Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam
Ông Matthew Keenan nhập ngũ năm 1971 và được triển khai đến Chu Lai, tham gia nhiệm vụ đóng cửa các căn cứ của quân đội Mỹ và chuyển giao trách nhiệm cho quân đội Việt Nam Cộng hòa theo chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Nhà Trắng lúc bấy giờ. Đến tháng 11-1971, đơn vị của ông chuyển đến Đà Nẵng để tiếp tục công việc này. Mặc dù không trực tiếp tham gia vào các trận chiến ác liệt, Keenan vẫn chứng kiến những đau thương mà chiến tranh gây ra.

Một trong những động lực đưa ông trở lại Việt Nam là vì năm 2013 ông được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt do phơi nhiễm chất độc da cam. Căn bệnh khiến ông suy nghĩ nhiều hơn về hậu quả lâu dài của hóa chất này đối với không chỉ các cựu binh Mỹ mà còn với hàng triệu người dân Việt Nam. Ông cũng có những người bạn cựu chiến binh bị phơi nhiễm chất độc da cam và qua đời trong đau đớn vì bệnh tật. Trải nghiệm đó càng thôi thúc ông trở lại Việt Nam.
Trở lại Việt Nam sau chiến tranh vào năm 2015, ông hơi lo lắng và hồi hộp vì vẫn chưa quên ký ức về những chiếc trực thăng bay, tên lửa và máy bay phản lực chiến đấu gầm rú ngày nào. Ông cũng không biết người dân Việt Nam sẽ phản ứng thế nào khi một cựu chiến binh Mỹ trở lại. Ông viết cho Báo SGGP: “Trong lần đầu tiên trở lại Việt Nam sau 40 năm chiến tranh, tôi nhận ra rằng không có gì phải lo lắng. Người dân Việt Nam rất nồng nhiệt chào đón và rất thân thiện. Họ cũng tò mò về lý do tôi trở lại. Sau chuyến thăm đầu tiên, tôi quyết định quay lại và đã quay lại nhiều lần trước khi quyết định sống ở Việt Nam”.
Và rồi ông bắt đầu nghiên cứu và tìm cách giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Do đó, ông đã được giới thiệu đến Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng và các trung tâm chăm sóc ban ngày trực thuộc hội. Ông dành nhiều thời gian với trẻ em tại trung tâm chăm sóc ban ngày, tham gia gây quỹ để hỗ trợ Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng. Giờ đây, đã 75 tuổi và sau khi xạ trị cùng các phương pháp điều trị ung thư khác, ông cho biết không còn khỏe như khi 65 tuổi và phải hạn chế thời gian đến trung tâm chăm sóc ban ngày. Tuy nhiên, ông cùng với vợ tiếp tục huy động quyên góp để chuyển khoảng 800 chiếc xe đạp cho học sinh ở Quảng Nam. Ông cũng là giáo viên thỉnh giảng tại một số trường học ở Đà Nẵng để giúp học sinh giao tiếp tiếng Anh.
Âm thầm và bền bỉ góp sức chữa lành vết thương chiến tranh, theo ông Matthew Keenan, quá trình hòa giải giữa hai nước trong 30 năm qua đã thành công rực rỡ. Quá trình này diễn ra chậm nhưng dần dần đã có sự tin tưởng lẫn nhau để tập trung xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn đối với cả hai dân tộc.
Ông già Noel của trẻ em Việt Nam
Ông Michael Gormalley là cựu binh có mặt tại Việt Nam vào năm 1971 trong lục quân Hoa Kỳ. Là trung sĩ trong Trung đội phụ trách an ninh, giám sát 50 binh lính Mỹ và Việt Nam, ông chịu trách nhiệm kiểm tra hàng ngàn công nhân ra vào căn cứ quân sự Long Bình (Đồng Nai) để ngăn hàng lậu và vũ khí lọt cửa. Trước khi nhập ngũ, ông từng học đại học và nghiên cứu về văn hóa, lịch sử châu Á.
