
Nhằm nâng cao nhận thức về quá trình hình thành, xây dựng, phát triển và bảo vệ thành phố, nâng cao lòng tự hào, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới và phát triển không ngừng của thành phố, từ đó động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thành phố đề cao trách nhiệm, phấn đấu xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Anh hùng”, chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ VIII, Ban Tư tưởng-Văn hóa Thành ủy đã có kế hoạch tuyên truyền và tổ chức cuộc thi tìm hiểu “Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng”.
Người tham gia dự thi trả lời 7 câu hỏi như sau:

1. Sài Gòn được khai sinh năm nào, do ai là người sáng lập? Thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày, tháng, năm nào, do ai quyết định? Hiện nay thành phố Hồ Chí Minh có bao nhiêu quận, huyện; phường, xã, thị trấn?
2. Tổ chức Cộng sản đầu tiên ra đời ở thành phố Sài Gòn vào thời gian nào, có tên gọi là gì? Đảng bộ thành phố Sài Gòn, tỉnh Gia Định, tỉnh Chợ Lớn được thành lập lúc nào?
3. Những phong trào đấu tranh cách mạng tiêu biểu của nhân dân Sài Gòn Chợ Lớn - Gia Định dưới sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn 1930 – 1975 (tên phong trào, thời gian diễn ra, nội dung hoạt động? – kể ít nhất 5 phong trào)?
4. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, trong 30 năm xây dựng phát triển và bảo vệ thành phố (30-4-1975 – 30-4-2005), Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua mấy kỳ đại hội? Thời gian tiến hành của từng đại hội? Hãy cho biết các đồng chí Bí thư Thành ủy của từng nhiệm kỳ?
5. Hãy nêu những thành tựu nổi bật của Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được trong 30 năm xây dựng, phát triển và bảo vệ thành phố (1975 - 2005)? Thành phố có vị trí, vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển chung của cả nước?
6. Hãy giới thiệu về một gương anh hùng (Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động) hoặc tập thể anh hùng qua các thời kỳ của Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh mà anh (chị) biết rõ và cảm phục nhất?
7. Để thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu mãi mãi xứng danh Thành phố anh hùng, anh (chị) có ý kiến gì tâm đắc nhất đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành phố thân yêu của chúng ta?
Tất cả cá nhân và tập thể đều được tham gia cuộc thi bằng bài viết.
Bài dự thi trả lời các câu hỏi nêu trên (viết tay hoặc đánh máy, không phải là bản sao, photocopy) và gởi về Ban Tổ chức cuộc thi theo cấp (địa phương, đơn vị công tác) bằng các hình thức: thư bưu điện, thư điện tử, Fax, trực tiếp nộp bài.
Bài dự thi phải ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tham gia tổ chức (đảng viên, đoàn viên...), đơn vị học tập, công tác, nơi thường trú, số điện thoại (nếu có, để tiện liên hệ).
Bài thi được Ban Giám khảo từng cấp tổ chức chấm và chọn bài xuất sắc gửi dự thi cấp trên, số lượng do mỗi cấp quy định. Cấp thành phố nhận bài dự thi từ Quận - Huyện ủy, Đảng ủy cấp trên cơ sở và cơ sở Đảng trực thuộc Thành ủy với số lượng tối đa 50 bài cho mỗi đơn vị.
Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy, Thành đoàn Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Website Thành ủy, Liên đoàn Lao động thành phố, Sở Văn hóa và Thông tin thành phố, Đài Truyền hình thành phố, Báo Sài Gòn Giải Phóng đồng phối hợp tổ chức, Ban Tư tưởng - Văn hóa là cơ quan thường trực.
Hạn cuối nhận bài dự thi cấp thành phố 31-12-2005. Tổng kết, trao giải thưởng cuộc thi cấp thành phố vào dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Đảng 3-2-2006.