“Cười lên đi…”

Cười, thì ai chả biết. Mới sinh ra: khóc, nhưng sau đó là cười. Theo dòng thời gian, cái cười ứng xử của mỗi người cũng dần biến chuyển với nhiều sắc thái khác nhau. 

Chưa có ai mần một cái “luận án tiến sĩ” (!) coi thế gian có tất thảy bao nhiêu kiểu cười, nhưng không cần chịu khó lắm người ta cũng có thể “điểm” được không ít “cách” cười. Hồi còn bé tí teo, ta có tiếng cười trong trẻo, trong veo, trong vắt, nghĩa là hết sức trong sáng. Coi tivi có đoạn quảng cáo nọ vang lên tiếng cười trẻ thơ, chỉ thoạt nghe qua thôi cũng khiến nhiều người lớn “đầu có sạn” phải “nao lòng”. Rồi là cười vui vẻ, cười xã giao, cười sảng khoái, cười ngất, cười tủm tỉm, cười mím chi, cười duyên, cười tình, lại thêm… cười mơn, cười e ấp, cười cởi mở, cười tươi tắn, cười sốt sắng, cười oang oang, cười toe toét… Nếu cần “cười mặn mòi” hơn chút còn có cười móc lò, cười cợt, cười nửa miệng, cười nhếch mép, cười ruồi, cười khinh khỉnh, cười khi dễ, cười ngạo nghễ, cười thâm hiểm, cười thầm, cười nhạt, cười nịnh, cười hĩnh, cười mỉa, cười khỏa lấp, cười sổ sàng, cười trâng tráo, cười trơ trẽn, cười nham nhở, cười xấc xược, cười xun xoe, cười bợ đỡ, cười cầu tài, cười vểnh râu trê…

“Cười lên đi…” ảnh 1
 Xét về “chất lượng” cười, ta còn có thể kể đến… cười hệch hạc, cười khục khặc, cười kha kha, cười ha hả, cười hô hố, cười he he, cười hì hì, cười rúc rích, cười khúc khích, cười khanh khách, cười hăng hắc, cười rổn rảng, cười sằng sặc, cười sặc sụa, cười nắc nẻ, cười ngặt nghẽo, cười khan…

Ông bà xưa có dạy: “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng” nhưng không thấy bảo cười thì phải “coi” gì. Thời may là đại đa số con cháu trong quá trình học hỏi, trưởng thành cũng đã biết cách tự điều chỉnh khi… cười. Ví như ai cũng hiểu khi đi đám tang, cho dù có gặp chuyện đáng cười cũng nên nén lại hoặc cùng lắm là cười nhẹ nhàng, cười tế nhị, chứ không thể cười oang oang, cười lăn chiêng bò toài, thậm chí cười nhe răng trắng nhởn như… khỉ già ở chốn không người mà coi cho đặng. Và rồi trong từng trường đoạn của trường đời, mỗi người cũng phải tự biết cách cười đúng nơi, cười phải lúc, chớ không phải bạ đâu cười đó, bởi nhẹ thì bị cười chê là vô duyên, còn nặng hơn ắt là phải… cười xệu xạo! Không chỉ tự điều chỉnh, không ít người còn tự rèn luyện cho mình vài kiểu cười độc đáo, không đụng hàng để làm “thương hiệu”, như giọng cười dê của nghệ sĩ cải lương Văn Chung, bao nhiêu năm rồi mà mỗi khi nhắc tới, nhiều người hãy còn nhớ, còn mường tượng được để mà cười khoái chí.

