Đại biểu HĐND TPHCM đề nghị có chính sách thu hút nhân tài cho y tế cơ sở

Đại biểu HĐND TPHCM đề nghị TPHCM có đề án giải pháp củng cố toàn diện, kiện toàn tổ chức bộ máy phải đi đôi với bổ sung nguồn nhân lực và đầu tư trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của nhân viên y tế.
Ngày 19-10, kỳ họp thứ ba HĐND TPHCM khóa X tiếp tục với phiên thảo luận tại hội trường dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Tham dự tại buổi thảo luận sáng nay có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM khóa XV; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM Đỗ Thị Minh Quân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến phát biểu của đại biểu (ĐB) HĐND TPHCM tại các tổ thảo luận buổi chiều hôm qua.
Đại biểu HĐND TPHCM đề nghị có chính sách thu hút nhân tài cho y tế cơ sở ảnh 1 Đại biểu Đỗ Thị Minh Quân báo cáo tổng hợp ý kiến phát biểu của đại biểu HĐND TPHCM tại các tổ thảo luận. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo đó, hầu hết các đại biểu thống nhất đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021. Đa số các ĐB đồng tình về nhận định “TPHCM cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh” và thành phố cần tập trung khắc phục những tổn thương nặng nề về mặt kinh tế, xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra.
Các ĐB cũng nêu ý kiến, TPHCM cần đánh giá lại tuyến y tế cơ sở. Từ đó TPHCM có đề án giải pháp củng cố toàn diện, kiện toàn tổ chức bộ máy phải đi đôi với bổ sung nguồn nhân lực và đầu tư trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của nhân viên y tế. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ tốt hơn cho đội ngũ y tế, thu hút nhân tài về phục vụ bộ máy y tế cơ sở.
Đề xuất TPHCM cần phối hợp với các tỉnh tạo điều kiện tiêm vaccine mũi 2 cho lực lượng lao động quay trở lại thành phố làm việc, đồng thời đề nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Đồng thời, một số ĐB cũng đề nghị cần có đánh giá tác động xã hội về nguồn lực lao động của TPHCM, xây dựng cơ sở dữ liệu lao động ngoại tỉnh, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng khu lưu trú công nhân, ổn định tâm lý người lao động sau dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, đề nghị cần chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư xây dựng, khai thác nhà trọ cho công nhân thuê để góp phần nâng cao đời sống của người dân, từ đó dễ vận động họ quản lý theo định hướng của cơ quan nhà nước, giảm áp lực cho doanh nghiệp về việc lo chỗ ở cho người lao động.
Về giáo dục, một số ĐB đề nghị ngành giáo dục cần đẩy mạnh các nội dung hỗ trợ học trực tuyến. Theo đó, tình hình học trực tuyến gây nhiều áp lực cho học sinh và phụ huynh, đại biểu đề nghị cần giảm tải để học sinh không bị áp lực quá nhiều, có kế hoạch củng cố kiến thức cho học sinh sau thời gian học trực tuyến.
ĐB cũng đề nghị TPHCM cần chuẩn bị kế hoạch chăm lo tết cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, người già neo đơn, trẻ mồ côi vì dịch Covid-19. Đồng thời đề nghị TPHCM cần quản lý, ngăn chặn tình trạng chăn dắt trẻ em xin ăn hiện nay.

Ưu tiên thu hút lao động chất lượng cao

Trước đó, tại các tổ thảo luận trong chiều 18-10, ĐB Tô Thị Bích Châu đề cập tới con số 7,3 triệu người dân có hoàn cảnh khó khăn dự kiến được hỗ trợ trong đợt 3, đó là những người không tham gia bảo hiểm xã hội, không có lương hưu. Theo ĐB, TPHCM là thành phố đầu tàu về kinh tế của cả nước nhưng qua con số này cho thấy kinh tế phi chính thức của TPHCM quá nhiều. Vì thế, rất cần quan tâm đến việc tổ chức lại, quản lý lại kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Nêu lên thực tế một phường đông dân lên tới 150.000 người dân cũng có bộ máy tổ chức giống như phường có 50.000 dân, ĐB Tô Thị Bích Châu đề nghị UBND TPHCM kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có cơ chế về tổ chức bộ máy. Việc này giúp người dân ở các xã, phường đông dân cư được công bằng khi thụ hưởng chính sách và được chăm sóc nhiều hơn.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo sở, ngành và các địa phương rà soát lại, có sự hỗ trợ chủ nhà trọ tiếp cận nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp nhà trọ nhằm đảm bảo nơi ở khang trang cho người lao động. Bởi trong đại dịch vừa qua, khi TPHCM thực hiện giãn cách “ai ở đâu ở yên đó”, có nhiều nhà trọ chật chội, không đảm bảo giãn cách, lây nhiễm chéo.

Về việc thu hút nguồn nhân lực trở lại TPHCM, ĐB Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM đề nghị, bên cạnh chính sách chung để thu hút người lao động trở lại các doanh nghiệp, TPHCM cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhân cơ hội này, TPHCM tái cơ cấu nguồn nhân lực, ưu tiên thu hút lao động chất lượng cao, phát triển các ngành nghề có giá trị gia tăng cao.

Tin cùng chuyên mục