Đại diện Bộ Xây dựng: Quy định sở hữu chung cư có thời hạn không trái với Hiến pháp, Luật Dân sự

Ngày 15-9, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã có trao đổi với báo chí xung quanh đề xuất về thời hạn sở hữu nhà chung cư tại dự thảo lần hai Luật Nhà ở sửa đổi, lấy ý kiến người dân từ ngày 6-9.
Chung cư Dreamhome Residence, phường 14, quận Gò Vấp. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chung cư Dreamhome Residence, phường 14, quận Gò Vấp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về tính hợp pháp của đề xuất, ông Nguyễn Mạnh Khởi khẳng định, đề xuất không vi hiến, phù hợp với Luật Dân sự. Theo quy định của Hiến pháp, quyền sở hữu sẽ không bị hạn chế trừ trường hợp có những quy định nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Mặt khác, Luật Dân sự cũng quy định, quyền sở hữu sẽ chấm dứt khi tài sản (trường hợp các căn chung cư cũ, xuống cấp, không đảm bảo an toàn bị buộc dỡ bỏ) bị tiêu hủy.

Ông Khởi cũng khẳng định không đóng khung thời hạn sở hữu nhà chung cư là 50 hay 70 năm vì trong dự thảo luật không nêu thời hạn sở hữu nhà chung cư là bao nhiêu năm. Thời hạn sở hữu nhà được xác định theo thời hạn công trình nêu trong hồ sơ thiết kế đã thẩm định, được tính từ khi nghiệm thu toàn bộ công trình đưa vào sử dụng. Thời hạn này cũng được ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ.

Khi hết thời hạn sở hữu, nếu nhà còn đủ điều kiện sử dụng, chủ sở hữu sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, gia hạn thời gian sở hữu. Theo đó, giả sử, nhà được mua với giá của thời hạn sở hữu là 70 năm, nhưng được sử dụng có thể lên đến 80 - 90 năm. 

Về ý kiến việc giới hạn thời gian sẽ không khuyến khích chủ đầu tư xây dựng công trình chất lượng vĩnh cửu, ông Khởi cho biết, theo quy định của Bộ Xây dựng, công trình có nhiều cấp khác nhau, được quy định trong hồ sơ thiết kế. Nếu hồ sơ thiết kế quy định công trình được sử dụng lên đến 50 - 70 năm, yêu cầu xây dựng, kỹ thuật, vật liệu sẽ phải tương ứng với thời hạn. 

Đại diện Bộ Xây dựng cũng khẳng định, thời hạn sở hữu nhà của người dân sẽ không áp dụng hồi tố. Tức là, nếu người dân mua chung cư trước ngày luật có hiệu lực sẽ được áp dụng quy định tại thời điểm mua. 

Về phương án bồi thường, xây dựng lại chung cư với nhà có thời hạn sở hữu, nếu nhà chung cư còn thời hạn sở hữu nhưng buộc phải tháo dỡ vì sự cố, thiên tai, địch họa, cháy nổ không còn đủ điều kiện an toàn sử dụng, phải phá dỡ khẩn cấp, Nhà nước sẽ trực tiếp dùng vốn từ ngân sách để thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà. Người dân được tái định cư ngay tại địa điểm cũ. Nếu chung cư phải tháo dỡ để cải tạo, chỉnh trang đô thị theo quy hoạch chung, chủ sở hữu nhà sẽ được tái định cư theo dự án đó. Quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo. Thời hạn sở hữu nhà của người dân sẽ tính từ lúc công trình mới được bàn giao. Ví dụ, nhà cũ còn thời hạn 20 năm khi dỡ bỏ, nhưng khi nhận nhà mới là công trình thời hạn 70 năm, thời gian sở hữu nhà của người dân là 70 năm.

Với chung cư hết thời hạn sở hữu, trong trường hợp Nhà nước không quy hoạch địa điểm cũ làm chung cư, chủ sở hữu chung cư sẽ được bồi thường theo chính sách về đất và được bố trí tái định cư. Trường hợp địa điểm cũ tiếp tục được làm nhà chung cư, người dân được quyền góp tiền để xây dựng trên cơ sở đất của mình. Tức người dân chỉ phải đóng tiền xây nhà, không đóng tiền đất. Phương án xây dựng sẽ được thỏa thuận tùy thuộc vào quy hoạch lúc đó. Bộ Xây dựng cũng cho biết, dự thảo luật vẫn tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên.

Tin cùng chuyên mục