Đà Nẵng họp báo thông tin về bạo hành trẻ và “nhân tài” bỏ đi

Chiều 25-5, Sở TT-TT, Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ TP Đà Nẵng tổ chức buổi họp báo công bố thông tin chính thức vụ bạo hành trẻ xảy ra tại nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (351/32 Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê) và những thông tin liên quan đến việc nhiều “nhân tài” xin ra khỏi đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922).

Nghiêm cấm hành vi bạo hành trẻ

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở SG-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết: Khoảng 11 đến 12 giờ ngày 21-5, trên các trang mạng xã hội và các báo có đăng các hình ảnh, clip về vụ bạo hành trẻ tại nhóm lớp độc lập Mẹ Mười (địa chỉ 251/32 đường Thái Thị Bôi (quận Thanh Khê) do bà Đinh Thị Hồng làm chủ nhóm.

Nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười được UBND phường Chính Gián cấp quyết định thành lập theo Quyết định số 101/QĐ-UBND ngày 9-5-2013 (cũ), điều chỉnh lần cuối theo Quyết định số 227/QĐ-UBND ngày 6-10. Chủ nhóm là bà Đinh Thị Hồng có bằng Cao đẳng sư phạm Mầm non. Số trẻ tại nhóm là 14 trẻ, trong đó gồm 4 trẻ khoảng 3 tuổi, các trẻ còn lại dưới 2 tuổi.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng thông tin chính thức vụ bạo hành trẻ cũng như hướng xử lý sắp tới 
Ông Vĩnh cho biết, sau khi mạng xã hội và các báo thông tin, UBND phường và Công an phường Chính Gián đến nhóm trẻ Mẹ Mười kiểm tra và làm việc với bà Đinh Thị Hồng vào trưa 21-5. Tại đây, bà Đinh Thị Hồng thừa nhận người phụ nữ trong clip được báo chí đăng tải là mình nhưng chưa thừa nhận thực hiện hành vi bạo hành trẻ em. Tuy nhiên, tại buổi làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Khê diễn ra sau đó, bà Hồng đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình.

UBND quận Thanh Khê chỉ đạo Chủ tịch UBND phường Chính Gián rút giấy phép và đình chỉ hoạt động Nhóm trẻ độc lập của bà Đinh Thị Hồng. Tất cả 14 trẻ đã được cha mẹ trẻ đón về nhà trong trưa ngày 21-5.

Trong ngày 21-5, Sở GD-ĐT cử đoàn kiểm tra do Bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT làm trưởng đoàn để nắm tình hình, nguyện vọng của phụ huynh và tư vấn cho Phòng GDĐT quận Thanh Khê hướng xử lý và khắc phục.

Sở GD-ĐT nhận thấy việc bạo hành trẻ tại Nhóm trẻ độc lập của bà Đinh Thị Hồng là nghiêm trọng, vi phạm về an toàn tính mạng trẻ và vi phạm pháp luật. Trước mắt, Sở GD-ĐT đề nghị Phòng GD-ĐT quận Thanh Khê có các biện pháp hỗ trợ về tâm lý, tiến hành kiểm tra sức khỏe và cử người động viên kịp thời các trẻ liên quan, căn cứ vào nguyện vọng của gia đình để điều chuyển trẻ đến các điểm trường thuận lợi nhất. Sở GD-ĐT Đà Nẵng đề nghị UBND quận Thanh Khê chỉ đạo, xử lý nghiêm vụ việc; đồng thời cũng thông báo đến tất cả các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TP Đà Nẵng về việc nghiêm cấm các hành vi bạo hành thể xác, tinh thần đối với trẻ.

Đà Nẵng họp báo thông tin về bạo hành trẻ và “nhân tài” bỏ đi ảnh 2 Đà Nẵng xử lý nghiêm vụ bạo hành trẻ em 

Sáng ngày 23-5, tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Hội LHPN TP Đà Nẵng, qua đề nghị của Giám đốc Sở GD-ĐT, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Hội LHPN vào cuộc, tăng cường giám sát và thông tin, để từ đó các cơ quan chưc năng có những cảnh báo sớm và hạn chế được bạo hành trẻ nhỏ.

Chiều ngày 23-5, UBND quận Thanh Khê đã tổ chức cuộc họp để quán triệt các trường mầm non và nhóm lớp ngăn chặn việc bạo hành trẻ nhằm nâng cao tinh thần chấp hành pháp luật, thực hiện các quy định về chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Hiện nay, bà Đinh Thị Hồng đang được Công an quận Thanh Khê quản thúc tại nhà riêng. Công an quận Thanh Khê cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án đối với vụ bạo hành trẻ em tại nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết: Sáng 22-5, tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa có buổi làm việc với Sở GD-ĐT Đà Nẵng và Phòng GD-ĐT quận Thanh Khê liên quan đến việc bạo hành trẻ tại nhóm trẻ Mẹ Mười.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chỉ đạo Sở GD-ĐT Đà Nẵng và Phòng GD-ĐT quận Thanh Khê quán triệt các cấp quản lý tăng cường trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát và sự phối hợp của các ban ngành truyền thông về phòng, chống bạo hành đối với trẻ em.

