Hỗ trợ tất cả sinh viên khó khăn
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, ngoài hỗ trợ về mặt tinh thần thì chăm lo vật chất cho SV ĐH Quốc gia TPHCM luôn được quan tâm đặc biệt. Đến đầu tháng 8-2021, có hơn 7.000 SV của ĐH Quốc gia TPHCM còn kẹt lại ở TPHCM và Bình Dương, trong đó nhiều SV gặp khó khăn do không thể làm thêm và gia đình không có khả năng chu cấp. Do đó, ĐH Quốc gia TPHCM và các đơn vị trong hệ thống đã có nhiều hoạt động hỗ trợ SV như vận động tài trợ, tổ chức phát nhu yếu phẩm, công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin... Đến nay, ĐH Quốc gia TPHCM tiếp nhận 5.828 yêu cầu hỗ trợ và đã thực hiện hỗ trợ cho 100% SV.
Đặc biệt, Quỹ Phát triển ĐH Quốc gia TPHCM đã phối hợp các doanh nghiệp hỗ trợ 300 suất học bổng với tổng giá trị 1,5 tỷ đồng cho SV bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Quỹ cũng đã triển khai chương trình cho vay học tập với lãi suất 0% với mong muốn trợ sức, chia sẻ với quý phụ huynh và các em SV trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết: “Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, ĐH Quốc gia TPHCM đã chủ động trong hoạt động chăm lo cho SV gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là các em đang lưu trú tại TPHCM và TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Từ đầu tháng 7-2021 đến nay, ĐH Quốc gia TPHCM và các cơ sở đào tạo đã hỗ trợ gần 3.000 suất hiện kim hỗ trợ sinh hoạt phí, hỗ trợ khó khăn, hỗ trợ học bổng; hàng ngàn suất gia hạn học phí; gần 7.000 suất quà là nhu yếu phẩm; hàng ngàn suất ăn, vật phẩm y tế phòng chống dịch Covid-19 cho SV nội trú KTX Trường ĐH Bách khoa.
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ về vật chất, ĐH Quốc gia TPHCM quan tâm đến hỗ trợ tinh thần, triển khai các chuyên đề trực tuyến, các nhóm tư vấn dành cho F0, F1. Nhìn chung, gần 100% SV khó khăn còn đang ở tại TPHCM và TP Dĩ An đã nhận được hỗ trợ kịp thời từ ĐH Quốc gia TPHCM.
Đảm bảo tốt việc học cho sinh viên
Năm 2021 là năm học hết sức đặc biệt đối với tân SV và SV các khóa cũ của hệ thống ĐH Quốc gia TPHCM. Chính vì vậy, ĐH Quốc gia TPHCM đã triển khai nhiều chương trình hành động để phục vụ, hỗ trợ SV.
TS Lê Thị Thanh Mai cho biết, nhằm đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ trong phòng chống dịch Covid-19, hiện nay các hoạt động tiếp nhận tân SV đều được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Theo đó, các cơ sở đào tạo trực thuộc ĐH Quốc gia TPHCM sẽ giới thiệu đến SV thông tin về trường, khoa, các chương trình hỗ trợ SV, các thông tin và kỹ năng giúp SV hòa nhập với môi trường đại học và phương pháp học đại học, chương trình tư vấn học tập, tư vấn chăm sóc sức khỏe tinh thần, giải tỏa áp lực trong học tập cũng như hỗ trợ SV khó khăn trong mùa dịch Covid-19. Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM, ký túc xá Trường ĐH Bách khoa, ký túc xá Trường ĐH Khoa học tự nhiên đã chuẩn bị sẵn sàng tăng cường thủ tục đăng ký theo phương thức trực tuyến. Các tân SV có thể theo dõi thông tin trên website của từng đơn vị.
“Tùy vào ngành học, các đơn vị đã chuẩn bị nâng cấp về hạ tầng, phương án phục vụ cho việc học trực tuyến của SV, cũng như công tác hỗ trợ SV về kỹ thuật, kỹ năng học trực tuyến, giới thiệu các nguồn học bổng cấp trường, khoa các nguồn vay không lãi suất từ Quỹ Phát triển ĐH Quốc gia TPHCM để các em an tâm học tập trong bối cảnh dịch Covid-19”, TS Lê Thị Thanh Mai nhấn mạnh.
Theo đại diện của các trường, đơn vị trực thuộc ĐH Quốc gia TPHCM, từ đầu tháng 7-2021, ĐH Quốc gia TPHCM và các đơn vị thành viên đã trao đổi, thống nhất chuẩn bị phương án, giải pháp để hỗ trợ SV, nhất là tân SV học tập trực tuyến trong bối cảnh tăng cường phòng chống dịch Covid-19. Các hoạt động đã được triển khai như nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo trực tuyến, xây dựng, cập nhật quy định đào tạo trực tuyến, đổi mới phương thức dạy và học phù hợp với đào tạo trực tuyến, chuẩn bị lực lượng hỗ trợ SV học tập trực tuyến, tìm các nguồn hỗ trợ SV. Cùng với học trực tuyến, nhiều hoạt động ngoại khóa cũng được điều chỉnh và hỗ trợ tư vấn tâm lý kịp thời cho người học.
Mới đây, Ban Công tác sinh viên của ĐH Quốc gia đã tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về công tác tiếp nhận tân SV hình thực trực tuyến và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho SV trong bối cảnh dịch Covid-19. Tại buổi chia sẻ kinh nghiệm, đại diện các cơ sở đào tạo thành viên trực thuộc đã thảo luận, trao đổi về quản lý hồ sơ và hậu kiểm xác nhận nhập học và nhập học trực tuyến tại các đơn vị…
TS Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Phó Tổng Thư ký Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, chia sẻ: “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho SV trong bối cảnh dịch Covid-19 là hết sức quan trọng. Từ thực tiễn trong bối cảnh dịch Covid-19, chúng ta sẽ đưa ra một số nguyên nhân gây nên tình trạng khủng hoảng tâm lý của SV, gợi mở cách thức để hỗ trợ cho SV. Từ đây, cơ sở đào tạo sẽ có giải pháp cụ thể để tập trung công tác hỗ trợ SV”.