(SGGPO).- Ngày 29-11, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao và TAND TPHCM tổ chức sơ kết 6 tháng hoạt động của Tòa Gia đình và người chưa thành niên của TAND TPHCM. Đây là Tòa gia đình và người chưa thành niên đầu tiên trong cả nước với thẩm quyền riêng biệt xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình, các vụ án dân sự, hình sự liên quan đến người chưa thành niên.
Việc ra đời của tòa chuyên trách này trong tổ chức của TAND là dấu ấn quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp; là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng. Đây cũng là bước đi cụ thể để thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền của trẻ em, người chưa thành niên đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời là phương thức để thực hiện nguyên tắc Hiến định về việc xét xử kín đối với người chưa thành niên.
Quang cảnh hội nghị
Tòa Gia đình và người chưa thành niên - TAND TPHCM ra mắt, đi vào hoạt động từ ngày 4-4-2016. Được thiết lập theo mô hình mới, tòa có 1 phòng xử án hôn nhân gia đình và 1 phòng xử án hình sự, tổ chức theo hướng thân thiện và 4 phòng chức năng (Phòng Tư vấn - Hòa giải, Phòng Giám sát tâm lý trẻ, Phòng Trẻ em, Phòng Trợ giúp y tế) nhằm phục vụ cho việc xét xử và chăm sóc trẻ em. Ngoài ra, tòa còn có phòng dành riêng cho vợ chồng trong các vụ án hôn nhân và gia đình để có không gian riêng trao đổi trước khi đưa ra các quyết định tại tòa án.
Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TPHCM cho biết, tính đến ngày 31-10-2016, Tòa Gia đình và người chưa thành niên của TAND TPHCM đã giải quyết 381 vụ, việc hình sự và hôn nhân gia đình. Việc xét xử án hình sự luôn đảm bảo lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, ưu tiên cải tạo tại cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc giải quyết các vụ, việc hôn nhân và gia đình đảm bảo đường lối xét xử bảo vệ truyền thống gia đình Việt Nam phát triển toàn diện, bảo đảm lợi ích hợp pháp, quyền lợi mọi mặt của người chưa thành niên.
Tuy nhiên, qua 6 tháng hoạt động cũng còn một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động của Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Do vậy, Chánh án TAND TPHCM Ung Thị Xuân Hương kiến nghị TAND Tối cao phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội liên quan nhanh chóng thành lập Hội đồng tư vấn các vấn đề liên quan đến gia đình và người chưa thành niên; tổ chức các mạng lưới trợ giúp viên pháp lý đối với người chưa thành niên ở tất cả các quận, huyện, phường, xã; tạo điều kiện cho TAND TPHCM xây dựng phòng cách ly bị hại là trẻ em có trang bị các trang thiết bị thu phát tín hiệu hình ảnh, âm thanh phục vụ cho việc xét xử trực tiếp tại phiên tòa... Bà cũng kiến nghị TAND Tối cao ban hành hướng dẫn về mô hình phiên tòa xét xử vụ án hình sự vừa có bị cáo là người chưa thành niên vừa có bị cáo là người thành niên, mô hình phiên tòa xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình.
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị
Trao đổi tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính - Bộ Tư pháp cho rằng, hiện nay các quy định của pháp luật về thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên chưa rõ ràng, cụ thể và còn thiếu, dẫn đến việc áp dụng trong thực tiễn gặp khó khăn, vướng mắc. Để tòa chuyên trách này hoạt động hiệu quả hơn, bà Thoa đề nghị bổ sung thêm hoặc thể hiện rõ trường hợp thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên đối với các tranh chấp về dân sự, lao động mà người dưới 18 tuổi là nguyên đơn hoặc bị đơn trong vụ việc đó; các trường hợp người chưa thành niên bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND.
Theo luật sư Trần Mỹ Thoa, Trưởng cơ quan đại diện Liên đoàn luật sư Việt Nam tại TPHCM đặt vấn đề cần quan tâm bảo vệ quyền lợi trẻ em trong xử lý người chưa thành niên phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra vụ án chứ không phải chờ đến khi ra tòa mới quan tâm; vì vậy cần tổ chức những đợt tập huấn để những cán bộ tố tụng hiểu biết về tâm sinh lý của các em.
ÁI CHÂN