Đồng tình với nhiều ý kiến đã phát biểu về hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhấn mạnh đến lĩnh vực cứu trợ và tái thiết sau thiên tai.
Theo ĐB, sự mất mát, thiệt hại hết sức nghiêm trọng về người, tài sản, công trình cơ sở hạ tầng và sản xuất của đồng bào miền Trung, trong đó có Quảng Trị, đã được sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và người dân cả nước. Người dân vùng gặp thiên tai đã bước đầu vượt qua khó khăn, nhưng để ổn định cuộc sống lâu dài cho dân thì không chỉ dựa vào nguồn lực của địa phương và không giải quyết được một sớm một chiều.
“Hiện nay tại xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa đã xảy ra hiện tượng sạt lở núi làm sập nhà, vùi lấp cầu Khe Ta Bang gây chia cắt đường giao thông từ xã Hướng Phùng về Hướng Sơn đến nay vẫn chưa khắc phục được. Đặc biệt sau cơn bão số 9, nhân dân đã phát hiện trên núi có nhiều vết nứt có chiều dài từ 150- 200m, độ rộng từ 40-50cm, có nguy cơ sạt lở rất cao ảnh hưởng đến 45 hộ, 171 nhân khẩu thôn Raly Rào xã Hướng Sơn. Nếu tiếp tục mưa lớn kéo dài thì sạt lở núi sẽ xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng”, ĐB nhấn mạnh.
Hiện tại, địa phương đã di dời người dân đến nơi an toàn, tuy nhiên để ổn định đời sống lâu dài cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để tỉnh khảo sát, xây dựng dự án di dời dân tập trung. |
Phân tích nhu cầu và nguồn lực có thể bố trí cho công tác này tại địa phương mình, ĐB Hà Sỹ Đồng nhận xét, nguồn vốn bố trí của nhà nước hàng năm quá thấp (vốn sự nghiệp 5 năm 2016-2020 chỉ có 14 tỷ đồng, bình quân khoảng 2,8 tỷ đồng/năm), chỉ đáp ứng 15%-20% so với nhu cầu thực tế. Tương tự, chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình di dân mặc dù đã được Nhà nước nhiều lần thay đổi theo hướng điều chỉnh cao hơn, song vẫn còn ở mức thấp, khó thực hiện, chưa giải quyết được những khó khăn cơ bản của dân khi tái định cư.
ĐB Đồng đề nghị, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã yêu cầu Chính phủ chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền (bao gồm cả các giải pháp về tín dụng, thuế, phí, lệ phí…) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nay cần bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là người dân bị ảnh hưởng bởi đợt bão, lũ lịch sử vừa qua, “bởi mức độ khó khăn của họ rất nặng nề, còn hơn cả những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.
ĐB đề nghị Quốc hội, Chính phủ khi xem xét dự toán năm 2021 dành một khoản đầu tư thích đáng cho công tác dự báo, cảnh báo chính xác hơn phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai hiệu quả, kịp thời; nghiên cứu địa hình địa chất, xác định vùng nguy hiểm, ẩn chứa nguy cơ thiên tai để nhằm giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư, dự báo trước nguy cơ để di dời dân kịp thời.
“Cử tri rất đồng tình thời gian qua Chính phủ đã tiết kiệm nhiều khoản chi tiêu, không chỉ lúc này và cả năm sau, năm sau nữa, tôi đề nghị đặt ra mục tiêu cao hơn trong tiết kiệm chi thường xuyên, ngoài hoãn tăng lương thì có thể giảm cả phụ cấp của các cấp các ngành kể cả đại biểu Quốc hội, để dồn nguồn lực cho ứng phó với thiên tai, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống”, ông Hà Sỹ Đồng đề xuất. |