
(SGGPO). - Ngày 25-12, sau 4 ngày xét xử vụ 18 bị cáo trong "đại án" gây thiệt hại gần 2.500 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank), phiên tòa đã kết thúc phần xét hỏi chuyển sang tranh luận.
Mở đầu phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã công bố bản luận tội đối với các bị cáo trong vụ án kinh tế nghiêm trọng này.
Trong bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội khẳng định, quá trình điều tra vụ án và diễn biến trong phiên xét xử, có đủ căn cứ khẳng định nội dung truy tố 18 bị cáo trong cáo trạng là chính xác, đúng người đúng tội. Các bị cáo đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, đã gây ra hậu quả đặc biệt lớn đối với tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến toàn hệ thống tài chính, gây mất niềm tin của người dân đối với các ngân hàng cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự.
Bản luận tội cũng khẳng định có đủ cơ sở kết luận quá trình giải ngân cho dự án Nhà máy dệt - nhuộm may công nghiệp tại Ninh Bình do công ty cổ phần Enzo Việt thực hiện, Phạm Thị Bích Lương (nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội) và Phạm Thanh Tân (nguyên Tổng giám đốc Agribank) cùng 11 cán bộ, nhân viên khác tại chi nhánh Agibank Nam Hà Nội và hội sở Agribank đã có nhiều sai phạm, gây thất thoát cho Nhà nước gần 2.500 tỷ đồng vì vậy phải có mức hình phạt nghiêm khắc.

Bị cáo Phạm Thị Bích Lương (nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội)
Đối với nhóm cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây, đại diện Viện kiểm sát chỉ rõ quá trình thực hiện nhiệm vụ thông quan, kiểm tra hàng hóa nhập khẩu của công ty cổ phần Enzo Việt và công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam, mặc dù các công ty này còn nợ tiền thuế nhưng các bị cáo là lãnh đạo và cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây đã giải quyết cho thông quan số hàng hóa của công ty. Việc này gây thất thoát tiền thuế nhập khẩu cho Nhà nước và gián tiếp tạo thuận lợi cho các bị can người nước ngoài có các bộ tờ khai hải quan, lừa dối Agribank Nam Hà Nội giải ngân theo giá trị hàng hóa nhập khẩu.
Trên cơ sở làm rõ sai phạm của từng bị cáo trong vụ án này, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh trong vụ này, bị cáo cầm đầu Phạm Thị Bích Lương (nguyên giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) là người chỉ đạo và trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình cho vay sai quy định, dẫn đến thiệt hại tiền vốn của Agribank. Vì vậy, bị cáo Lương phải chịu trách nhiệm về hậu quả việc cho vay sai quy định toàn bộ số tiền hơn 2.000 tỷ đồng. Cùng với đó trong quá trình xét xử tại phiên tòa, bị cáo Lương đã không thành khẩn khai báo nên phải xử lý nghiêm khắc. Do đó, trong bản luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo Phạm Thị Bích Lương 19 -20 năm tù với tội danh "Vi phạm quy định về cho vay", 14 -15 năm về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn", tổng hình phạt là 30 năm tù, cấm hành nghề liên quan đến ngân hàng 4-5 năm sau khi mãn hạn tù. Truy thu 1 tỷ đồng và siêu xe Bentley có giá trị hơn 3,5 tỷ đồng.
Đối với cựu Tổng giám đốc Agribank – Phạm Thanh Tân, cơ quan truy tố khẳng định, trong quá trình điều hành, bị cáo Tân đã ký cho Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD từ tiền của Agirbank, quá trình xét xử bị cáo Tân cũng không thành khẩn. Do đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo Phạm Thanh Tân từ 20-22 năm tù. Cấm đảm nhiệm hành nghề 4-5 năm sau khi mãn hạn tù và tịch thu 310.000 USD thu lời bất chính để sung công quỹ.

Bị cáo Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Agribank
Các bị cáo khác nguyên là lãnh đạo và cán bộ của Agribank và chi nhánh Agribank Nam Hà Nội ở trong vụ án này cũng đều bị đề nghị hình phạt tù nghiêm khắc với tội danh. Theo đó, các bị cáo: Hoàng Anh Tuấn (nguyên Ủy viên HĐQT Agribank) bị đề nghị từ 6-7 năm tù; Kiều Trọng Tuyến (nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách) từ 3-4 năm tù; Đỗ Quang Vinh (nguyên trưởng ban tín dụng doanh nghiệp) từ 3-4 năm tù; Phan Quý Dương (nguyên Chuyên viên ban Tín dụng doanh nghiệp) từ 5-6 năm tù; Chử Thị Kim Hiền (nguyên phó giám đốc Agribank Nam Hà Nội) bị đề nghị 30 năm tù; Đỗ Tiến Long (nguyên cán bộ phòng tín dụng) từ 15-16 năm tù. Nguyễn Thị Nguyệt Thanh (nguyên Trưởng phòng Thanh toán quốc tế) từ 12-13 năm tù; Nguyễn Hữu Thanh (nguyên Phó trưởng phòng Thanh toán quốc tế) từ 12-13 năm tù; Đặng Quang Chung (nguyên phó trưởng phòng phụ trách phòng tín dụng) từ 14-15 năm tù; Hoàng Thị Thu Hiền (nguyên Trưởng phòng tín dụng) từ 2-3 năm tù giam và Trương Thị Út (nguyên Trưởng ban Tín dụng doanh nghiệp) từ 7-8 năm tù. Ngoài ra các bị cáo trên còn bị đề nghị hình phạt bổ sung là tịch thu sung công quỹ số tiền thu lợi bất chính và cấm hành nghề liên quan tới lĩnh vực ngân hàng, tín dụng từ 2-5 năm sau khi ra tù.

Các bị cáo trong vụ án
Đối với nhóm bị cáo nguyên là cán bộ và lãnh đạo của Chi cục Hải quan Hà Tây, gồm có: Lương Thị Yên (nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Tây, Cục Hải quan Hà Nội), Hoàng Tuấn Khanh (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây), Đỗ Thị Liên Hương (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây) và Nguyễn Thị Thúy Hằng (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây) cùng bị đề nghị mức hình phạt từ 30-36 tháng tù. Đối với bị cáo duy nhất thuộc về doanh nghiệp là Lê Minh Hiếu (Chủ tịch HĐQT công ty CP Vietmade, công ty Lifepro Việt Nam) bị đề nghị phạt từ 12-13 năm tù giam và tịch thu số tiền thu lợi bất chính.
Trong vụ án làm thất thoát gần 2.500 tỷ đồng tại Ngân hàng Agribank, 18 bị cáo bị truy tố 3 nhóm tội danh: "Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng" theo điều 179 Bộ luật hình sự; "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 281 Bộ luật hình sự và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 285 Bộ luật hình sự. |
MINH KHANG