Dân hiểu Thủ tướng, Thủ tướng hiểu dân

Ngay khi buổi đối thoại trực tuyến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với nhân dân kết thúc, nhóm phóng viên chính trị Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến của người dân TPHCM xung quanh sự kiện này.

Ông Phan Ngọc Nam
(quận 4, TPHCM)

Tôi tin Thủ tướng

Tôi tâm đắc với câu trả lời của Thủ tướng là: Để chọn người có tâm có tài vào bộ máy nhà nước không có cách nào khác là phải dân chủ. Tất nhiên, đây là câu nói không mới, nhiều quan chức đã nói. Nhưng với sự trả lời trực tiếp của Thủ tướng, tôi tin tình hình sẽ có nhiều chuyển biến.

Theo tôi dân chủ trong lựa chọn con người là phải đưa công tác làm tổ chức hiện tại của chúng ta về đúng với chức năng bản chất của nó: ai làm được, làm tốt thì bố trí công tác, ai không làm được phải chịu quy luật đào thải. Chấm dứt ngay tình trạng “lỡ” vào rồi không “ra” được. Tôi hy vọng sau cuộc giao lưu này, Thủ tướng sẽ thấy được lòng dân ẩn trong hơn 20.000 câu hỏi gửi đến, đó là con người trong bộ máy, tình hình đất nước … Tôi cũng tin rằng Thủ tướng không phải là người cổ xúy cho hiện tượng cái gì không làm được là đổ lỗi cho cơ chế nhưng quên rằng cơ chế này là do con người làm ra.

Vì thế tôi có một niềm tin mãnh liệt là khi Thủ tướng đã có quyền chọn cho mình một bộ máy làm việc hiệu quả thì cũng có quyền thay thế, cách chức nếu thấy cán bộ đó tỏ ra không phù hợp, không đáp ứng sự đòi hỏi của dân, của xã hội.

Phạm Thanh Phương
(389/9/1 Trần Hưng Đạo, quận 5)

Vị Thủ tướng đầy bản lĩnh!

Thủ tướng đã thể hiện mình là người có bản lĩnh, thẳng thắn, chân tình và dũng cảm khi trả lời những lĩnh vực gai góc, “nhạy cảm”, nhất là những vấn đề liên quan đến đời tư. Nói về dư nợ, lâu nay tôi cứ nghĩ đây là lĩnh vực “bí mật quốc gia”, vậy mà Thủ tướng “bật mí” là tổng dư nợ năm 2006 của Chính phủ quy ra đô-la Mỹ là 22 tỷ đô-la. Nhưng Thủ tướng cũng giải thích cho người dân thấy rằng, nợ nước ngoài và phần ngân sách trả nợ của chúng ta vẫn đang trong hệ số an toàn.

Như thế là đã giải tỏa nỗi băn khoăn cho người dân. Như đã hứa với người dân là “không né tránh bất kỳ vấn đề nào”, Thủ tướng giải thích thẳng thắn về việc “có con đi học ở Mỹ” và trả lời rất hay “vì sao đưa con đi học ở một nước vốn trước đây là kẻ thù của Việt Nam trong những năm chiến tranh”. Đúng là ông không né tránh, không hề e ngại, có gì nói thế. Sự công khai, minh bạch về đời tư của mình đã giúp người dân hiểu hơn về con người ông với tư cách là một người cha trong gia đình. Tôi càng khâm phục tính cách của ông, khi ông nói: “Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực; ghét nhất, giận nhất là sự giả dối”.

Nguyễn Hữu
(phường 12, quận Tân Bình)

Thủ tướng chân tình...

Theo dõi nội dung giao lưu trực tuyến giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với người dân qua mạng, tôi nhận thấy Thủ tướng đã trả lời rất có lý, có tình. Điều đó thể hiện bản lĩnh của vị nguyên thủ quốc gia và tạo niềm tin mới cho người dân về tương lai của đất nước. Nhiều câu hỏi khá gây “sốc” của người dân về công tác chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy chính quyền các cấp đã được Thủ tướng khẳng định: Việc chống tham nhũng không bị ai cản trở và không có “vùng cấm” nào cả!

