Đà Nẵng: Khai thác các thế mạnh, hút khách về bản làng Hòa Bắc

Về xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thời điểm này, du khách sẽ được trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Cơ Tu trong không gian yên bình. Địa phương này được xem là điểm đến hút khách do vẫn gìn giữ những nét chân chất của một vùng nông thôn giữa lòng thành phố.
Du khách thưởng thức ẩm thực vùng quê Hòa Bắc trong ngày 28-4. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Du khách thưởng thức ẩm thực vùng quê Hòa Bắc trong ngày 28-4. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Rộn ràng Hòa Bắc

Sông Cu Đê là điểm nhấn của núi rừng Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Từ Tà Lang, Giàn Bí, du khách có thể chèo thuyền, chống bè, ngược nhánh Bắc, qua các địa danh hố Giếng, lỗ cối Thượng, lỗ cối Hạ, thác Xếp, thác Rễ, Nà Mùn, Khe Giao,… Du khách có thể ngược Khe Đương lên với những thác, hồ kỳ thú giữa rừng nguyên sinh. Qua Tà Lang, vượt đèo Mũi Trâu, từ đây có thể thấy rõ đỉnh Bạch Mã và cả núi Chúa mây phủ giăng mờ…

Bên cạnh đó, du khách có thể tham gia những hoạt động vận động như đi bộ, đi xe đạp dạo quanh những cánh đồng lúa xanh rì và con đường làng nhiều ngõ ngách, tắm suối thiên nhiên hay tự xay bột làm bánh bèo, mì Quảng cho bữa ăn….

Trải nghiệm hoạt động truyền thống của người đồng bào Cơ Tu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trải nghiệm hoạt động truyền thống của người đồng bào Cơ Tu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Nhấp chén trà, già làng Bùi Văn Siêng (72 tuổi, trú thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) cho biết, ông thường có mặt tại những buổi kể chuyện cộng đồng, mong muốn trao truyền các giá trị văn hóa, dân tộc của người Cơ Tu để du khách tìm hiểu. Mỗi tháng già Siêng nói chuyện với khách vài lần, dẫn khách đi tham quan nhà Gươl, giảng giải về phong tục tập quán, giải thích những biểu tượng, hình ảnh của bà con người Cơ Tu. Mọi người liên kết để cùng nhau lên chương trình, đón khách đến ăn uống, trải nghiệm, có những gia đình được du khách yêu thích, thường chọn là điểm đến để quay lại những lần sau.

“Hòa Bắc trở nên rộn ràng hơn khi có du khách tham quan. Điều họ thích chính là vẻ đẹp thiên nhiên Hòa Bắc với những lần đi dạo bên đồng lúa chín…”, già làng Bùi Văn Siêng cho biết.

Không chỉ du khách quốc tế, người Đà Nẵng thường đến Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) vào dịp cuối tuần. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Không chỉ du khách quốc tế, người Đà Nẵng thường đến Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) vào dịp cuối tuần. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Từng đi du lịch ở nhiều nơi, ông Michael peterek (du khách Đức) cho biết, ông rất thích Hòa Bắc nên đã trở lại đây nhiều lần trong khoảng 5 năm gần đây. Trước đây, Hòa Bắc là vùng đất đơn sơ nhưng khi ông quay lại thì nhiều quán cà phê, nhà hàng, homestay… ngày càng nhiều hơn.

Quy hoạch bền vững

Theo ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), để phục hồi và phát triển du lịch, trước mắt địa phương đưa vào quy hoạch những khu vực có tiềm năng phát triển nhất là khu vực thôn Tà Lang - Giàn Bí cũng như khu vực có tài nguyên về sông suối… Hòa Bắc có điểm đặc biệt chính là có đồng bào người Cơ Tu đang sinh sống, vì vậy địa phương cũng phục dựng lại các chuỗi lễ hội như mừng lúa mới, lễ hội ăn thề kết nghĩa,..

Đồng thời, để được tận mắt chiêm ngưỡng những cảnh sắc độc đáo của Hòa Bắc, địa phương đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống giao thông để thu hút du khách.

Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc tại quầy trưng bày nông sản địa phương phục vụ du khách. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc tại quầy trưng bày nông sản địa phương phục vụ du khách. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, Hòa Vang là địa phương có đặc điểm văn hóa đặc sắc và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lễ hội,…

Với vị trí địa lý là ngoại ô phía Tây của đô thị lớn Đà Nẵng, là huyện nông thôn với 3 kiểu địa hình, Hòa Vang có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái cộng đồng và mở rộng kết nối du lịch với các địa phương.

Đặc biệt, lưu vực sông Cu Đê và núi rừng Hòa Bắc là những mảnh ghép hoàn hảo của cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa và con người Hòa Vang. Nơi đây cũng là hình mẫu hoàn chỉnh của du lịch nông thôn Hòa Vang, thể hiện sự kết nối hài hoà giữa phát triển kinh tế, bảo tồn đa dạng sinh học và giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống.

Việc thu hút du lịch bằng thế mạnh vốn có, bao gồm môi trường sinh thái, văn hóa làng nghề truyền thống, dịch vụ thuần nông, bản chất mến khách của người dân làng xã cũng là định hướng phát triển của cộng đồng du lịch Hòa Vang.

Trang phục dân tộc trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trang phục dân tộc trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Để phát triển du lịch, Hòa Vang đã và tiếp tục triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp; tăng cường hoạt động quảng bá và kết nối để thu hút du khách đến với Hòa Vang...

Tin cùng chuyên mục