Đà Nẵng đẩy mạnh thực hiện chính quyền đô thị, phục vụ người dân hiệu quả

Giai đoạn mới, Đà Nẵng đặt mục tiêu phân cấp, phân quyền, ủy quyền là để phát huy hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, hướng đến phục vụ tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Lòng vòng chuyện thủ tục

Để xử lý nhanh các hồ sơ cho doanh nghiệp, theo ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng, cần phải cắt giảm các thủ tục hành chính. Ông dẫn ví dụ về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với kinh phí rất nhỏ cũng phải trình lên UBND thành phố phê duyệt. Cụ thể, những hồ sơ này đi qua Sở Tài nguyên-Môi trường, lòng vòng một hồi lên tới văn phòng UBND thành phố. Có trường hợp sở Tài nguyên-Môi trường vừa phải ký các đơn xin lỗi doanh nghiệp do thủ tục chậm trễ.

“Hiệu quả công việc không cao, trong khi doanh nghiệp tính bằng đơn vị giây thì bộ phận hành chính của chúng ta tính theo đơn vị ngày, rồi còn mở ngoặc là ngày làm việc và ngày không làm việc. Thủ tục trễ ở khâu nào chưa nói, nhưng Sở Tài nguyên- Môi trường tiếp nhận đầu vào mà đầu ra không đảm bảo thời gian thì phải ký đơn xin lỗi”, ông Chương cho hay.

Bên cạnh đó, theo ông Chương, UBND thành phố nên mạnh dạn giao quyền cho giám đốc các sở. Bởi theo quy định pháp luật về công chức thì người tham mưu vẫn là người chịu trách nhiệm cuối cùng.

Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường TP Đà Nẵng chia sẻ
Đề cập việc phân cấp quản lý đô thị lĩnh vực xây dựng trong thời gian qua, ông Võ Tấn Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, hiện các quận huyện được phân cấp thực hiện cấp giấy phép xây dựng các công trình cấp 3,4 và nhà ở riêng lẻ; quản lý cây xanh, đường ống cấp và thoát nước trên tuyến đường nhỏ hơn hoặc bằng 7,5m. Với nhiều nhiệm vụ quan trọng được giao, nguồn lực khi thực hiện nhiệm vụ sau khi phân cấp ở các địa phương bước đầu vẫn còn nhiều lúng túng.

Đặc biệt, UBND thành phố phân cấp cho UBND quận quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc quận, phường quản lý theo quy định của Luật đầu tư công; tăng cường năng lực của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các quận, huyện để đáp ứng yêu cầu trong công tác thẩm định các dự án. Ông Hà cho biết thêm, khi các quận huyện thực hiện đồ án quy hoạch sẽ lấy ý kiến của sở. Trong công tác tham gia góp ý trả lời, sở vẫn thấy chưa đạt như mong muốn nên có trường hợp làm cho tiến độ thẩm định quy hoạch bị chậm đi.

“Vừa rồi trong cuộc họp xử lý dự án đã có đề cập, sở sẽ nghiên cứu việc này để thời gian tham gia ý kiến quy hoạch cho quận huyện được rút ngắn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả thực hiện công tác quy hoạch”, ông Hà nói.

Cần tạo điều kiện cơ quan được phân quyền

Bà Phan Thị Thắng Lợi, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, việc phân cấp, phân quyền tăng nhiệm vụ công tác nhưng quận vẫn không được tăng cường tổ chức bộ máy, nhân lực, tài chính và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ phân cấp, dẫn đến chính quyền địa phương khó có thể thực hiện được “quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm”. Trong điều kiện tinh giảm biên chế hiện nay nguồn nhân lực địa phương không đủ để đáp ứng giải quyết kịp thời, định mức chi hoạt động cho cán bộ công chức cấp quận thấp so với cán bộ công chức thành phố trong khi quyền lợi không thay đổi nhưng công việc lại tăng (cấp quận 36 triệu đồng/ 1 người/ 1 năm, thành phố 52 triệu đồng/ 1 người/ năm).

Việc phân cấp quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay là chủ trương lớn và tát yếu của quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước
“Thật sự phòng quản lý đô thị ở quận quá tải về công việc nhưng con người thì chỉ chừng đó thôi”, bà Lợi nhìn nhận.

Về vấn đề này, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, trước đây quận huyện có ngân sách, muốn sửa chữa hay mua sắm gì thì chủ động. Bây giờ mọi cái đều trình lên UBND thành phố, là cơ chế xin cho. Vì vậy, thành phố phải làm lại quy định về phân cấp quản lý. Cũng theo ông Chinh, để việc phân cấp đạt hiệu quả, trước hết phải phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan chuyên môn, UBND các quận, huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo từng lĩnh vực và địa bàn đúng quy định của pháp luật, bảo đảm một việc không quá hai cấp hành chính quản lý. Việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân nên giao cho cấp đó thực hiện.

Để việc phân cấp được hiệu quả, các đơn vị cần tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp cụ, hướng dẫn cụ thể cán bộ thực hiện. Đặc biệt, phải chú trọng tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của cơ quan Nhà nước phân cấp, trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước được phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhận thấy việc phân cấp, phân quyền phải đi liền với bảo đảm các điều kiện để thực hiện
“Việc phân cấp, phân quyền phải đi liền với bảo đảm các điều kiện để thực hiện. Phân cấp mà không phân quyền, không bảo đảm các yếu tố như trên thì đâu phải là bản chất của phân cấp. Không những thế, phân cấp cho cấp dưới mà không đủ năng lực quản lý, không đủ điều kiện thực hiện, nhưng nếu cứ đẩy xuống cho các địa phương, đơn vị thực hiện thì vô hình chung chúng ta đẩy cán bộ của mình vào thế không hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Chinh chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục