này chủ yếu nằm trong kế hoạch B của các NXB và tất cả đều có một mẫu số chung là NXB bán giấy phép còn tư nhân muốn in gì thì tùy, NXB không kiểm tra. Chuyện bán giấy phép này đã trở thành một điều bình thường trong hoạt động kinh doanh của nhiều NXB giúp mang lại một khoản thu đáng kể và tạo nên một nghịch lý khi biến sách “thật” thành sách lậu.
Và mắt xích cuối cùng trong chuỗi bình thường một cách vô lý này chính là khâu phát hành. Sách lậu không thể tồn tại nếu nó không được đưa tới tay bạn đọc, chính vì thế nên hàng loạt tựa sách lậu, nhái từ các tựa sách ăn khách của doanh nghiệp Trí Việt, NXB Trẻ… đã nằm hiên ngang trên các quầy sách tại nhiều nhà sách lớn ở thủ đô và trên cả nước. Câu trả lời được chính Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nêu ra: tiền chiết khấu cực cao. Mà khoản này thì các đơn vị làm ăn chân chính không thể so bì nổi, sách lậu không phải tốn tiền bản quyền, quảng cáo, biên tập, thuế… nên dù mức chiết khấu tới 50%-60% họ vẫn có lời. Mức lợi nhuận cao đã khiến nhiều nhà phát hành mờ mắt và tiếp tay cho sách lậu.
- Cuộc chiến không của riêng ai
Một điều khá nghịch lý nữa là chịu hậu quả đầu tiên của sách lậu không phải là độc giả mà chính là những người trong ngành in - xuất bản - phát hành. Sách lậu sẽ giết chết sách thật nên NXB không thể xuất bản sách mới, không xuất bản thì không in, không sách mới thì không phát hành, tất cả cùng nắm tay nhau đi vào sự hủy diệt. Thế nhưng, dung dưỡng cho sách lậu tồn tại cũng chính là những đơn vị này. Từ trước đến nay, NXB thì kêu gọi phát hành, in ấn đừng tiếp tay cho sách lậu; phát hành thì kêu xuất bản, in đừng làm sách lậu; in thì kêu xuất bản và phát hành tránh xa sách lậu ra.
Chính vì thế, năm 2007, đích thân lãnh đạo ngành VH-TT đã phải đứng ra kêu gọi cả ba đơn vị cùng đứng lại với nhau trong cuộc chiến chống sách lậu. Chỉ cần có sự hợp tác thật sự giữa các đơn vị, không để lợi nhuận cao làm lu mờ pháp luật thì sách lậu sẽ không thể còn đất để tồn tại, vấn nạn sách lậu sẽ tự biến mất. Một hy vọng mới thị trường sách Việt Nam trong thời buổi hội nhập - một hy vọng nhỏ nhoi nhưng dù sao cũng là một hy vọng.
TƯỜNG VY