Tiếng cười quý lắm, nó làm cho con người ta cảm thấy nhẹ nhàng thư thái khỏe khoắn hơn lên. Có lẽ vì vậy nên người thiên hạ thường tìm mọi cách gây cười và tranh thủ để được cười. Nhiều tờ báo nghiêm túc vẫn luôn có trang mục phiếm, thư giãn, vui cười… Các sân khấu hài mọc lên như nấm, là để mọi người mọi giới tới xả xì-trét sau những lúc vất vả vì sinh kế. Lẽ tất nhiên cũng cần lắm những tiếng cười sâu sắc, nhưng nếu cười dễ dãi, thậm chí cười dung tục một chút thì người bỏ tiền mua vé cũng túc tắc… cười trừ. Nhiều chương trình trên các kênh tivi đã và đang nở rộ không kịp tính đếm hiện nay cũng không ngoại lệ. Lắm tiểu phẩm hoặc phim hài trên tivi còn phải dùng tới mánh “cười mồi”, diễn viên vừa dứt một câu nói hay cử chỉ hài là nghe tiếng cười được thu âm sẵn rân lên một tràng, đặng kích cho người xem đài… cười theo, cũng ngộ. Gì thì gì cứ phải ưu tiên cho giải trí, sao cho bạn xem đài cười được là ăn… quảng cáo, tức ăn tiền! Và cứ thế, tiếng cười đủ dạng đủ hình luôn hiện diện trong đời sống chúng ta, với đầy đủ những uy lực cùng rất nhiều xộc xệch đương nhiên của nó.

Những năm gần đây, công cuộc cải cách hành chính ở xứ ta đang ngày càng phát huy tính hiệu quả, trong đó đáng kể nhất có lẽ là việc đề cao cái sự cười của cán bộ công chức trong công tác. “Bắt bệnh”, đó là tình trạng một bộ phận công chức lâu nay thường có thái độ “chảnh”, bộ mặt cứ mang vẻ “hình sự”, hoặc “ướp nước đá lạnh”, nói tóm lại là… chẳng biết cười khi tiếp xúc với người dân. Chẳng biết cười thì đích thị là không thân thiện rồi, làm sao có đủ nhiệt tình lo liệu, giúp dân một cách vô tư cho được. Vậy là lãnh đạo một số địa phương đã đề ra chủ trương: bên cạnh sự cần thiết của sửa đổi lề lối, giảm thủ tục chồng chéo vân vân, thì cán bộ ta cần phải… biết cười, phải học cười, cười bằng cái tâm thiệt sự chứ chẳng phải... cười vờ. Cái cười này được gọi tên là “nụ cười công chức”. Gì chứ vụ này thì bà con mình khoái lắm, thấy mấy cô mấy chú cán bộ mà mình đang tiếp xúc tự nhiên “dễ thương” hẳn ra, và công việc nhờ đó cũng “chạy ro ro”, khiến ai nấy đều thập phần phấn khởi.

Tiếng cười trên đời này thực muôn hình muôn vẻ. Tuy nhiên, giới khoa học thường phân loại nụ cười chỉ có hai dạng chính. Nụ cười chuẩn là nụ cười xã giao thường gặp và nhận dạng bởi hình dáng của miệng. Còn lại là nụ cười Duchenne (là tên nhà khoa học mô tả nụ cười này), tức là cười hồn nhiên thật lòng, cười tít cả mắt khi cảm thấy vui vẻ và được nhận dạng bằng các cơ miệng và cả cơ mắt. Nụ cười này luôn có ích cho sức khỏe. Giữ một nụ cười hồn nhiên thật lòng khi đang đối mặt với stress sẽ giúp bạn vượt qua nó dễ dàng hơn và lại tốt cho tim mạch. Thông điệp này được đăng trên tạp chí Psychological Science đã minh định rằng lời ông bà ta nói xưa rày luôn chính xác: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Nụ cười, khi thật lòng và hồn nhiên trao đi lắm khi sinh lợi không kể xiết, đâu chỉ riêng về mặt tinh thần. Nụ cười, nở ra trong khoảnh khắc nhưng lắm khi khiến cho người ta phải nhắc tới, nhớ tới… cả đời. Nhớ hồi trước có một câu ca rất bình dân và cũng rất vui, rằng: “Cười lên đi cho răng vàng sáng chói…”, không chỉ răng vàng, mà cả cuộc đời bạn cũng sẽ luôn “sáng chói” một khi bạn luôn giữ tâm hồn thanh thản vui tươi, giữ cho nụ cười hồn hậu luôn nở trên môi. Tết tết tết tết đến rồi…, cười lên thôi! 

Tin cùng chuyên mục