

Điện thoại di động có chụp hình và nghe nhạc là sự lựa chọn của giới trẻ. Ảnh: ĐÀM THANH
Là sản phẩm của công nghệ thông tin nên điện thoại di động (DTDĐ) có sự thay đổi đến chóng mặt về các tính năng kỹ thuật cũng như kiểu dáng, màu sắc. Đổi mới ĐTDĐ đang là xu hướng thời trang trong giới trẻ - Chị Hòa Hương, chủ một tiệm điện thoại lớn trên đường 3-2 (quận 10) cho biết: khách hàng đổi ĐTDĐ nhiều nhất là trong độ tuổi từ 22 đến dưới 30 với phương châm “ĐTDĐ sau phải mắc hơn ĐTDĐ trước”, có khách hàng quen của cửa hàng xài điện thoại trên dưới chục triệu đồng nhưng không có cái nào xài quá 2 tháng.
“Kỷ lục gia” là một chủ tiệm cho thuê áo cưới, vừa mới đổi chiếc ĐTDĐ Nokia 8800 nhưng chỉ xài 3 tuần là đổi qua chiếc Nokia Sirocco Edition với giá cả ngàn USD chỉ vì thích chiếc vỏ mạ vàng lóng lánh, thời trang hơn. “Cũng không hẳn như thế, một chiếc điện thoại đẹp, vừa túi tiền nhưng giá cả hợp lý vẫn luôn là sự lựa chọn đúng đắn”- Võ Huy- giám đốc trẻ của một công ty tin học tại quận 1 cho biết: Anh đang sử dụng ĐTDĐ dạng PC Pocket với giá 14 triệu đồng, tiêu chí chọn điện thoại của anh là những chiếc ĐTDĐ “có thể kết nối bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu” và anh có thể lướt web, tìm kiếm thông tin trên mạng và có thể coi giá chứng khoán...
Nặng về yếu tố kỹ thuật của chiếc ĐTDĐ nhưng cũng không thể bỏ qua yếu tố hình thức. Khi được hỏi có “phiêu lưu cùng những chiếc ĐTDĐ không?” thì Võ Huy lắc đầu:”Khi nó vẫn có đầy đủ các tính năng phục vụ cho công việc, tôi không nghĩ đến chuyện phải đổi một “con” mới”. Vàng Anh, một nhân viên viết lời quảng cáo (copywriter) của một Công ty quảng cáo lớn nhất nhì TPHCM, lương tháng được tính bằng con số ngàn đô la Mỹ nhưng chiếc ĐTDĐ cô chọn không trên 8 triệu đồng.
Theo cô, ĐTDĐ là phụ kiện không thể thiếu của thời trang thời hội nhập; là phụ nữ thì tiêu chí chọn điện thoại vẫn là kiểu dáng và màu sắc trước, sau đó mới xét đến những tính năng kỹ thuật. Yếu tố quyết định việc chọn ĐTDĐ chính là sự kết hợp giữa tính năng và kiểu dáng. Nghe nhạc giúp cho cô thư giãn với những chuyến công tác xa và tính năng chụp hình có độ phân giải tương đối giúp cô ghi lai được những khoảnh khắc vui vẻ cùng người yêu, bạn bè.
“Hãy nói cho tôi biết bạn sử dụng điện thoại nào, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai?”– Đó là câu châm ngôn nhại đi của giới trẻ khi nói về chiếc ĐTDĐ. Phải chăng đẳng cấp của chủ một chiếc ĐTDĐ được thể hiện bằng… giá cả?
Chiếc ĐTDĐ cao cấp nhất của Nokia là Vertu tưởng chừng như chỉ dành cho doanh nhân dùng vì giá của một chiếc được tính bằng đơn vị chục ngàn đô-la, chiếc rẻ nhất cũng phải đến con số vài ngàn đô-la. Thế nhưng, dân cư trên mạng cũng đã xôn xao rằng một “cậu ấm” N.H sinh năm 1981 ở Sài Gòn, sau một thời gian “đốt tiền” vào việc chơi “dế độc” (ĐTDĐ), H. đã “tậu” ngay một chiếc với giá gần 300 triệu đồng khi nó vừa xuất hiện tại Việt Nam chỉ vì “không thể có chiếc nào mắc hơn và đẳng cấp hơn!” (!?).
Chiếc điện thoại iPhone của hãng Apple làm xôn xao thế giới vừa chính thức có mặt tại Việt Nam với giá khoảng 1.300 USD (trong khi đó tại Mỹ giá một chiếc iPhone 8GB chỉ với giá khoảng 600 USD) đã có ngay hai khách hàng trẻ của TPHCM chấp nhận mua với giá “trên trời” chỉ để… thể hiện mình, người sở hữu con “dế” đã gây cơn sốt tiêu dùng trên toàn cầu từ nhiều tháng nay…
Việc chọn ĐTDĐ như là một phụ kiện thời trang và đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc là xu hướng tất yếu của người tiêu dùng. Song, hiện có không ít người tiêu dùng trẻ đã dám nướng cả tháng lương của mình và phải vay mượn chỉ để thể hiện “đẳng cấp” của mình như là “mốt” thời thượng. Với sự phát triển chóng mặt của thời đại kỹ thuật số - ở đây chưa đề cập đến sự lãng phí - việc chạy theo những sản phẩm số của một bộ phận giới trẻ hiện nay phải chăng là một cuộc chạy đua không có điểm dừng, một cuộc chơi không cân sức?
Hạnh Nhung