Đà Nẵng tìm giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp

Sáng 24-9, Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp dành cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với gần 150 khách mời trực tiếp mỗi phiên và trực tuyến qua hệ thống hội nghị trực tuyến Zoom.
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, từ ngày 03-5, Đà Nẵng đã ghi nhận hơn 4.800 ca mắc Covid-19. Để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, TP Đà Nẵng đã triển khai xây dựng kịch bản tiếp cận phù hợp, tuỳ theo tình hình diễn biến của dịch bệnh trong từng giai đoạn. Trong 20 ngày, thực hiện đợt phong tỏa “chưa từng có trong tiền lệ” theo Quyết định 2788 với hàng loạt yêu cầu đặt ra cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, doanh nghiệp áp dụng nghiêm ngặt quy trình “3 tại chỗ” với số lượng nhân công cho phép tối đa 30% nhằm duy trì sản xuất tối thiểu, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và các hoạt động. Việc triển khai các mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” đã gây gia tăng chi phí và phát sinh nhiều vấn đề trong vận hành nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều rất chủ động xây dựng phương án thích nghi với bối cảnh dịch bệnh và phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Chính sự nỗ lực của các doanh nghiệp đã giúp TP Đà Nẵng đảm bảo “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“Tuy chịu tổn thất nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không quên thực hiện trách nhiệm cộng đồng, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, chủ động chung tay góp sức cùng chính quyền TP Đà Nẵng, tích cực trong việc hỗ trợ các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển, công tác điều trị, đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân”, ông Lê Trung Chinh chia sẻ.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại hội nghị

Mặc khác, việc áp dụng các quy định về việc thực hiện giãn cách xã hội và một số biện pháp cấp bách để phòng, chống Covid-19, nhất là trong giai đoạn tháng 8, đã làm cho một số ngành kinh tế chủ lực của TP Đà Nẵng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2021 của TP Đà Nẵng ước đạt 15.050 tỷ đồng, bằng 69,1% dự toán HĐND TP giao. Ước 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công theo dự toán năm 2021 đạt 3.500 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch Trung ương giao và 36,7% HĐND TP giao (giảm so với cùng kỳ năm 2020 là 40,7%).

Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành giảm 31,3% so với cùng kỳ 2020; doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 5,6% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.306 triệu USD, tăng 14,9%, trong đó kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 65,5 triệu USD, tăng 8,6%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 6,3%; chỉ số IIP giảm 4,16%.

TP Đà Nẵng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 2.371,842 tỷ đồng; cấp mới 29 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 149,135 triệu USD; có 2.297 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động và 1.422 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động (tăng 49,6% so với cùng kỳ 2020).

TP Đà Nẵng xác định “sức khoẻ” doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định khả năng phục hồi của nền kinh tế; đặc biệt sức mạnh nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước có ý nghĩa quan trọng, đây là nhân tố bảo đảm việc phát huy hiệu quả các nguồn ngoại lực, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển.

Vì vậy, hội nghị sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để TP Đà Nẵng, các cơ quan bộ, ngành Trung ương có cơ sở nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp hiệu quả hơn, thiết thực hơn để từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục