Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Tư duy nghệ thuật cần sự kết nối không biên giới

Tốt nghiệp thạc sĩ Văn học Việt Nam xong mới sang học đạo diễn điện ảnh, chính điều này làm nên sự sâu sắc, đậm văn hóa Việt trong các chương trình do Hoàng Nhật Nam làm đạo diễn. 
Việc anh nhận lời làm đạo diễn chương trình nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ” lần nữa tạo được chú ý và cả sự tò mò với giới truyền thông, về độ hoành tráng của sân khấu và đội ngũ diễn viên tham gia chương trình.
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Tư duy nghệ thuật cần sự kết nối không biên giới ảnh 1 Đạo diễn Hoàng Nhật Nam
* PHÓNG VIÊN: Điều gì khiến anh nhận lời làm chương trình nghệ thuật thực cảnh Tinh hoa Bắc bộ, trong khi anh vốn sinh ra và lớn lên ở miền Trung?
- Đạo diễn HOÀNG NHẬT NAM: Đây quả thật là một thử thách bởi tôi phải có thời gian tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu rất nhiều để hấp thụ được những chất liệu đắt giá cho vở diễn sắp tới. Tôi đã tích lũy được kiến thức kha khá về văn hóa nghệ thuật các vùng miền. Bên cạnh đó, tôi mạnh dạn nhờ đến các chuyên gia như nhà sử học Dương Trung Quốc và Tổng biên tập Báo Tiền Phong - Lê Xuân Sơn để cố vấn kịch bản, nhằm đảm bảo tính đúng đắn và chính xác. Từ nhỏ tôi rất yêu thích các bài ca quan họ, nhưng công việc của đạo diễn bắt buộc tôi phải sống ở nhiều trạng thái, màu sắc và tư duy nghệ thuật rất cần sự kết nối không biên giới. 
* Khó khăn lớn nhất khi dàn dựng chương trình này và theo anh, sự độc đáo, điểm nhấn sẽ nằm ở đâu?
- Khó khăn lớn nhất là thời gian dàn dựng gấp rút trong khi quy mô vở diễn lại quá lớn, chủ đề chương trình hướng đến một phạm vi rộng, đòi hỏi sự cẩn thận chính xác và sự chuẩn bị vô cùng chi tiết. Khó khăn này cũng chính là thử thách và sự an toàn không còn tồn tại nữa. Là tổng đạo diễn khiến tôi có ý thức nâng niu từng thời khắc trôi qua. Sự độc đáo và điểm nhấn của chương trình có lẽ là sự gần gũi của tác phẩm với thiên nhiên, cây cỏ, mây nước và con người. Ở đó các yếu tố “thiên”, “địa”, “nhân” giao hòa, thế giới giữa cõi thực và cõi mộng đan xen trong câu chuyện kể. Một chốn dung dị có, đài các có, hào hùng có, lãng mạn và diệu kỳ cũng có… Tôi nghĩ những lát cắt tinh hoa văn hóa Bắc bộ sẽ cho khán giả nếm thử nhiều vị, họ có thể thích, có thể chưa, nhưng tôi chắc chắn họ sẽ cảm thấy thú vị vì sự trải nghiệm. 
* Kinh nghiệm khi đạo diễn những chương trình lớn có giúp anh được gì khi thực hiện chương trình này?
- Là một đạo diễn nên thử sức mình ở nhiều địa hạt, để có thể khám phá chính bản thân và xem năng lực chính mình đến đâu. Trong tất cả các chương trình trước đây tôi từng đảm nhiệm, đều có dính dáng đến văn hóa các vùng miền, đặc biệt là Bắc bộ. Văn hóa các miền tuy có sự khác biệt, nhưng cũng có sự tiếp biến văn hóa theo dòng chảy của thời gian, của dòng người lưu lạc tứ xứ, gieo “hạt giống” tư duy nghệ thuật ở mỗi nơi đặt chân đến. Từ Thăng Long đến đất cố đô Thần kinh Huế rồi trôi về phương Nam - Sài Gòn Gia Định xưa, chất liệu văn hóa nghệ thuật dân gian này tôi đã “cày xới” ở các chương trình biểu diễn có quy mô và ý nghĩa khác nhau, đó cũng là một sự tìm hiểu và hình thành ý niệm cho riêng mình.
* Sau khi diễn tại Hà Nội, chương trình này lại tiếp tục chu du ở một số tỉnh thành phía Nam. Chương trình sẽ có điều gì khác hơn so với buổi diễn tại Hà Nội?
- Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng chuỗi chương trình biểu diễn mang đậm nét văn hóa của các vùng miền để quảng bá đến khách du lịch trong và ngoài nước. Tôi nghĩ đây là một hướng đi khá nhân văn khi hướng về các giá trị cội nguồn cốt lõi. Mỗi nơi sẽ là một kịch bản riêng, tên gọi khác gắn với câu chuyện văn hóa của từng địa phương. Sân khấu cũng sẽ có thiết kế khác để chuyển tải nội dung kịch bản cũng như phát huy hết công năng biểu diễn. Độ hoành tráng và dàn diễn viên theo đó cũng tương ứng nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng, số lượng và quy mô của chương trình. 
* Phần âm nhạc trong chương trình, sẽ sử dụng dàn nhạc hay nhạc thu sẵn?
- Do được tiếp nhận công tác đạo diễn và dàn dựng khá gấp, nên để đảm bảo độ an toàn và ổn định vở diễn, tôi đã quyết định sử dụng bản hòa âm sẵn để thuận tiện cho diễn viên làm quen với tuyến diễn. Phần nhạc cụ tôi chỉ điểm xuyết một vài cảnh diễn để thử nghiệm. Vào giai đoạn tiếp theo, tôi sẽ hoàn thiện hơn nữa tác phẩm và chú ý các chi tiết, nâng cao sự tinh tế để lấy lòng khán giả nhiều hơn. Trong đó chú ý đến việc chơi “sống” các nhạc cụ. 
* Theo anh, điều làm nên thành công của mình là gì?
- Nghề đạo diễn là nghề “làm dâu trăm họ”. Mỗi nghề đều có những khó khăn và vất vả cũng như đặc thù riêng, để hóa giải rất cần sự chân thành và cái tâm thiện. Có lòng thành thì có thể lay động cả trời đất, nắng mưa. Tôi tin vào điều này. Hiện tôi chưa nghĩ rằng mình đã thành công trong nghề mà chỉ mới là sự nhập cuộc khá suôn sẻ. Điều đó có được là nhờ những quý nhân giúp đỡ cộng với sự nỗ lực, chăm chỉ và nghiêm túc của bản thân trong công việc. Tôi quan niệm, đã làm là phải làm hết lòng.

Tin cùng chuyên mục