Đại học dành cho ai?

Mới sáng sớm đã thấy bên hàng xóm ầm ầm tiếng quát tháo, la mắng:

Mới sáng sớm đã thấy bên hàng xóm ầm ầm tiếng quát tháo, la mắng:

– Mày giết tao đi còn hơn… giời ạ… Cá không ăn muối cá ươn.

– Con không phải cá (tiếng nhấm nhẳn đáp lại).

– Thế bây giờ mày muốn gì hả con kia? Tao nuôi mày ăn học ngần ấy năm trời, giờ mày cãi vã hả?

– Nhưng con không thích học cái trường ấy (giọng nói có vẻ cũng như sắp khóc).

– Không thích mày cũng phải học. Có cái tài chính kế toán rồi thì sau này mới có cái mà kiếm tiền, hiểu chưa? Mất bao nhiêu công tao chạy vạy lo lót rồi mà giờ mày định làm phản hả?

– Mẹ thích thì đi mà học (giọng nói hét lên phẫn uất, rồi òa khóc).

– Giời ơi là giời… sao tôi khổ thế này… (và rồi cũng lại tiếng khóc òa lên).

Tiếng mở đóng cửa rầm rầm, rồi thoáng thấy cô bé hàng xóm vừa đi nhanh vừa quệt nước mắt.
Rõ khổ! Lại chuyện thi cử!

Cái chung cư có mươi nóc nhà mà năm nào cũng cứ đến dịp này là lại lao xao lo lắng chuyện con cái thi trường này, vào trường kia.

Mà cũng lạ là hầu như tất cả các bậc cha mẹ đều gò ép những đứa trẻ theo học những ngành nghề được họ coi là sáng giá và dễ kiếm tiền.

Cũng phải thôi vì trong cái cuộc sống bon chen nghẹt thở của ngày hôm nay thì không lẽ lại cho con đi học chế tạo tên lửa?

Những đam mê và suy tư của đám trẻ hình như chưa khi nào thắng nổi sự gào thét quát mắng của các bậc phụ huynh luôn tự coi mình là sáng suốt và thông minh hơn con trẻ. Với họ, những “thương hiệu” của các trường RMIT, FPT, Ngoại thương, Ngoại giao, Ngoại ngữ… dường như đã là một sự đảm bảo cho tương lai con cái họ sau này, sánh ngang tầm thế giới rồi. Và họ cũng không cần biết là cái Tâm chỉ muốn làm giáo viên mầm non, thằng Sơn thì ước mơ sau này được đi tìm hiểu bản chất của các cơn bão như trong phim…

Mình chợt nhớ một câu chuyện: Có một bác nông dân, ra tỉnh, vào một cửa hàng kính, hỏi mua một cặp kính trắng. Chủ hiệu đưa cho bác một trang sách để bác thử đọc. Bác thử tất cả các cặp kính mà vẫn không vừa lòng. Chủ hiệu đâm nghi hỏi: “Thế bác đã biết đọc chưa đã?”. Bác ta nổi giận gắt lên: “Nếu tôi biết đọc rồi thì tôi đi mua kính làm gì!”. Té ra bác ta thấy mấy người già đọc sách thường đeo kính nên ngỡ rằng cứ đeo kính lên thì đọc được chữ mà chẳng cần phải học.

Thường có câu: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Không hiểu những hàng xóm của mình nghĩ sao về chuyện này nhỉ? Chắc chắn họ còn khôn hơn mình, nhưng sao…???

Và rồi mình chợt hiểu. Sự áp đặt ý muốn của họ lên con trẻ thực chất chỉ để thỏa mãn tính ích kỷ và thói háo danh của các bậc cha mẹ.

Năm ngoái có dịp sang châu Âu, mình thấy gần như có hơn 80% các bạn độ tuổi sinh viên đều không muốn học đại học mà chỉ muốn học trường nghề, ra đời làm việc rồi sau đó thích thì học tiếp. Thật sự đó là những thái độ đáng trân trọng và đáng suy ngẫm.

Ngó lại nhìn cái xứ mình…!!!

Gần trăm ngàn tỷ đồng chi cho giáo dục! Một đất nước có tới hàng chục ngàn giáo sư, tiến sĩ các loại…!!!

Một con số mà giờ cứ nghĩ đến thì mình chẳng biết nên mừng hay nên lo nữa?

NSƯT, đạo diễn QUỐC TRỌNG

Tin cùng chuyên mục