Đà Nẵng: Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng lập app đi chợ giúp dân

Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đi chợ giúp của tổ dân phố số 4 phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là một cách làm sáng tạo vừa giảm bớt áp lực cho tổ đi chợ, ban điều hành khu dân cư và nhà cung ứng, vừa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch bệnh, hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp.
Phần mềm đi chợ tiện lợi cho người dân tổ dân phố số 4 phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng
Phần mềm đi chợ tiện lợi cho người dân tổ dân phố số 4 phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng

Những ngày này, các hoạt động phòng chống dịch ở TP Đà Nẵng được xem là một "cuộc chiến" chưa hề có tiền lệ. Chính vì thế, công tác điều hành khu dân cư đặt ra những thách thức lớn với các cấp, các nghành. Dự đoán tình hình - đặt ra giải pháp, quan trọng nhất là họ vừa thực hiện vừa chấn chỉnh kịp thời.

Là một thành viên của tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng tổ dân phố số 4 phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), ngoài nhiệm vụ trực chốt, tuần tra nhắc nhở, các thành viên còn nhận nhiệm vụ đi chợ giúp, phân phối hàng thiết yếu về tận cửa nhà dân.

Tổ đi chợ thuộc tổ dân phố số 4 phường Hòa Thuận Đông gồm các thành viên trẻ, rành công nghệ
Theo quy định, tổ trưởng tổ dân phố sẽ là người phụ trách chính nhiệm vụ này. Tuy nhiên, các thành viên nhận thấy tổ trưởng khu dân cư là các bác lớn tuổi, dự báo sẽ rất khó khăn với nhiệm vụ nặng nề và lạ lẫm này. Vì vậy, tổ dân phố đã thành lập một nhóm hỗ trợ cung ứng hàng thiết yếu với những người trẻ, có sức khỏe, ưu tiên người đã tiêm vaccine, rành công nghệ và những cán bộ, thầy cô dạy tại các trường.

Những ngày đầu, nhóm đã nhờ một thành viên trong khu dân cư thiết kế một mẫu phiếu mua hàng thiết yếu với các mục chính: tên mặt hàng, đơn giá, số lượng, thành tiền. Đồng thời, nhóm cũng tìm các nhà cung ứng, đưa lên nhóm tổ dân phố để người dân cùng thống nhất. Ngoài ra, bổ sung vài nhà cung ứng phụ với các mặt hàng thiếu yếu không trùng lặp.

Nhóm cũng thảo luận chọn tần suất đặt hàng chung là 2 ngày/1 lần tạo điều kiện cho người dân có thể luân phiên đặt hàng. Bên cạnh đó, đơn hàng hạn chế bị dồn ứ bởi mỗi lần đặt không quá nhiều loại, các loại thực phẩm sẽ được tươi ngon hơn.

Thầy Nguyễn Đình Hòa, Giáo viên Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), thành viên của tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng Tổ dân phố số 4, phường Hòa Thuận Đông đi giao hàng đến từng hộ dân
Dù mỗi gia đình chỉ có khoảng 60 phút để đăng ký, song nhóm đi chợ mất rất nhiều thời gian và công sức khi đi đưa tận tay cũng như thu hồi từng đơn hàng và số tiền đặt cọc. Không những thế, việc đưa phiếu đăng ký tận nhà làm tăng sự tiếp xúc khiến nhiều người e ngại.

Cái khó ló cái khôn, một thành viên trong nhóm đi chợ đã nhờ bạn bè tạo ra một phần mềm đi chợ tiện lợi.

Phần mềm này có thể cập nhật các mặt hàng cùng giá tiền của nhà cung cấp chính và một vài nhà cung cấp phụ. Đến ngày đi chợ, người dân điền thông tin người mua hàng chọn mặt hàng cho vào giỏ hàng. Phần mềm cũng tự ra đơn với tổng số tiền trong vòng chưa đầy 1 phút.

Khi có hàng, nhóm thông báo công khai và tiếp tục phân phối về từng hộ. Với những nhà cung ứng không chở hàng đến tận khu dân cư, các thành viên sử dụng xe máy, ô tô để nhận hàng.

Trong một ngày, ban điều hành tổ dân phố số 4 phường Hòa Thuận Đông thực hiện nhiều công việc, đặc biệt là ngày tổng hợp đơn hàng của các hộ dân
Với những hộ gia đình là người lớn tuổi, có trục trặc về công nghệ, tổ đi chợ linh động phát giấy và hỗ trợ nhập hộ vào phần mềm. Người dân có thể trả tiền mặt cho tổ đi chợ nhưng cũng có thể chuyển khoản ngay khi đặt hàng trên phần mềm.

Với một số hộ có hoàn cảnh khó khăn, tổ phòng chống Covid-19 thuộc tổ dân phố số 4 phường Hòa Thuận Đông còn kêu gọi sự hỗ trợ của chính các thành viên trong khu dân cư thực hiện tinh thần tương thân tương ái.

Đến nay, khu dân cư đã nhận được sự hỗ trợ của người dân với hơn 40 phần quà, gần 5 tạ rau củ quả. Nhờ thế, sau những ngày thực hiện Quyết định 2788/QĐ-UBND tổ dân phố số 4 phường Hòa Thuận Đông không có hộ dân nào thiếu các mặt hàng thiết yếu.

Ban điều hành Tổ dân phố số 4 phường Hòa Thuận Đông phân chia nhu yếu phẩm từ nguồn hỗ trợ
Muốn vậy, khi làm bất cứ một công việc gì của tổ dân phố, các thành viên đều quan niệm rằng: "Cuộc sống là một chuỗi ngày dài tranh đấu để có thể sống tốt hơn trong mọi tình huống. Khi không thể thay đổi hoàn cảnh thì con người buộc phải tìm cách thích nghi. Chúng tôi tin rằng, khi mọi người đồng lòng, mọi khó khăn đều có cách giải quyết. Chúng tôi cùng tin rằng bên cạnh các điều kiện về y tế thì sống vui vẻ, lạc quan, tích cực sẽ góp phần giúp mọi người vượt qua dịch bệnh để hướng đến một trạng thái bình thường mới".

Trải qua nhiều đợt dịch trong 2 năm liền, người dân TP Đà Nẵng đỡ lúng túng hơn. Nhưng, tình hình mới đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi người dân đóng góp từ ý tưởng đến hành động, tài chính...

Hơn cả sự mong đợi, chính quyền TP Đà Nẵng rất linh hoạt khi lắng nghe ý kiến của nhiều phía thông qua các kênh, không ngừng thay đổi để kịp thích nghi và có những chính sách phù hợp với từng thời điểm.

Tin cùng chuyên mục