Duy trì tăng trưởng mạnh
Dù tốc độ tăng trưởng sản lượng giờ đây không còn đột phá mạnh mẽ như những năm về trước, nhưng với sức tiêu dùng ngày càng tăng, dân số tiêu dùng trẻ (ước tính khoảng trên 50% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi)… cũng là yếu tố bổ trợ tốt cho cơ hội đầu tư vào lĩnh vực thức uống không cồn. Nhờ vậy, khi lựa chọn thức uống giải khát và bổ sung dinh dưỡng, người tiêu dùng ngày càng có khá nhiều sự lựa chọn.
Giai đoạn từ năm 2000 - 2015, lĩnh vực sản xuất nước giải khát tăng trưởng mạnh về sản lượng từ 800 triệu lít lên 4,8 tỷ lít nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, xét về góc độ đa dạng sản phẩm thì không bì kịp với thời gian chỉ 3 năm trở lại đây.
Theo nghiên cứu của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam - Vietnam Report (VNR), Việt Nam là một trong những thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm - đồ uống rất tiềm năng. Chỉ số tiêu thụ của ngành sản xuất chế biến thực phẩm và sản xuất đồ uống trong 9 tháng đầu năm 2018 tăng lần lượt 8,1% và 10,2% so với cùng kỳ năm trước, theo GSO - Tổng cục Thống kê.
Cũng như đánh giá của giới nghiên cứu, mức thu nhập của người dân được cải thiện và thói quen mua sắm thực phẩm chế biến sẵn ngày càng phổ biến. Thêm vào đó, với sự phong phú các sản phẩm nông nghiệp vốn là nguồn nguyên liệu thô cung ứng cho hoạt động chế biến thực phẩm, đồ uống… là những lợi thế để các doanh nghiệp trong ngành thức uống đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của người tiêu dùng.
Hiện đồ uống không cồn là một trong 3 nhóm tăng trưởng nhanh nhất trong ngành FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh); 2 nhóm còn lại chính là bia và thực phẩm. Với sức tiêu thụ tốt nên tăng trưởng giá trị của nhóm đồ uống không cồn ở năm 2018 so với cùng kỳ năm trước là 7%; còn đóng góp của nhóm vào ngành tiêu dùng nhanh năm 2018 là 19,7%, ngang ngửa với mặt hàng bia.
Thực phẩm hữu cơ chi phối xu hướng tiêu dùng mới
Theo nhận định của Vietnam Report, có một số xu thế chủ đạo trong phát triển lĩnh vực đồ uống không cồn mà các doanh nghiệp cần lưu ý khi tính toán chiến lược kinh doanh. Đó là, xu hướng ngày càng chuộng sử dụng các thực phẩm tự nhiên, hữu cơ. Bởi vì, thu nhập đầu người tăng lên, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các thực phẩm sạch, có nguồn gốc hữu cơ và thân thiện với môi trường, và sẵn sàng chi trả khoản tiền cao hơn cho việc ăn uống đảm bảo sức khỏe.
Trong một cuộc khảo sát mà đơn vị này đã thực hiện, hơn 86% người tiêu dùng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM khi được hỏi đã lựa chọn các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ, hoặc các sản phẩm đúng mùa vụ để tiêu dùng. Sự lựa chọn như vậy chứng tỏ người tiêu dùng muốn đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Tiếp đó, nhu cầu sản phẩm tiện lợi cũng đang gia tăng, cuộc sống người tiêu dùng bận rộn hơn nên mọi người cần sự tiện lợi để giúp giảm bớt áp lực trong việc ăn uống hàng ngày. Đây chính là yếu tố hỗ trợ cho các nhà sản xuất nếu như cung ứng được sản phẩm thỏa tiêu chí tiêu dùng của người dân.
Thống kê của ngành công thương cho thấy, hiện có hơn 1.800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nước giải khát. Còn như tính toán của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, bình quân một người Việt Nam tiêu thụ trên 23 lít nước giải khát mỗi năm và con số này tiếp tục tăng trong những năm tới. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp lớn đã tham gia vào lĩnh vực sản xuất thức uống không cồn, khai thác đa dạng các nguồn nguyên liệu để đưa vào chế biến.
Đến nay, nhóm hàng thức uống không cồn cũng đã khá đa dạng với sản phẩm chế biến từ các loại quả, hạt, sữa, trà và thảo dược khác. Do vậy, người tiêu dùng ngày càng được phục vụ tốt hơn, không những về chủng loại sản phẩm tiêu dùng mà còn an tâm hơn về chất lượng, giá cả, bởi sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu ngày càng lớn.
Ngoài những tên tuổi quen thuộc trong lĩnh vực thức uống thì ngày càng có thêm nhiều thương hiệu mới tham gia. Điển hình như tập đoàn Kido, trong đại hội cổ đông đầu năm 2018 này, họ đã công bố sẽ thâm nhập thị trường đồ uống được làm từ các nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên. Hay như từ năm 2017, Coca-Cola cũng đã đa dạng danh mục sản phẩm với các loại thức uống hoa quả, trà đóng chai, cà phê đóng lon.
Theo báo cáo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, Việt Nam là thị trường đứng thứ 3 về hoạt động kinh doanh dịch vụ thực phẩm đồ uống tại khu vực ASEAN. Đây chính là sức hấp dẫn của thị trường đồ uống của Việt Nam với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bởi vậy, bên cạnh sản phẩm sản xuất ngay trong nước, trên thị trường ngày càng có nhiều sản phẩm nước uống nhập khẩu khi khu vực ASEAN đã trở thành thị trường chung của các nước trong nội khối. Chính điều này càng tạo nên sự phong phú cho thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng.
Như thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường, về số lượng sản phẩm, tại Việt Nam đang có trên 7.000 loại thức uống, nhưng tỷ lệ này mới chỉ bằng một nửa so với thị trường Nhật Bản, họ có tới 14.000 loại nước uống. Với sự thay đổi tiêu dùng, những năm gần đây, thị trường nước giải khát đang có sự chuyển mình rõ rệt trong cả việc đầu tư, phát triển sản phẩm và xu hướng chọn lựa những sản phẩm có nguyên liệu từ thiên nhiên thay cho nước có gas ngày càng tăng. Theo đó, các sản phẩm không có gas như nước ép trái cây, sữa trái cây, trà thảo mộc, sữa hạt đang được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.