Một đại học lớn luôn thực hiện 3 sứ mệnh quan trọng, đó là đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Không chỉ là đầu tàu của hệ thống giáo dục đại học trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, suốt quá trình phát triển, ĐH Quốc gia TPHCM đã có rất nhiều đóng góp cho đất nước và phục vụ các địa phương trong phát triển về đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như phát triển kinh tế - xã hội. TS Bùi Thị Hồng Hạnh, Trưởng ban Đối ngoại và Phát triển dự án, ĐH Quốc gia TPHCM, đã chia sẻ với phóng viên Báo SGGP về nhiệm vụ quan trọng này.
PHÓNG VIÊN: Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, nhiệm vụ phục vụ cho cộng đồng được ĐH Quốc gia TPHCM xác định như thế nào?
TS BÙI THỊ HỒNG HẠNH: Với sứ mệnh quan trọng được Đảng và Nhà nước giao là thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng, suốt 27 năm xây dựng và phát triển, ĐH Quốc gia TPHCM luôn hướng đến phục vụ cộng đồng, phát triển bền vững của các địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. ĐH Quốc gia TPHCM bám sát mục tiêu đào tạo, các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm, tư vấn và tham gia nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… tập trung vào vấn đề cần giải quyết theo đặt hàng các địa phương.
Giai đoạn 2016-2020, ĐH Quốc gia TPHCM đã ký kết hợp tác với 10 địa phương gồm TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bến Tre, Bạc Liêu, Đắk Nông, Lâm Đồng, An Giang.
Bà có thể chia sẻ về chương trình tiêu biểu đóng góp cho cộng đồng nói chung và các địa phương thời gian qua? Hiệu quả thực tế từ những chương trình đã thực hiện?
ĐH Quốc gia TPHCM đã tích cực hỗ trợ các địa phương trong nghiên cứu khoa học, giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà địa phương đang phải đối mặt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chuyển giao công nghệ hỗ trợ địa phương giải quyết những vấn đề nóng như biến đổi khí hậu, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải, lưu trữ nước sạch, thực hiện gia công túi chứa nước ngọt chống biến đổi khí hậu tại Bến Tre, Vĩnh Long...; tư vấn xây dựng và triển khai làng văn hóa du lịch, chương trình nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm tại Long An, Đồng Tháp…
ĐH Quốc gia TPHCM đã triển khai thành công chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ giai đoạn 2014-2020, tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực, giải quyết những vấn đề bức thiết về biến đổi khí hậu, liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ.
Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những thay đổi của xã hội đang diễn ra mạnh mẽ tại vùng Tây Nam bộ, ĐH Quốc gia TPHCM đã triển khai dự án “Tăng cường giáo dục đại học ngành nông nghiệp tại ĐH Quốc gia TPHCM” nhằm phát triển toàn diện chất lượng giáo dục lĩnh vực nông nghiệp và các ngành liên quan tại Trường ĐH An Giang nhằm góp phần phát triển bền vững cho vùng.
Song song đó, ĐH Quốc gia TPHCM cũng thành lập Viện Biến đổi khí hậu trực thuộc Trường ĐH An Giang để thực hiện các công trình nghiên cứu về phức hợp khí hậu, tài nguyên - môi trường và phát triển bền vững; nghiên cứu về nông nghiệp, phát triển nông thôn, phát triển bền vững; tư vấn, chuyển giao khoa học - công nghệ và dịch vụ phát triển cộng đồng.
Vai trò của ĐH Quốc gia TPHCM đối với sự phát triển của TPHCM như thế nào, thưa bà?
Riêng đối với TPHCM, ĐH Quốc gia TPHCM luôn nhận thức sâu sắc về trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển của thành phố thông qua các chương trình, hoạt động mang ý nghĩa tích cực. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, ĐH Quốc gia TPHCM cùng các đơn vị thành viên đã có nhiều hợp tác hiệu quả với Sở KH-CN, Sở Xây dựng, Khu Công nghệ cao TPHCM, UBND TP Thủ Đức. Hai bên tổ chức gần 10 hội thảo quan trọng, triển khai gần 20 đề tài, đề án cấp thành phố, tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ đánh giá chất lượng giáo dục, tập huấn và tư vấn xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển Học viện Cán bộ TPHCM.
Ngoài ra, ĐH Quốc gia TPHCM còn tích cực tham gia cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, triển khai những công trình nghiên cứu gắn thực tiễn, tạo ra những sản phẩm có giá trị thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho TPHCM. Một số chương trình trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm hai bên đã hợp tác phải kể đến là chương trình giao thông; giải pháp giảm ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; trí tuệ nhân tạo; lĩnh vực khởi nghiệp…
Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song ĐH Quốc gia TPHCM vẫn triển khai nhiều dự án, chương trình hợp tác. Hiện ĐH Quốc gia TPHCM đang triển khai 261 dự án, 114 chương trình/hoạt động hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp, nhằm thu hút, trao đổi các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, học bổng sinh viên, tư vấn hỗ trợ các địa phương (TPHCM, Phú Yên) phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19; trưng dụng ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh làm khu cách ly và điều trị Covid-19, thành lập trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm…
ĐH Quốc gia TPHCM có những chương trình hành động nào đóng góp cho quốc gia cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương thời gian tới?
ĐH Quốc gia TPHCM sẽ đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực lãnh đạo; tham gia chương trình nghiên cứu trọng điểm; tư vấn và tham gia nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo đặt hàng của địa phương, nhất là TPHCM và Bình Dương. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động liên kết hợp tác 3 nhà: ĐH Quốc gia TPHCM - doanh nghiệp - địa phương.
Dự kiến ĐH Quốc gia TPHCM tiếp tục nghiên cứu thành lập Khu vườn ươm nông nghiệp công nghệ cao tại Khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM. Từ năm 2023-2025, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ chi 1.200 tỷ đồng đầu tư các phòng thí nghiệm chuyên sâu, đẩy mạnh nghiên cứu, kết hợp với doanh nghiệp để triển khai ứng dụng, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Khu vườn ươm nông nghiệp công nghệ cao sẽ thành lập và phát triển theo mô hình quốc tế: thực hiện đào tạo, nghiên cứu kết hợp với doanh nghiệp để sản xuất thực nghiệm và chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm, phục vụ sản xuất nông nghiệp.