Đại học Quốc gia TPHCM: Đẩy mạnh hợp tác, tài trợ học bổng cho sinh viên

Trong giai đoạn 2021-2025, Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) tập trung 3 nhóm chiến lược đột phá để ưu tiên đầu tư nguồn lực gồm: nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị đại học; xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng khu đô thị đại học xanh, thông minh, bản sắc. 

Để thực hiện chiến lược này, ĐHQG TPHCM đẩy mạnh hợp tác, liên kết với doanh nghiệp theo phương thức đối tác công - tư (PPP) nhằm thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong đầu tư cơ sở vật chất, đem lại lợi ích trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng. 

Đại học Quốc gia TPHCM: Đẩy mạnh hợp tác, tài trợ học bổng cho sinh viên ảnh 1 ĐHQG TPHCM và Tập đoàn Hưng Thịnh ký kết hợp tác chương trình “Ươm mầm tài năng toán và trí tuệ  nhân tạo” 

Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp

Chương trình hợp tác “Ươm mầm tài năng toán và trí tuệ nhân tạo (AI)” giữa ĐHQG TPHCM và Tập đoàn Hưng Thịnh được thực hiện trong 5 năm, giai đoạn 2022-2026 với kinh phí dự kiến 25 tỷ đồng. Chương trình đặt mục tiêu phát triển cộng đồng người học có đam mê và tài năng trong lĩnh vực toán và AI tại Việt Nam cũng như hỗ trợ, bồi dưỡng, đào tạo các tài năng trẻ trong lĩnh vực toán và AI trở thành các nhà khoa học có uy tín trong khu vực và thế giới. Trong 5 năm triển khai, chương trình tập trung vào các hoạt động cấp học bổng cho học sinh, sinh viên, học viên sau đại học tài năng lĩnh vực toán học và AI; hỗ trợ kinh phí cho các nghiên cứu khoa học, dự án đổi mới phương pháp giảng dạy trong lĩnh vực toán học và AI của các nhà khoa học, thầy cô, giáo, giảng viên trẻ. 

Chương trình cũng tài trợ kinh phí xuất bản khoa học, hỗ trợ kinh phí tổ chức hoặc tham dự hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế cho sinh viên, nhà khoa học trẻ; triển khai các dự án cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, sinh viên tài năng ở bậc phổ thông và đại học. Các hoạt động xây dựng mạng lưới kết nối tài năng trẻ và nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực toán học và AI tại Việt Nam, trên thế giới sẽ được tổ chức trong khuôn khổ chương trình.

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM, khảo sát gần 40.000 sinh viên ĐHQG TPHCM về ảnh hưởng của dịch Covid-19, hơn 60% gia đình của sinh viên có ít nhất một nguồn thu nhập bị ảnh hưởng và hơn 60% sinh viên lo lắng việc đóng học phí. Có thể hiểu được sự lo lắng này của các em khi quá trình tự chủ đại học đang diễn ra, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm, học phí gia tăng. Làm thế nào để những khó khăn đó không là rào cản ngăn bước các em tới giảng đường là một câu hỏi lớn. ĐHQG TPHCM nhận được nhiều sự hỗ trợ từ doanh nghiệp và đã dùng khoản tài trợ này bảo lãnh cho sinh viên vay lãi suất 0%; cấp học bổng cho sinh viên và học viên sau đại học; khen thưởng giảng viên có thành tích nghiên cứu khoa học, giảng dạy xuất sắc, tài trợ dự án nghiên cứu tiềm năng… 

PGS-TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng ban Ban Kế hoạch - Tài chính, ĐHQG TPHCM, cho biết, ĐHQG TPHCM đẩy mạnh công tác kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa bằng phương thức PPP, liên doanh liên kết. Các dự án đang được ĐHQG TPHCM kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP như: Trường ĐH Sức khỏe (nâng cấp từ Khoa Y) và Bệnh viện ĐHQG TPHCM (theo mô hình trường - viện); khu hồ cảnh quan phục vụ hoạt động ngoài trời cho sinh viên; khu trung tâm thể dục thể thao; nhà công vụ; xây dựng 2 khối nhà ở Khu Công nghệ phần mềm; trung tâm nghiên cứu tiên tiến - đổi mới sáng tạo, với hình thức mời gọi các doanh nghiệp cùng hợp tác khai thác, sử dụng…