Giao Sở GD-ĐT Đà Nẵng phối hợp với các ban ngành tham mưu UBND thành phố cần có cơ chế, chiến lược lâu dài, bền vững trong việc phát triển quy mô mạng lưới trường mầm non công lập và tư thục, hạn chế phát triển nhóm, lớp độc lập tư thục; tăng cường kiểm tra đột xuất tại các cơ sở giáo dục mầm non; phát huy vai trò của trường mầm non công lập trong công tác bồi dưỡng, tư vấn giúp đỡ, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ sư phạm và đạo đức nghề nghiệp cho các chủ nhóm, lớp và giáo viên mầm non; UBND xã, phường nâng cao trách nhiệm trong việc cấp phép và đình chỉ các nhóm, lớp độc lập tư thục theo đúng các quy định hiện hành; tăng tỷ lệ thu nhận trẻ nhà trẻ ra lớp tại các trường mầm non để đảm bảo an toàn cho trẻ và môi trường chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục được đảm bảo chất lượng hơn.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị Phòng GD-ĐT phối hợp Trung tâm y tế quận Thanh Khê kiểm tra tình trạng sức khỏe, tâm lý cho tất cả các trẻ của nhóm.

Tạo điều kiện tốt nhất để phát huy tài năng “nhân tài”

Liên quan đến việc nhiều “nhân tài” xin ra khỏi Đề án 922, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết, từ khi triển khai đề án (năm 2004) đến nay, TP  Đà Nẵng có 616 người đã hoặc đi học theo Đề án 922. Trong đó, có 128 học viên đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú; 368 học viên bậc đại học, 89 học viên bậc sau đại học; 29 học viên đào tạo cả 2 bậc và 2 học viên đào tạo cả đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo đề án. 

Sở Nội vụ TP Đà Nẵng khẳng định luôn tạo điều kiện tốt nhất để các "nhân tài" thể hiện tài năng
Đến thời điểm hiện tại, đã có 460 học viên được bố trí công tác. Trong quá trình công tác, một số học viên được tiếp tục cử đi học ở bậc cao hơn và một số đã thanh lý hợp đồng sau khi hoàn thành thời gian làm việc cho TP Đà Nẵng theo cam kết. Đến nay, số lượng học viên đề án đang công tác tại các cơ quan, đơn vị hành chính công là 402 người. 

Theo Sở Nội vụ, việc tiếp nhận, bố trí công tác cho học viên đề án cơ bản đã đáp ứng nhu cầu nhân lực của các cơ quan, đơn vị tại TP Đà Nẵng và đa phần học viên đề án có tính gắn bó, cam kết làm việc lâu dài, có khả năng tiếp cận công việc nhanh, hiệu quả công việc tốt, năng động, có tư duy đổi mới, sáng tạo.

Trên thực tế, đã có 207 người được tuyển dụng công chức, viên chức; trong đó có 60 người được bổ nhiệm chức danh quản lý, gồm 16 người giữ chức vụ phó giám đốc sở hoặc tương đương trở lên và 44 trưởng, phó phòng.

Đồng thời, cũng có 93 học viên được TP Đà Nẵng đồng ý rút ra khỏi đề án với các lý do cá nhân, lý do sức khỏe hoặc muốn thay đổi công việc. 47 học viên bị buộc ra khỏi đề án, gồm 23 trường hợp không đạt kết quả theo yêu cầu đề án, 19 trường hợp vi phạm quy định của đề án, 5 trường hợp bị cơ quan sử dụng lao động sa thải hoặc buộc thôi việc.

Đến thời điểm này, Đà Nẵng đã thu hồi được 89 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ, đào tạo đối với những trường hợp ra khỏi đề án. Hiện Đà Nẵng đang tiếp tục khởi kiện, buộc một số trường hợp khác tiếp tục hoàn trả, đền bù kinh phí đào tạo theo hợp đồng đã ký kết. 

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho rằng Đề án 922 cũng cần phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ nhìn nhận, việc dịch chuyển nhân lực từ “công” sang “tư” và ngược lại là vấn đề bình thường của bất kỳ nền hành chính nào. Tuy nhiên, những người có năng lực, có đạo đức ra khỏi đề án là điều đáng tiếc, bởi Đà Nẵng rất cần những người giỏi để phát triển. 

Để giữ chân học viên cũng như cán bộ có năng lực, phẩm chất, gắn bó với Đà Nẵng, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng luôn tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ công chức thực hiện công việc, cho họ có cơ hội thể hiện tài năng.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được, việc triển khai các chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế đang được điều chỉnh, khắc phục…

Tin cùng chuyên mục