Sau khi xuất ngũ vào tháng 1-1972, ông trở lại Mỹ, tiếp tục theo đuổi con đường học vấn và tốt nghiệp năm 1973. Trong 18 năm sau đó, ông là giáo viên lịch sử trung học, hiệu phó và hiệu trưởng trường trung học cơ sở/ trung học phổ thông. Sau đó, ông làm việc trong 16 năm với tư cách là Giám đốc điều hành cấp cao của một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế cho đến khi nghỉ hưu.
Ông Michael Gormalley trở lại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2005 cùng với một nhóm 12 cựu chiến binh Mỹ bị thương trong chiến tranh, đến thăm khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM, Đà Nẵng, Huế và tỉnh Quảng Trị. Ông bộc bạch với phóng viên Báo SGGP: “Được các giáo viên ở Việt Nam khuyến khích, sau khi nghỉ hưu, tôi trở lại Việt Nam làm giáo viên tình nguyện từ năm 2008 ở cấp trung học phổ thông tại các vùng nông thôn (tỉnh Quảng Trị và Phú Yên) cùng các trường đại học ở TPHCM”. Để hỗ trợ các đồng nghiệp người Việt, ông chia sẻ với sinh viên những bài học thực tế về cách giao tiếp với người nước ngoài.
Năm 2014, với tư cách là Giáo sư thỉnh giảng, ông Michael Gormalley giới thiệu khóa học cho sinh viên năm thứ tư của Khoa Quan hệ quốc tế (IR) thuộc Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, các kỹ năng như viết CV (sơ yếu lý lịch), phỏng vấn kiếm việc và cách tạo dựng mạng lưới quan hệ thông qua gặp gỡ các nhà quản lý nhân sự và chủ doanh nghiệp... Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2014 với sự giúp đỡ của nhiều sinh viên IR, ông đã hóa thân thành “Ông già Noel” đến với những trẻ em nghèo (một số là bệnh nhân ung thư) để phát hàng trăm món quà và tiền hỗ trợ.

Được hỏi về quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, ông Michael Gormalley luôn tin rằng mối quan hệ ngoại giao nhân dân giúp những cá nhân từ hai nền văn hóa khác nhau có thể học hỏi lẫn nhau và “cùng nhau chữa lành” sau những xung đột trong quá khứ. Ông nói: “Những người Việt trẻ đã chia sẻ với tôi một thông điệp tuyệt vời khi ở Việt Nam: Để tôn vinh những người hy sinh vì đất nước, bạn cần phải không ngừng tự hoàn thiện bản thân, có trách nhiệm với gia đình và đất nước, vì một tương lai tốt đẹp hơn”. Thông điệp đó đã được ông Michael Gormalley biến thành hành động, bằng các hoạt động tích cực tại Việt Nam.
“Sửa chữa những sai lầm của quá khứ”
Chuck Searcy, một cựu chiến binh từng phục vụ tại Việt Nam năm 1968, cũng có một câu chuyện đặc biệt. “Khi tôi tham gia cuộc chiến ở Việt Nam, điều ám ảnh tôi là gương mặt của những đứa trẻ tội nghiệp, mà có hình ảnh ẩn dụ đó là “những gương mặt cười”. Và câu hỏi đặt ra trong tôi là “tại sao chúng ta lại đem súng đạn để bắn vào những gương mặt cười đó?”. Đây là lý do mà chỉ sau một năm tham chiến (tháng 6-1967 đến tháng 6-1968), tôi trở về Mỹ và bắt đầu tham gia phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam”, ông Chuck Searcy giãi bày về sự thức tỉnh trong ông và quyết định cống hiến cuộc đời mình cho việc hàn gắn hậu quả mà cuộc chiến để lại.
