Đánh giá học sinh toàn diện

Kết quả kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố năm học 2022-2023 do Sở GD-ĐT TPHCM vừa công bố mới đây cho thấy, số lượng học sinh đạt giải nhất, nhì, ba năm nay giảm mạnh so với 2 năm trước.

Cụ thể, toàn thành phố có 1.975 học sinh đạt giải trên tổng số hơn 4.000 thí sinh tham gia dự thi, đạt tỷ lệ chưa đến 40% - thấp hơn rất nhiều so với quy định số giải thưởng không vượt quá 60% số thí sinh dự thi. Trước đó, năm học 2020-2021, TPHCM có 3.629 học sinh đạt giải thưởng và năm học 2021-2022, con số này là 3.229 học sinh.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc, tỷ lệ học sinh đạt giải thưởng năm nay thấp hơn năm trước do việc dạy học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khiến chất lượng học sinh sụt giảm và không đồng đều giữa các trường học. Học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm nay là những học sinh đã trải qua 2 năm học trực tuyến, với điều kiện dạy học còn hạn chế. Bên cạnh đó, yêu cầu đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được các tỉnh, thành phố - trong đó có TPHCM - cụ thể hóa bằng việc xây dựng ma trận đề thi học sinh giỏi với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao nhằm đảm bảo tốt tính phân hóa. Trong bối cảnh đó, nếu giáo viên không chủ động đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn sẽ khiến kết quả dạy học chậm nhịp so với yêu cầu đổi mới.

Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), bày tỏ: “Ngoài việc chọn học sinh giỏi, kỳ thi còn là cơ hội giúp học sinh phát huy năng lực, phẩm chất và bản lĩnh học tập”. Cùng quan điểm, cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho biết, quá trình chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi thực ra là tự rèn luyện, giúp học sinh mở rộng kỹ năng, kiến thức để đạt những mục tiêu cao hơn trong học tập. Như vậy, kết quả kỳ thi học sinh giỏi không chỉ là thước đo chất lượng học sinh của một trường hay quận, huyện mà còn góp phần đánh giá hiệu quả thực hiện quá trình đổi mới dạy và học.

Hiện nay, việc đánh giá chất lượng học sinh phổ thông được triển khai qua nhiều hình thức như thi học sinh giỏi, cuộc thi khoa học kỹ thuật, giải toán trên máy tính cầm tay, thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học… Học sinh được tạo điều kiện tham gia nhiều sân chơi học thuật và năng khiếu ở nhiều lĩnh vực. Do đó, chất lượng đào tạo cần được đánh giá một cách toàn diện chứ không phải thông qua kết quả của một kỳ thi.

Tin cùng chuyên mục