6 bị cáo phải hầu tòa trong vụ án này gồm: Phan Minh Nguyệt (nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTTN) Hà Nội), Nguyễn Thị Huyền Hảo (nguyên Kế toán trưởng Hadico), Đặng Thị Thanh Tâm (nguyên Giám đốc Xí nghiệp Vườn quả du lịch Từ Liêm), Đỗ Văn Hảo (nguyên Phó Tổng Giám đốc Hadico) và Dương Thị Chinh (phụ trách Kế toán của Xí nghiệp Vườn quả du lịch Từ Liêm) và Nguyễn Trọng Hùng (Giám đốc xí nghiệp Bắc Hà, trực thuộc Hadico).
Theo cáo trạng của vụ án, trong giai đoạn từ năm 2005 - 2014, bị cáo Phan Minh Nguyệt là Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Hadico. Sau đó vào tháng 1-2014, Phan Minh Nguyệt được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở NN-PTTN Hà Nội.
Trong thời gian giữ chức chủ tịch, kiêm tổng giám đốc tại Hadico, bị cáo Nguyệt đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm liên quan đến đất đai và tài chính. Theo đó, Xí nghiệp vườn quả du lịch Từ Liêm trực thuộc Hadico được giao hơn 400.000m² đất. Trong đó có 370.000m² là vườn quả Thanh niên và vườn thực vật Hà Nội và 33.000m² đất đường và mương nội bộ. Đến tháng 12-2011, bị cáo Đặng Thị Thanh Tâm đã có tờ trình cải tạo một phần khu đất trên và được Nguyệt đồng ý. Sau đó, Nguyệt đã chỉ đạo Nguyễn Thị Huyền Hảo cùng một số cấp dưới phá dỡ dãy nhà kho tại Xí nghiệp Vườn quả du lịch Từ Liêm để xây 114 gian nhà cùng 14 gian kiốt và cho thuê trái phép. Bằng hành vi nêu trên, Nguyệt cùng đồng phạm đã thu về 42,9 tỷ đồng. Trong số tiền này, các bị cáo để ngoài sổ sách và chi tiêu cá nhân hơn 17,7 tỷ đồng. Tuy nhiên trước khi bị khởi tố bị can, bị cáo Nguyệt cùng đồng phạm đã khắc phục hết số tiền đã bỏ túi trước đó.
Cũng lợi dụng là người đứng đầu Hadico, bị cáo Nguyệt đã chỉ đạo thuộc cấp thu tiền trái phép trong việc cho thuê nhà ở Khu tập thể Lĩnh Nam nhưng để ngoài sổ sách kế toán hơn 2,3 tỷ đồng. Đồng thời yêu cầu các đơn vị thành viên tiết kiệm chi phí trong triển khai một số dự án và nộp về công ty mẹ hơn 2,3 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này, các bị cáo trong vụ án đã sử dụng chi tiêu không đúng nguyên tắc. Ngoài ra, trước khi được bổ nhiệm chức Phó giám đốc Sở NN-PTNN Hà Nội, bị cáo Nguyệt còn chỉ đạo nhân viên để ngoài sổ sách, kế toán hơn 22 tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau. Trong số số tiền này, cựu Chủ tịch Hadico cũng lấy chi tiêu cá nhân hơn 16 tỷ đồng. Cáo trạng cũng làm rõ, trong hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị cáo Nguyệt cùng đồng phạm đã gây thiệt hại cho Hadico hơn 51,4 tỷ đồng nhưng quá trình giải quyết vụ án, gia đình bị cáo Nguyệt đã khắc phục hơn 19,5 tỷ đồng.
Đối với hành vi tham ô tài sản, cáo trạng xác định trong thời gian giữ chức chủ tịch, kiêm tổng giám đốc Hadico, bị cáo Nguyệt đã chỉ đạo Hảo và một số cấp dưới lập khống, hợp thức chứng từ để rút tiền từ nguồn vốn phục vụ sản xuất, bình ổn giá của doanh nghiệp. Với hành vi trên, bị cáo Nguyệt cùng đồng phạm đã rút được hơn 40 tỷ đồng để chi tiêu cá nhân. Khi những vi phạm này có dấu hiệu bị phát giác, bị cáo Nguyệt đã chỉ đạo nhân viên ký hợp đồng mua bán hàng hóa giả tạo để vay tiền ngân hàng và gom góp tiền của cá nhân để đưa vào doanh nghiệp đối phó. Sau đó, bị cáo Nguyệt đã dùng tiền cá nhân và khoản tiền để ngoài sổ sách, hoàn trả cho công ty gần 26 tỷ đồng.
Theo kế hoạch phiên tòa sẽ kéo dài trong vòng 3 ngày. Tuy nhiên, sau khi công bố cáo trạng, Hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi các bị cáo đã xuất hiện một số tình tiết mới không thể xem xét ngay tại phiên tòa. Do đó, cuối giờ chiều cùng ngày, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ vụ án "Tham ô tài sản", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Hadico để cơ quan điều tra điều tra bổ sung, đánh giá làm rõ một số hành vi của các bị cáo.