Đã qua thời “ôm” vốn

Trong 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư công, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu), đầu tư công là động lực có thể chủ động thúc đẩy mạnh mẽ nhất. Và thực tế, đầu tư công luôn là lĩnh vực được Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao.

Số liệu từ Bộ KH-ĐT cho biết, năm 2024, công tác phân bổ vốn được đẩy nhanh. Đáng lưu ý, ngay từ đầu năm, đã có 5 bộ, cơ quan trung ương và 2 địa phương đề xuất điều chỉnh giảm 1.520,7 tỷ đồng để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan và địa phương khác có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương, những năm trước, các bộ, ngành địa phương được giao vốn thường có xu hướng cứ "ôm" về cho chắc rồi đến quý 3, thậm chí quý 4 mới xin trả lại vì không thể giải ngân hết, dẫn đến nghịch lý chỗ cần không có, chỗ có chưa cần. Thậm chí đã có tình trạng chậm trễ đến mức bị hủy kế hoạch vốn. Điển hình là cuối năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý việc điều chỉnh hơn 3.700 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2023 giữa các bộ, ngành, địa phương, do đã quá thời gian điều chỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Năm nay, việc đề nghị điều chỉnh giảm ngay từ đầu năm cho thấy các đơn vị đã chủ động rà soát, đánh giá năng lực, điều kiện giải ngân kỹ lưỡng hơn. Bên cạnh các bộ, ngành, địa phương xin giảm vốn, cũng có 4 bộ, cơ quan trung ương và 10 địa phương đề xuất bổ sung gần 9.651 tỷ đồng. Ngay sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 31-3-2024 để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Có thể thấy, cùng với việc Quốc hội siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách, sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ đã tạo ra lực đẩy rõ rệt trong lĩnh vực đầu tư công, không chỉ trong tiến độ phân bổ vốn, mà cả giải ngân cũng có chiều hướng tích cực. Trong 2 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 59.800 tỷ đồng, tương đương 8,4% kế hoạch, tăng 2,1% (2.900 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù theo phản ánh từ các địa phương, vẫn còn đó những khó khăn khách quan, nhất là trong khâu thực hiện dự án, nhưng những tín hiệu ban đầu khả quan trong giải ngân đầu tư công cần tiếp tục được “nuôi dưỡng” bằng hành động đều tay của cả cơ quan ban hành lẫn các cơ quan thực thi chính sách.

Tin cùng chuyên mục