
Không thể đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu hóa
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, trong bối cảnh TPHCM mở rộng địa giới hành chính và định vị lại chiến lược phát triển vùng, đâu là vai trò và trọng trách của SATRA trong giai đoạn tới?
Ông LÂM QUỐC THANH: Việc hợp nhất 3 địa phương tạo thành một siêu đô thị với gần 14 triệu dân và hệ thống hạ tầng liên kết từ cảng biển, kho bãi, công nghiệp chế biến đến tiêu dùng. SATRA buộc phải đi đầu trong thích ứng. Đây không chỉ là sự mở rộng địa giới, mà còn là một cấu trúc kinh tế mới, đòi hỏi doanh nghiệp phải trở thành đầu mối phân phối hiện đại, có khả năng điều phối chuỗi cung ứng cho cả nội địa lẫn xuất khẩu.
Vậy, SATRA sẽ dịch chuyển chiến lược kinh doanh như thế nào để tận dụng lợi thế vùng mới này?
Chúng tôi định hình lại mô hình hoạt động theo 3 hướng: mở rộng hệ thống bán lẻ với mô hình đa năng hơn, tái cấu trúc logistics và đầu tư công nghệ.
Trong xu thế bán lẻ hiện đại cạnh tranh khốc liệt, SATRA xác định phải định hình lại mô hình hoạt động để giữ vững thị phần và nâng cao khả năng phục vụ. Trước hết là mở rộng hệ thống bán lẻ dưới các mô hình hiệu quả hơn - không chỉ dừng lại ở cửa hàng thực phẩm truyền thống, mà còn đầu tư mô hình kết hợp giữa bán buôn, bán lẻ… nhằm tiếp cận sâu hơn các khu dân cư mới, khu công nghiệp và vùng nông thôn. Chúng tôi đang nghiên cứu triển khai mô hình điểm bán vừa phục vụ người tiêu dùng cá nhân, vừa kết nối phân phối với các tiểu thương và hộ kinh doanh nhỏ trong khu vực. Cùng với đó, Trung tâm thương mại Bình Điền 2 sắp khởi công sẽ đóng vai trò trung tâm phân phối lớn, kết nối chuỗi cung ứng từ ĐBSCL đến vùng đô thị mở rộng. Ngoài ra, SATRA định hướng phát triển hạ tầng kho lạnh thông minh, logistics xanh và các trạm trung chuyển xanh để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế về kiểm soát phát thải và truy xuất nguồn gốc.
Hệ thống bán lẻ - vốn là thế mạnh truyền thống của SATRA sẽ được điều chỉnh như thế nào để thích ứng với thị trường và nhu cầu tiêu dùng mới?
SATRA không chỉ dừng lại ở các mô hình truyền thống như Satramart hay Satrafoods, mà đang chuyển sang mô hình bán hàng đa kênh, đa điểm chạm nhằm tích hợp trải nghiệm mua sắm online và offline một cách liền mạch. Hệ thống phân phối sẽ được mở rộng tới các khu công nghiệp, vùng ven và khu vực nông thôn thông qua các mô hình linh hoạt như: bán lẻ lưu động, mini hub, cửa hàng tiện lợi 24/7, tùy đặc thù từng khu vực dân cư. Những điểm bán này đều được tích hợp công nghệ để gia tăng hiệu quả vận hành. Cùng đó, SATRA hợp tác với FPT xây dựng chiến lược chuyển đổi số đến năm 2030, trong đó tập trung ứng dụng AI và phân tích dữ liệu lớn để cá nhân hóa hành vi tiêu dùng. Trong bối cảnh cạnh tranh số, doanh nghiệp nào không vận hành bằng dữ liệu sẽ bị bỏ lại phía sau.
Song song với việc phát triển mô hình hiện đại, chúng tôi hướng tới việc tăng cường sự hiện diện tại các khu dân cư mới nổi, đặc biệt là các khu đô thị vệ tinh quanh TPHCM. Tại đây, SATRA sẽ triển khai các mô hình phù hợp với thói quen tiêu dùng địa phương như: hệ thống cửa hàng tiện ích tích hợp dịch vụ tài chính nhỏ, điểm giao nhận hàng thương mại điện tử và khu vực dùng thử sản phẩm. Mô hình kết hợp giữa bán buôn và bán lẻ cũng đang được nghiên cứu để đáp ứng đồng thời nhu cầu người tiêu dùng cá nhân và các đơn vị kinh doanh nhỏ, tiểu thương. Như vậy, không chỉ là điểm bán hàng, SATRA sẽ đóng vai trò trung gian kết nối giữa nhà sản xuất và người dùng cuối, tạo nên một hệ sinh thái bán lẻ linh hoạt, đáp ứng nhanh với biến động của thị trường.

Trở thành doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu
Dựa trên những bước chuyển đổi đang triển khai, mục tiêu trở thành doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu vào năm 2030 sẽ được SATRA cụ thể hóa ra sao, thưa ông?
Chúng tôi xác định phải tham gia chủ động vào các chuỗi cung ứng quốc tế, xây dựng thương hiệu hàng xuất khẩu mạnh và phát triển hệ thống phân phối nội địa thông minh. Một số công ty thành viên như Cofidec đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Trung Đông. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, ưu tiên những nước đã ký FTA như Trung Đông, châu Phi, EU; đầu tư vào kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ xây dựng nhãn hàng riêng cho các nhóm sản phẩm chủ lực như thực phẩm chế biến, nông sản và thủy sản nhằm gia tăng giá trị, giảm phụ thuộc vào gia công. Mặt khác, chúng tôi cũng chủ động tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua hợp tác với đối tác nước ngoài, tận dụng lợi thế hạ tầng logistics mới như cảng Cái Mép - Thị Vải và hệ thống kết nối vùng của TPHCM mở rộng.
Thị trường nội địa vẫn được xem là “cứu cánh” giữa những biến động toàn cầu. Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò này?
Thị trường nội địa luôn là nền tảng chiến lược. SATRA sẽ mở rộng hệ thống điểm bán thông minh theo từng đặc thù khu vực: tại khu đô thị mới sẽ phát triển cửa hàng tiện lợi 24/7 tích hợp công nghệ; tại các khu công nghiệp, chúng tôi triển khai mô hình mini hub phục vụ công nhân và tiểu thương; ở vùng ven và nông thôn sẽ ưu tiên điểm bán lưu động hoặc chợ phiên hiện đại để tăng khả năng tiếp cận của người dân với hàng hóa thiết yếu. Tất cả các điểm bán đều tích hợp công nghệ để nâng cao hiệu quả vận hành và trải nghiệm người tiêu dùng.
Song song đó, chúng tôi tập trung nâng cao trải nghiệm tiêu dùng bằng các tiện ích hiện đại như quầy tự thanh toán (self-checkout), ứng dụng tích điểm khách hàng thân thiết, dịch vụ giao hàng nhanh, ki ốt tra cứu thông tin và xây dựng không gian mua sắm xanh. Các cải tiến này đã góp phần tăng tỷ lệ khách hàng quay trở lại từ 15-20% tại nhiều điểm bán.
Ngoài ra, SATRA xây dựng mạng lưới cung ứng xanh và minh bạch bằng cách đẩy mạnh liên kết với nhà cung cấp đạt chuẩn, mở rộng vùng nguyên liệu và đầu tư vào trung tâm sơ chế vệ tinh. Chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất - chế biến - phân phối giúp kiểm soát chất lượng, minh bạch nguồn gốc và ổn định giá hàng hóa, tiết kiệm chi phí logistics.
Với vai trò doanh nghiệp nhà nước, ông có kiến nghị gì để SATRA phát triển hiệu quả hơn?
Để phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, SATRA cần được trao cơ chế linh hoạt hơn. Thứ nhất là cơ chế chủ động vốn. Doanh nghiệp cần được phép giữ lại một phần lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư, nhất là đầu tư vào hạ tầng bán lẻ và logistics. Nếu bị ràng buộc quá chặt về tài chính, doanh nghiệp nhà nước rất khó xoay xở trước những biến động của thị trường. Thứ hai là chính sách ưu đãi đầu tư vào logistics và chuỗi cung ứng xanh. Đây không còn là đề xuất mà là đòi hỏi bắt buộc, khi các rào cản thương mại xanh như CBAM từ châu Âu đang tác động ngày càng rõ nét đến hàng hóa xuất khẩu. Các dự án chiến lược như Trung tâm Bình Điền 2 hay SATRA - Tax Plaza cần được xem xét ưu tiên về quỹ đất, thuế và chuyển đổi số để tạo động lực phát triển lâu dài.
Cuối cùng là cải cách thủ tục đầu tư. Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước mất rất nhiều thời gian để hoàn tất các thủ tục thẩm định đất đai, phê duyệt tài sản công, trong khi doanh nghiệp tư nhân và FDI có thể triển khai nhanh trong vài tuần. Chúng tôi đề xuất một cơ chế dựa trên nguyên tắc “tin tưởng - giao quyền - giám sát”, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhà nước có thể linh hoạt, kịp thời tận dụng cơ hội đầu tư và chuyển đổi mô hình theo yêu cầu của thị trường.
Nếu phải mô tả SATRA năm 2030 trong một câu ngắn gọn, ông sẽ nói gì?
Một doanh nghiệp có năng lực dẫn dắt chuỗi cung ứng Việt Nam ở cả thị trường nội địa lẫn quốc tế.