Người học được hưởng lợi 

Theo PGS-TS Nguyễn Ninh Thụy, trong 3 năm 2019-2021, ĐHQG TPHCM đã tiếp nhận hơn 76 tỷ đồng tài trợ từ các tổ chức và cá nhân để cho sinh viên vay ưu đãi; đào tạo AI và công nghệ robot; viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng; hoạt động quản lý và nghiên cứu. Mới đây, tại chương trình “Doanh nghiệp và đại học: Hành trình kết nối - hợp tác - phát triển” do ĐHQG TPHCM tổ chức, 3 doanh nghiệp đã công bố số tiền 30 tỷ đồng tài trợ ĐHQG TPHCM phát triển hoạt động nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và hoạt động nghiên cứu khoa học 5 năm tới.

Cùng đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong nước, ĐHQG TPHCM còn tăng cường hợp tác với nhiều doanh nghiệp, đối tác nước ngoài để tài trợ học bổng cho học viên, sinh viên. 

Mới đây, Quỹ Pony Chung thuộc Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) đã trao 30 suất học bổng (mỗi suất trị giá 600 USD) cho các học viên cao học và sinh viên của ĐHQG TPHCM. Đây là năm thứ 16 Quỹ Pony Chung đồng hành với ĐHQG TPHCM; đến nay đã có 470 sinh viên, học viên cao học được quỹ này tài trợ với tổng trị giá 247.000 USD (hơn 5,6 tỷ đồng). Ngoài ra, có 6 sinh viên ĐHQG TPHCM được Quỹ Pony Chung cấp học bổng cao học tại ĐH Korea (Hàn Quốc) và 5 sinh viên Khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐHQG TPHCM) nhận học bổng trao đổi 1 năm tại ĐH Korea.

Theo TS Bùi Thị Hồng Hạnh, Trưởng ban Ban Đối ngoại và Phát triển Dự án (ĐHQG TPHCM), tính đến tháng 9-2022, ĐHQG TPHCM đón tiếp 295 đoàn khách quốc tế đến làm việc, trong đó các đối tác châu Á chiếm hơn 40%, châu Âu và châu Mỹ gần 20%. Các buổi làm việc nhằm thúc đẩy hợp tác, trao đổi sinh viên, giảng viên; đào tạo, nghiên cứu, dự án… Đồng thời, ĐHQG TPHCM ký kết 128 văn bản hợp tác quốc tế và triển khai 93 dự án có nguồn tài trợ quốc tế. Cùng đó, một số dự án ODA, tài trợ phi chính phủ tiêu biểu do ĐHQG TPHCM giữ vai trò chủ quản được triển khai trong năm như Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (2022-2026); Phát triển các ĐHQG Việt Nam (2021-2025); Tăng cường giáo dục đại học lĩnh vực nông nghiệp tại ĐHQG TPHCM (2022-2028); Xây dựng kế hoạch và thiết lập chuỗi lúa gạo nông hộ nhỏ bền vững ở ĐBSCL (2022-2025).

Trong năm 2022, toàn ĐHQG TPHCM đón 222 giảng viên, chuyên gia nước ngoài sang công tác (châu Á chiếm hơn 50%) và 1.788 sinh viên (gần gấp đôi số lượng cùng kỳ) tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, học tập ngắn hạn và theo học các chương trình ngôn ngữ. 164 chương trình học bổng dành cho nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên được ĐHQG TPHCM triển khai với các học bổng thường niên như Học bổng Toshiba, trao đổi sinh viên tại ĐHQG Singapore, ĐH Công nghệ Nangyang (Singapore), ĐH Kyushu (Nhật), ĐH Ngoại ngữ Hankuk (Hàn Quốc)… 

Tin cùng chuyên mục