Cựu Giám đốc CDC Hải Dương khai lý do đưa tiền cho thủ trưởng nhiều hơn Bí thư Tỉnh ủy

Sáng ngày 4-1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục tiến hành xét hỏi các bị cáo ở tỉnh Hải Dương liên quan tới sai phạm tại Công ty Việt Á; chủ trương đưa Công ty Việt Á về Hải Dương để thực hiện công tác xét nghiệm... Quá trình thực hiện, các bị cáo CDC và lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã nhận hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương - CDC Hải Dương) khai trước tòa, ông nhận nhiệm vụ làm giám đốc từ tháng 9-2018. Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Hải Dương khiến áp lực lên công tác xét nghiệm. Trong thời điểm đó, Bộ Y tế phân công 4 đơn vị về Hải Dương tham gia phòng chống dịch, thực hiện xét nghiệm. Tuy nhiên, theo bị cáo Tuyến, do công tác thu thập, vận chuyển mẫu mất nhiều thời gian nên cả 4 đơn vị của Bộ Y tế không đáp ứng được nhu cầu.

“Lúc đó cần có một đơn vị làm tại chỗ để nhanh chóng trả kết quả, tiến hành phong tỏa hoặc cách ly đối tượng nhiễm”, bị cáo Tuyến cho biết.

tuyen-2964.jpg
Bị cáo Phạm Duy Tuyến. Ảnh: GIA KHÁNH

Liên quan tới đề xuất cho Công ty Việt Á được tham gia vào các quy trình xét nghiệm, bị cáo Tuyến nói do lãnh đạo cấp trên, mà trực tiếp là Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng chỉ đạo. Khi lãnh đạo Công ty Việt Á trao đổi về việc doanh nghiệp này hỗ trợ công tác chống dịch, bị cáo Tuyến khai rằng, việc này không thuộc thẩm quyền của ông.

Tuy nhiên, sau khi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Hải Dương đồng ý cho Công ty Việt Á tham gia, bị cáo Tuyến chỉ đạo cấp dưới phối hợp triển khai lắp đặt máy móc, cán bộ cùng người của Công ty Việt Á thực hiện xét nghiệm.

Trước bục khai báo, bị cáo Tuyến thừa nhận khi thực hiện đấu thầu kit test với Công ty Việt Á, ứng trước kit test, hợp thức hồ sơ sau là chưa phù hợp. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng, trong tình thế dịch bệnh cấp bách thì cần nhanh chóng có sinh phẩm, kit test để thực hiện xét nghiệm.

“Tại thời điểm đó, bị cáo chỉ biết làm và làm, không có thỏa thuận giá cả, bàn bạc gì. Thanh toán cho Công ty Việt Á bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn, bị cáo giao cho kế toán thực hiện quy trình. Tổng cộng bị cáo ký 4 hợp đồng thanh toán với tổng số tiền hơn 147 tỷ đồng”, bị cáo Tuyến khai và thừa nhận, sau khi thanh toán xong, bản thân có nhận được lợi ích vật chất từ Công ty Việt Á.

Bị cáo Phạm Duy Tuyến cho biết, chỉ nhận được lợi ích từ Công ty Việt Á sau lần thanh toán đợt 2 và 3. Sau những lần đó, Công ty Việt Á đề nghị được trích lại phần trăm cho CDC Hải Dương như là một sự chia sẻ lợi nhuận. “Bị cáo thấy việc chia sẻ lợi nhuận thì tiền này không vi phạm, nhưng sau khi bị khởi tố, bắt giam, bị cáo mới nhận ra đây là tiền vi phạm, tổng số tiền bị cáo nhận là 27 tỷ đồng trong 3 lần vào các tài khoản của bạn bè và người thân”, bị cáo Tuyến khai.

Chủ tọa Trần Nam Hà hỏi bị cáo Tuyến, sau khi nhận tiền của Công ty Việt Á, sử dụng số tiền này như thế nào? Bị cáo Tuyến cho biết, do suy nghĩ đây là tiền chia sẻ lợi nhuận thì không thể chuyển vào tài khoản của CDC, vì phải giải trình và không rút được tiền mặt ra, nên có mượn số tài khoản của bạn bè và người thân để Công ty Việt Á chuyển tiền vào.

Bị cáo Tuyến cũng cho biết, theo như gợi ý của Công ty Việt Á, số tiền lợi nhuận sẽ chia cho những cá nhân trong công tác chống dịch, lãnh đạo tỉnh, cán bộ thuộc CDC Hải Dương. “Bị cáo đưa cho ông Phạm Xuân Thăng 600 triệu đồng và 50.000 USD, Phạm Mạnh Cường 7 tỷ đồng và các cán bộ CDC Hải Dương từ 20 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Số tiền còn lại khoảng hơn 16 tỷ đồng, bị cáo sử dụng chi tiêu cá nhân”, bị cáo Tuyến khai.

Chủ tọa tiếp tục hỏi, vì sao đưa cho cựu Bí thư Tỉnh ủy ít hơn cựu Giám đốc Sở Y tế? Trả lời câu hỏi này, Phạm Duy Tuyến nói, vì ông Cường là thủ trưởng trực tiếp của bị cáo và có nhiều hỗ trợ CDC trong việc thanh toán tiền với Công ty Việt Á. Hiện nay, theo lời khai của bị cáo Tuyến, gia đình ông đã nộp khắc phục hơn 13 tỷ đồng và sẽ tiếp tục nộp khắc phục trong thời gian tới.

Được gọi lên khai báo sau bị cáo Tuyến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng điềm tĩnh, cho biết, ông được bầu làm Bí thư từ tháng 10-2020. Trong thời gian đó, Hải Dương bùng phát đợt dịch lớn vào thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Thông qua một buổi họp trực tuyến ở Hà Nội, bị cáo Thăng chỉ đạo cấp dưới phối hợp với Công ty Việt Á triển khai các biện pháp để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Sau đó, Phan Quốc Việt được tham gia vào một số cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương.

Chủ tọa Trần Nam Hà hỏi ông Thăng, việc Công ty Việt Á được vào Hải Dương, có phải do bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) giới thiệu không?

Bị cáo Phạm Xuân Thăng đáp: Việc đưa Công ty Việt Á về Hải Dương trên cơ sở đề xuất của cơ quan tham mưu cùng với ý kiến của ông Long: “Cá nhân tôi tin tưởng vào sự giới thiệu của ông Nguyễn Thanh Long”, bị cáo Phạm Xuân Thăng nói và thừa nhận, kết luận điều tra và cáo trạng truy tố ông là xác đáng.

Trước khi dừng lời, bị cáo Phạm Xuân Thăng cũng thừa nhận có nhận được lợi ích vật chất từ Công ty Việt Á số tiền 100.000 USD; nhận của Phạm Duy Tuyến 3 lần số tiền 600 triệu đồng và 50.000 USD. Số tiền này, bị cáo Thăng khai sử dụng vào mục đích cá nhân.

Phiên tòa đang tiếp tục phần xét hỏi.

Tin cùng chuyên mục