Nhờ có cuộc trò chuyện này tôi cũng như nhiều người dân khác đã hiểu về ông hơn. Ông là người chiến sĩ dũng cảm năm xưa (với 4 lần bị thương và hơn 30 vết thương trên mình, là thương binh hạng 2/4) và nay lại là người dũng cảm trên thương trường quốc tế trong thời kỳ đổi mới và đang lèo lái con thuyền dân tộc ta vươn ra biển lớn kể từ khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO.

Từ cuộc giao lưu đầy ý nghĩa này, hy vọng rằng thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và các cán bộ cao cấp khác của ta nên có những cuộc trò chuyện thân mật cởi mở, công khai minh bạch để người dân và quan chức nhà nước thật sự xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn, đoàn kết một lòng xây dựng đất nước. 

NHÓM PV CHÍNH TRỊ

- Thưa Thủ tướng, có tờ báo đưa tin ngài có 2 con đi học ở Mỹ và con gái ngài có chồng Việt kiều. Điều đó có làm ảnh hưởng đến ngài không? (Nguyen Chi Hieu - TPHCM)

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thông tin này là không đúng. Tôi chỉ có người con trai đi học và đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học tại Hoa Kỳ như vừa nói trên. Con gái tôi không có đi học ở Hoa Kỳ. Cháu đang làm việc tại TPHCM, cháu chưa lập gia đình.

- Thưa Thủ tướng, qua báo chí, tôi được biết Ngài là người đã cầm súng chiến đấu chống Mỹ, rất căm thù Mỹ. Ngài nghĩ gì khi cho con trai mình sang du học tại Mỹ?
(Jeremy Taylor)

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đúng, tôi có 23 năm trong quân đội, trong đó có 13 năm trực tiếp chiến đấu chống xâm lược Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Chúng tôi, những người lính chiến đấu trên chiến trường, cũng như mọi người công dân Việt Nam lúc đó rất căm thù nhà cầm quyền hiếu chiến và đội quân xâm lược Mỹ đã chiếm đóng, đã gây biết bao đau thương tang tóc cho đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Riêng tôi, tôi đã có 4 lần bị thương, với hơn 30 vết thương và là thương binh hạng 2/4.Cha tôi, chú tôi, cậu tôi cũng hy sinh trong cuộc chiến đấu chống xâm lược này.

Chúng tôi căm thù nhà cầm quyền hiếu chiến và quân đội xâm lược Mỹ, nhưng chúng tôi không căm thù nhân dân Mỹ, không căm thù cả nước Mỹ. Chúng tôi vẫn cảm ơn những người dân Mỹ đã xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi vẫn chia sẻ nỗi đau mất chồng, mất con trong cuộc chiến tranh xâm lược trên chiến trường Việt Nam của các bà mẹ Mỹ. Chúng tôi thật sự xúc động khi người thanh niên Mỹ tự thiêu tại Washington để phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Con trai tôi là cán bộ của Trường Đại học Kiến trúc, cháu được trường và Bộ Giáo dục-Đào tạo cử đi học tập nghiên cứu và đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học chuyên ngành về xây dựng công trình dân dụng tại một trường đại học ở Hoa Kỳ. Hiện nay, cháu đang phụ trách đào tạo sinh viên sau đại học của Trường Đại học Kiến trúc TPHCM. Cháu được kết nạp vào Đảng khi còn là sinh viên và là Bí thư Chi đoàn, Phó Bí thư Chi bộ Đảng của lưu học sinh trong thời gian học tập ở Hoa Kỳ. Kinh phí chi trả cho con tôi đi học là kinh phí của chương trình đào tạo tiến sĩ của Nhà nước ta. Khoa học, kỹ thuật nói chung và khoa học, kỹ thuật về kiến trúc, xây dựng công trình dân dụng nói riêng là thành tựu, là tiến bộ của loài người. Nó không phải và cũng không thể là thủ phạm của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Với tư cách là một quốc gia, một dân tộc, một người công dân Việt Nam chân chính, chúng ta không ai có thể và cũng không ai được quyền quên đi quá khứ đau thương của dân tộc mình. Nhưng với truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai để cùng xây dựng quan hệ hữu nghị vì hòa bình, hợp tác, phát triển và bình đẳng, cùng có lợi giữa hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam - Hoa Kỳ.

(TRẦN LƯU khai thác)

Tin cùng chuyên mục