Dân chủ mở rộng đã tạo điều kiện để nhân dân giám sát các cơ quan Nhà nước

Chiều ngày 16-7, tại trụ sở Bộ Nội vụ đã diễn ra hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác dân vận của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp 6 tháng đầu năm 2020. 

Tham dự có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương; cùng đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, Thanh tra Chính phủ…

Báo cáo đề dẫn tại hội nghị, ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp đã bám sát Kế hoạch thực hiện “Năm dân vận khéo” 2020 của Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự đảng Chính phủ và phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả"; tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận; chủ động lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với từng địa phương, đơn vị và quyết liệt, đồng bộ hơn trong triển khai, thực hiện.

Dân chủ mở rộng đã tạo điều kiện để nhân dân giám sát các cơ quan Nhà nước ảnh 1 Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được tăng cường; đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân, chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính Nhà nước và chính quyền các cấp được nâng lên; việc cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận được triển khai tích cực.

Công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, đối thoại trực tiếp với nhân dân của người đứng đầu được quan tâm chú trọng, nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân được kịp thời giải quyết. Công tác cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả, tính công khai, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật được tăng cường, chỉ số cải cách hành chính và đánh giá hài lòng của người dân cao hơn so với cùng kỳ; dân chủ được mở rộng đã tạo điều kiện để nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, giám sát cán bộ, công chức; công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ những kết quả đạt được của công tác dân vận chính quyền thời gian qua, nhất là trong thời gian 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; qua đợt phòng chống dịch bệnh vừa qua, các đại biểu tập trung làm rõ và khẳng định vai trò của công tác dân vận của cơ quan hành chính Nhà nước và chính quyền các cấp mang lại hiệu quả thiết thực, cả nước đã vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế.
Phó Thủ tưởng Thường trực Chính phủ đã gợi ý một số nội dung để các đại biểu thảo luận, như: Công tác dân vận là công việc của cả hệ thống chính trị, thể hiện trên tất cả các mặt đời sống xã hội, liên quan tới tất cả người dân. Do đó, việc xác định phương thức thực hiện công tác dân vận để phù hợp với từng đối tượng đóng vai trò quan trọng...
Dân chủ mở rộng đã tạo điều kiện để nhân dân giám sát các cơ quan Nhà nước ảnh 2 Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Theo Ban Dân vận Trung ương, trong 6 tháng đầu năm 2020, các kết quả đạt được thể hiện trên các mặt dân vận như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và chính quyền các cấp; trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân; các công tác cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ; công tác tiếp công dân, xử lý các đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao đạo đức công vụ và công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội…

Cũng theo Ban Dân vận Trung ương, 6 tháng đầu năm trong kết quả thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp đã nâng cao được chất lượng và hiệu quả.

Đã tiếp hơn 165.000 lượt công dân với hơn 134.000 vụ việc, có hơn 1.600 đoàn đông người (giảm 9,4% số lượt người, giảm 16,4% số đoàn đông người, tăng 8,1% số vụ việc so với cùng kỳ năm 2019); đã giải quyết gần 10.000/13.889 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt 71,3%), một số tỉnh, thành có tỷ lệ giải quyết đơn thư cao.

Theo ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, các cơ quan thời gian qua luôn quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức phát huy trách nhiệm, năng lực, tính chủ động khi giải quyết công việc, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến người dân. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra công vụ, chủ động phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện phòng, chống tham nhũng lãng phí, trong thực hiện công tác cán bộ, tuyển dụng cán bộ, công chức, công tác quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng ngân sách, tài sản công,... kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý sai phạm của các tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ.

Dân chủ mở rộng đã tạo điều kiện để nhân dân giám sát các cơ quan Nhà nước ảnh 3 Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG

6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 3.245 cuộc thanh tra hành chính và hơn 73.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 31.000 tỷ đồng, 3.432ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 13.000 tỷ đồng và 507ha đất (hiện đã thu hồi 3.699 tỷ đồng, 83ha đất); xuất toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 17.000 tỷ đồng, 2.925ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 805 tập thể và 12 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 41 vụ, 46 đối tượng.

Tuy nhiên, nhìn nhận những tồn tại, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc cho hay, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, tội phạm hình sự nghiêm trọng, hoạt động tôn giáo, lợi dụng mạng xã hội, ứng dụng di động để cho vay nặng lãi, lừa đảo, trục lợi diễn biến phức tạp trên một số địa bàn, còn xảy ra tham nhũng, vi phạm pháp luật trong mua sắm thiết bị y tế, trục lợi chính sách, chi sai đối tượng trong gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng xảy ra ở một số địa phương, gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội; tình trạng thất thoát, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi.

Bên cạnh đó là việc cải cách thủ tục hành chính, đối thoại, tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tại một số địa phương còn chậm, còn tình trạng giải quyết kéo dài quá thời hạn quy định gây bức xúc ở một số địa phương. Ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền…

Tin cùng chuyên mục