Năm 1992, khi trở lại Việt Nam và đến Khe Sanh (Quảng Trị) - nơi diễn ra chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968, ông Chuck Searcy sửng sốt khi chứng kiến những đứa trẻ nghèo khổ đang chơi đùa với một quả bom chưa nổ, những chủ vựa phế liệu tháo gỡ các quả bom để lấy thuốc nổ, kim loại. Đó là hành động quá nguy hiểm. Những khoảnh khắc đó khiến ông nhận ra rằng hậu quả chiến tranh vẫn còn hiện hữu, ngay cả nhiều thập niên sau khi súng đã im tiếng. Ông Chuck Searcy tâm sự: “Chuyến đi 30 ngày trở lại Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đối với tôi và tôi suy nghĩ rằng cần phải làm gì đó giúp đỡ người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh. Tôi từng tham gia chiến tranh, và giờ đây, nhiệm vụ của tôi là giúp sửa chữa những sai lầm của quá khứ”, ông Searcy chia sẻ.

Năm 1993, ông Chuck Searcy đến Việt Nam một lần nữa và sau đó quyết định phải ở lại Việt Nam, từ năm 1995. “Cần phải làm gì đó” của ông Searcy chính là tham gia đồng sáng lập Dự án RENEW vào năm 2001, một tổ chức chuyên rà phá bom mìn còn sót lại tại Quảng Trị. Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, tổ chức này đã giúp vô hiệu hóa hàng trăm ngàn quả bom chưa nổ, giúp hàng ngàn người dân có thể sinh sống an toàn trên mảnh đất quê hương. Năm 2023, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Đại sứ Mỹ Marc Knapper đã trao cho ông Chuck Searcy, nhà đồng sáng lập Dự án RENEW, lá thư của Tổng thống Joe Biden cảm ơn về những đóng góp của ông Searcy trong công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Dự án RENEW là một đơn vị nhận tài trợ của Chính phủ Mỹ để rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và hỗ trợ các nạn nhân bom mìn.
Đã ở Việt Nam suốt từ năm 1995 đến nay, được chứng kiến những sự kiện có tính lịch sử trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, ông Chuck Searcy nhận thấy 30 năm qua đã chứng minh quyết định của các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ và Việt Nam “khép lại quá khứ, mở ra tương lai” là một quyết định đúng đắn. “Chúng ta tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta đang hợp tác cùng nhau để giải quyết hậu quả chiến tranh, cùng khâu lại các vết thương như là một phần thiết yếu của việc hàn gắn”, ông Chuck Searcy nói và bày tỏ thêm “là những công dân Mỹ, trong đó có nhiều người là cựu binh trong chiến tranh Việt Nam, chúng tôi hằng mong muốn gửi tới nhân dân Việt Nam lời chào kính trọng và những lời chúc mừng nhiệt liệt nhất nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày chấm dứt chiến tranh Việt Nam 30-4-1975”.
Ông Chuck Searcy và Matthew Keenan, Michael Gormalley là 3 trong rất nhiều những người lính từng chiến đấu trên chiến trường Việt Nam và sau đó trở thành những sứ giả hòa bình. Họ không chỉ góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh mà còn tạo nên những cây cầu kết nối văn hóa, giáo dục và tình người giữa hai quốc gia. Câu chuyện của họ là minh chứng cho thấy dù chiến tranh có thể chia cắt con người, nhưng lòng nhân ái có thể hàn gắn những vết thương.
“Năm nay là một năm đặc biệt, kỷ niệm 50 năm Việt Nam thống nhất đất nước (1975-2025) và 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam (1995-2025). Những người bạn của tôi - là các cựu chiến binh Mỹ từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam - từ bờ bên kia đại dương, đang rất háo hức và chờ đợi sang thăm Việt Nam. Họ sang đây để thăm lại chiến trường xưa, gặp lại những người bạn Việt Nam, trong đó có những người mà trong một khoảng thời gian của quá khứ đã bất đắc dĩ trở thành những đối thủ của nhau. Có thể, với nhiều cựu binh Mỹ, đây sẽ là chuyến đi đến Việt Nam cuối cùng trong cuộc đời họ. Bởi, thời gian thật kinh khủng, nó tàn phá tất cả, những người bạn của tôi cũng vậy - họ đều đã quá già. Nhưng, trước đó, họ đã kịp có những đóng góp cho mối quan hệ của hai nước chúng ta”, ông Chuck Searcy chia sẻ.