Đại biểu Quốc hội khuyên không nên quay lưng vào nhau khi đi thang máy

Trao đổi với báo giới tại hành lang Quốc hội sáng 23-5 về vụ ông Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái ở TPHCM, rồi trước đó là Đỗ Mạnh Hùng (Hà Nội) "cưỡng hôn" nữ sinh ở cùng chung cư, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội lên tiếng: Phụ nữ, trẻ em cần có kỹ năng tự bảo vệ và phòng ngự khi bước vào cầu thang máy.
Ông Nguyễn Sỹ Cương trao đổi với báo giới về tình trạng xâm phạm, dâm ô trong thang máy
Ông Nguyễn Sỹ Cương trao đổi với báo giới về tình trạng xâm phạm, dâm ô trong thang máy

Vụ việc đối tượng Đỗ Mạnh Hùng (Hà Nội) "cưỡng hôn" nữ sinh trong thang máy tại chung cư Golden Palm (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ bị phạt 200.000 đồng, ngay sau đó là vụ nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh có hành vi dâm ô bé gái trong thang máy tại chung cư ở TPHCM, hiện nay vẫn khiến dư luận phẫn nộ, bức xúc và lo lắng.

Bên hành lang Quốc hội sáng 23-5, báo giới có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về những giải pháp quản lý cũng như phòng vệ bị xâm hại…

- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, tối 22-5, Viện KSND TPHCM cho biết, đã chuyển hồ sơ truy tố Nguyễn Hữu Linh (SN 1958, ngụ TP Đà Nẵng, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng) về tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” sang tòa án cùng cấp. Tuy nhiên hiện nay dư luận băn khoăn về việc ông này vẫn được cho tại ngoại mà không có các hình thức tạm giam để điều tra. Trong thời gian qua, có nhiều vụ đối tượng vi phạm nhân sơ hở để bỏ trốn, quá trình truy tố gặp khó khăn. Việc ông Nguyễn Hữu Linh được tại ngoại như vậy có đủ sức răn đe những người khác không?

- Ông Nguyễn Sỹ Cương: Về vụ truy tố ông Nguyễn Hữu Linh, đây là công việc của cơ quan tư pháp, nhất là cơ quan điều tra, phải căn cứ vào hành vi, mức độ vi phạm, nhân thân để quyết định có nên bắt tạm giam hay cho tại ngoại. Người ta thấy rằng yếu tố nào là cần thiết để phải áp dụng thì sẽ thực hiện.

- Mấy hôm nay, dư luận tiếp tục xôn xao về việc có một số người nước ngoài thuê chung cư ở quận Thanh Xuân – Hà Nội có hành vi dâm ô với trẻ em, nhưng 5-6 ngày nay vẫn chưa thể tìm ra đối tượng, cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái xử lý như thế nào. Theo ông, chúng ta đang gặp khó khăn thế nào trong việc quản lý, phòng ngừa đối tượng là người nước ngoài có hành vi hoặc nguy cơ dâm ô với trẻ em ở Việt Nam?

- Trong điều kiện phát triển ở Việt Nam, các chung cư cao tầng có thang máy rất nhiều. Mặc dù tòa nhà nào cũng có ban quản lý tòa nhà nhưng lực lượng kiểm tra, kiểm soát thì không thể làm xuể được. Không thể mỗi thang máy lại có một người đứng gác, theo dõi. Mà chủ yếu là phải dựa vào các camera lắp ở các chung cư, các tầng, thang máy để theo dõi, phát hiện, xử lý. Còn trên thực tế thì rất khó để kiểm soát, quản lý. Thậm chí bảo vệ của các chung cư còn bị chống đối khi ngăn chặn, nếu không có công an túc trực tại đó thì sẽ chẳng làm gì được.

- Vậy phải làm thế nào để đi chung cư, thang máy an toàn khi đối tượng vi phạm, có hành vi dâm ô ngày càng nhiều? Người dân nên có biện pháp phòng vệ ra sao khi đi thang máy?

- Theo tôi, nếu những vụ như vụ ông Nguyễn Hữu Linh được đem ra xét xử thì sẽ có tác dụng tốt trong việc răn đe, nhưng nên tuyên truyền cho phụ nữ và trẻ em có những cảnh giác khi đi thang máy.

Về câu chuyện đi thang máy, tôi thấy hiện nay có vấn đề, như ở nước ngoài thì người ta rất thân thiện, gặp nhau là chào nhau trong thang máy, kể cả gặp người lạ. Còn ở ta thì không bao giờ chào nhau cả. Thậm chí trong những tình huống trong cầu thang máy chỉ có 2 người thì ở ta thường là quay lưng vào nhau. Trong những tình huống như thế, chị em đừng có đứng quay lưng về phía người ta, mà phải quay mặt ra để quan sát, xem liệu người ta có bình thường, có định thực hiện hành vi gì không? Điều này cũng cho thấy, giáo dục, tuyên truyền ở ta vẫn còn có mức độ thấp.

- Liên quan vụ "cưỡng hôn", dâm ô trong thang máy, vừa qua vụ đối tượng Đỗ Mạnh Hùng "cưỡng hôn" nữ sinh Hà Nội tại chung cư quận Thanh Xuân, nhưng mức phạt chỉ có 200.000 đồng, khiến dư luận rất bất bình, ông nhận xét như thế nào?

 - Mặc dù mức phạt là có giới hạn theo quy định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng thông thường các cơ quan chức năng đưa lên rất thấp. Anh đã không đưa ở mức cao lại còn đưa mức rất thấp như thế thì không đủ sức răn đe là đúng. Anh đã đưa ra quy định mức phạt thì anh phải áp dụng tối đa mức quy định của luật. Theo tôi, cần rà soát lại các mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe, tránh phạt quá nhẹ.

- Ở nước ngoài thì họ có thể kiện ra tòa, đòi bồi thường, người "cưỡng hôn" có thể bị đi tù, còn ở VN thì không?

- Theo tôi đã đến lúc phải đưa các quy định này vào luật, cụ thể là các hình phạt và các quy định bổ sung. Những vụ "cưỡng hôn" trong thang máy, nếu để quá thấp như thế sẽ không đủ sức răn đe.

Tin cùng chuyên mục