Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Phim về người lính thời bình cần lộ trình tiếp cận khán giả

Sinh ra và lớn lên khi đất nước không còn khói súng, song giống như một cơ duyên, Đặng Thái Huyền luôn đắm đuối với dòng phim chiến tranh và hậu chiến, bởi với chị, đó là cơ hội để đi đến tận cùng của cảm xúc. 

Với Trung tá Đặng Thái Huyền, danh xưng nữ đạo diễn của dòng phim cách mạng vừa là ưu ái, là sự công nhận của người làm nghề, song cũng là áp lực để khẳng định, gắn bó với dòng phim đặc biệt này.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Phim về người lính thời bình cần lộ trình tiếp cận khán giả ảnh 1 Đạo diễn Đặng Thái Huyền
PHÓNG VIÊN: Nhiều người cho rằng, làm phim về quân đội, về chiến tranh đều là những dòng phim đặt hàng. Vì lẽ đó, người làm phim sẽ không phải chịu nhiều áp lực về bán vé, doanh thu. Chị nghĩ gì nhận định này?

Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Đây là nhận định đã ăn sâu từ lâu trong suy nghĩ của mọi người. Thật ra, chính tôi rất thèm muốn cảm giác đưa dòng phim đề tài chiến tranh cách mạng đến với khán giả bằng việc chiếu rộng rãi trên các hệ thống rạp, chịu áp lực về phòng vé và doanh thu. Tại sao lại không tự tin nếu phim được đầu tư tốt, xứng tầm và được thực hiện bởi ê kíp tâm huyết, yêu nghề. Đừng nghĩ không phải bán vé, lo doanh thu, sẽ giúp cho những nghệ sĩ theo đuổi dòng phim này thấy yên tâm. Chính điều đó khiến áp lực trên đôi vai chúng tôi càng nhân lên bội phần.

Áp lực từ định kiến của khán giả và xã hội, cho rằng chúng tôi đang sử dụng ngân sách nhà nước, tiền thuế của nhân dân để thực hiện những bộ phim chỉ chiếu trong các dịp lễ tết, rồi cất kho. Trong khi đó, nghệ sĩ nào cũng muốn bộ phim với bao công sức và tâm huyết của cả ê kíp đến được với đông đảo công chúng. Nhưng việc công chiếu rộng rãi hay không lại không nằm ở mong muốn hay quyết định của chúng tôi. Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là làm phim. 

Dòng phim chiến tranh ngày càng ít, phải chăng kịch bản đã cạn ý tưởng, không thể vượt qua những người đi trước, hay do khán giả đã không còn thích đề tài này nữa?

Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Chúng ta chưa có một lộ trình, một cơ chế bài bản nào cho dòng phim này. Vài đơn đặt hàng phim nhỏ lẻ trong một đôi năm rồi ngắt quãng, giống như một cánh én chẳng gồng gánh nổi mùa xuân. Phải chờ dịp lễ, dịp kỷ niệm nào đó mới có phim sản xuất. Đừng đổ lỗi cho khán giả không thích đề tài này. Nhiều khi phim đã phát hành âm thầm từ lâu mà khán giả chưa từng biết đến. 

Phim về đề tài chiến tranh, hậu chiến, kinh phí luôn cao hơn rất nhiều so với các phim đề tài hiện đại, nhưng sự đầu tư lại hạn chế. Rạp không mặn mà… Rất nhiều lý do và chưa có lý do nào được giải quyết triệt để, thỏa đáng. Có thể vì vậy, dòng phim này đã và đang ngày càng vắng bóng. Thật buồn, một đất nước có nhiều chiến thắng thần thánh và vĩ đại như đất nước ta, với rất nhiều câu chuyện và số phận hay, phải có nhiều tác phẩm về nó. 

Làm phim về quân đội, về người lính trong thời chiến, hậu chiến đã khó, nhưng hình tượng của người lính thời bình xuất hiện trong điện ảnh còn ít hơn... 

Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Với suy nghĩ của cá nhân tôi, có thể khi đặt hình ảnh người lính trong cuộc chiến khốc liệt, bi hùng, chất hào sảng, anh hùng ca của họ sẽ hiện lên rõ nét hơn. Thời bình, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hình ảnh người lính âm thầm, lặng lẽ cống hiến, hy sinh khiến các chiến công của họ khó làm cho các nhà làm phim khắc họa, lột tả hết chăng?

Song theo tôi, có lẽ vướng mắc ở chỗ cần một lộ trình để các dòng phim, dù là người lính thời chiến hay thời bình, có thể tiếp cận tối đa với khán giả. Và các tác phẩm đó phải được nhìn nhận, xây dựng dưới nhiều góc độ, kể cả góc khuất (không chỉ đơn giản là tung hô, ngợi ca), chứ không chỉ thực hiện nhân ngày kỷ niệm rồi cất đi. 

Dòng phim này hay bị “soi”, bị so sánh và có quá nhiều “lằn ranh” khó có thể bước qua trong suy nghĩ của khán giả, của người làm nghệ thuật và cả những hội đồng xét chọn giải thưởng. Vì thế, người chọn đề tài này sẽ chịu thiệt vì những hạn chế trong sáng tạo nghệ thuật, cũng như trong các cuộc đua giành giải thưởng... 

Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Chúng tôi hay nói vui nhau thế này: Phim về đề tài hiện đại chỉ có hay, hoặc không hay? Còn phim về đề tài chiến tranh cách mạng còn phải xét đúng, hay không đúng? Đúng, đủ chưa chắc đã hay. Không đúng, sáng tạo, có thể hay nhưng lại sai về mặt nhận thức lịch sử, chính trị. Thế nên, áp lực, mệt mỏi là điều không tránh khỏi. Còn về giải thưởng, chắc chưa có ai theo đuổi dòng phim này lại nghĩ đến nó đầu tiên đâu.

Vì làm xong, duyệt xong, được thông qua, được công nhận là không sai lệch về lịch sử đã nhẹ nhõm lắm rồi. Còn hay lại nằm ở câu chuyện nhà làm phim có lách được giữa “lằn ranh” đúng, đủ để thổi vào đó những dấu ấn cá nhân, những sáng tạo mới mẻ, để mềm hóa, thi vị hóa dòng phim vốn được coi là khô khan, chính luận. Tôi không đang đối mặt với các mâu thuẫn mà tôi đang đối mặt với những áp lực của chính mình để vượt qua được “lằn ranh” đó. 

Một thời gian khá dài khán giả không thấy cái tên Đặng Thái Huyền được nhắc tới. Có khi nào áp lực đã khiến đam mê với các dự án phim chiến tranh cách mạng của chị dừng bước?

Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Bạn bè, đồng nghiệp cũng từng thắc mắc. Thực lòng, tôi không muốn bấm máy nếu tôi biết nó không được đầu tư đủ để có thể ra một tác phẩm ưng ý. Tôi đang trong chặng dừng nghỉ đầu tiên trong sự nghiệp làm phim miệt mài rất nhiều năm của mình. Song, năm tới tôi sẽ quay lại với một bộ phim truyện. Tôi mong là mình sẽ tiếp tục lách qua được “lằn ranh” mong manh như tôi đã từng với Người trở về, 13 bến nước… 

Tin cùng chuyên mục