Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn: Lại đưa kịch lịch sử đến với thiếu nhi

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn: Lại đưa kịch lịch sử đến với thiếu nhi

Từ ngày 15-8, Sân khấu số 7 Trần Cao Vân của ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn (ảnh) luân phiên biểu diễn 3 vở kịch: “Trần Quốc Toản ra quân”, “Sơn Tinh, Thủy Tinh” và “Thánh Gióng” phục vụ thiếu nhi. Đây là dự án dài hơi được đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn thực hiện, nhằm giúp các em thiếu nhi hiểu rõ và cảm nhận sâu sắc hơn về lịch sử Việt Nam, về các anh hùng dân tộc, góp phần nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi trẻ em. Dịp này, PV Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện cùng ông bầu – đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn.

° Phóng viên: Anh có thể chia sẻ đôi điều về dự án kịch lịch sử dành cho thiếu nhi?

° Đạo diễn HUỲNH ANH TUẤN: Chúng tôi từng làm kịch lịch sử cho người lớn và trẻ em cách đây đã lâu và làm khá thường xuyên. Đặc biệt, chúng tôi luôn quan tâm đến đối tượng khán giả nhỏ tuổi, vì trước hết đó trách nhiệm của những người làm nghệ thuật, hơn nữa đó là cách truyền đạt, giáo dục rất sinh động những bài học lịch sử cho các em thiếu nhi, giúp các em nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật dân tộc, lòng yêu nước. Theo tôi, cần thiết phải tập luyện cho trẻ ngay từ nhỏ biết yêu nghệ thuật truyền thống, hiểu thế nào là yêu nước, thế nào là giặc, là thù, là điều thiện - ác…

Trong thực tiễn, cần phải sử dụng biện pháp tuyên truyền, giáo dục lịch sử sinh động thông qua các loại hình nghệ thuật, mà kịch nói được xem là một hình thức tuyên truyền trực quan, gần gũi, giúp các em dễ tiếp cận, dễ cảm nhận nhất. Ở nước ngoài, trẻ em được dạy, truyền đạt tình yêu âm nhạc thính phòng khi tuổi còn rất nhỏ với rất nhiều băng đĩa nhạc giao hưởng thính phòng dành cho trẻ em được biên soạn bài bản, công phu. Các em nghe nhiều từ từ sẽ thấm sâu vào tâm thức, vào trái tim, tạo nên tình yêu và niềm đam mê âm nhạc. 

Với nước mình, rất cần hướng cho các em yêu thích nghệ thuật dân tộc, yêu lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha. Chúng tôi đã có sẵn tác phẩm, có sẵn người biểu diễn, bây giờ chỉ chờ đợi ai sẽ hỗ trợ, đầu tư, ai đứng ra tổ chức. Với loại hình này, chúng tôi có thể bán vé, nhưng như thế chưa phải là cách tuyên truyền kịch lịch sử tốt nhất. Trường học là môi trường tốt nhất để đưa kịch lịch sử vào tuyên truyền, giáo dục và việc này nên được làm thường xuyên.
 
° Trước đây anh từng thực hiện đề án “Đưa kịch lịch sử vào học đường”, nhưng chỉ được một thời gian rồi ngưng, nay lại làm tiếp dự án mới - diễn kịch lịch sử thiếu nhi, liệu dự án nghệ thuật này có duy trì được lâu dài?
 
° Những năm trước, khi thực hiện đề án “Đưa kịch lịch sử vào học đường”, tôi gặp rất nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan và nhất là vấn đề kinh tế, nên đề án rất có ý nghĩa này chỉ làm được một thời gian rồi dừng. Tuy nhiên, những ấp ủ, trăn trở về kịch lịch sử phục vụ thiếu nhi vẫn luôn còn đó, luôn day dứt trong tôi cũng như anh em nghệ sĩ nặng lòng với nghệ thuật, với các em nhỏ. Đến nay, khi có điều kiện và hoàn cảnh phù hợp, tôi quyết định phải thực hiện bằng được và cố gắng để dự án được duy trì lâu dài. Trước mắt, chúng tôi tái dựng 3 vở kịch lịch sử có sẵn: Trần Quốc Toản ra quân, Thánh Gióng và Sơn Tinh, Thủy Tinh (kinh phí tái dựng là 50 triệu đồng/vở). Các vở kịch sẽ luân phiên trình diễn vào các sáng chủ nhật tại Sân khấu số 7 Trần Cao Vân, quận 1, TPHCM với giá vé 40.000 - 50.000 đồng/vé.

Mặt khác, tôi cũng gấp rút tìm tác giả để đặt viết thêm các vở mới về những nhân vật lịch sử, như: Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… để bổ sung kịch mục biểu diễn thêm phong phú. Tôi cũng sẽ làm đề án và thư ngỏ gửi Sở VH-TT-DL TPHCM và Sở GD-ĐT TPHCM, đặt vấn đề hỗ trợ phần nào kinh phí để chúng tôi có thể làm thật tốt dự án này.
 
Chúng tôi luôn sẵn sàng đưa kịch lịch sử thiếu nhi xuống tận các trường biểu diễn cho các em học sinh xem với giá chỉ 20.000 đồng/vé. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn tổ chức được một buổi tọa đàm có sự hiện diện của các cơ quan chức năng và các nhà thiếu nhi, Ban giám hiệu các trường học… để có cùng tiếng nói, sự tâm huyết trong việc đưa kịch lịch sử vào các trường học. Tôi cũng sẽ liên hệ thêm với một số đối tác ở các quận, huyện để đưa các vở kịch lịch sử đến nhiều nơi biểu diễn.

° Dường như anh còn ấp ủ rất nhiều dự án khác?

° Tôi đang “gây men” kịch lịch sử thiếu nhi cho sân khấu ở miền Trung, diễn kịch lịch sử tại sân khấu kịch thiếu nhi Đà Nẵng. Bên cạnh những vở kịch lịch sử, tôi và sân khấu kịch quận 1 tiếp tục duy trì các suất diễn kịch cổ tích. Khoảng 2 - 3 tháng nữa tôi sẽ thực hiện mô hình mới là múa rối - kịch, diễn trong không gian nhỏ, ở các phòng học, trong trường học… giúp người xem cảm nhận được sân khấu rất gần gũi. Bắt đầu từ những vở kịch ngắn đơn giản, mang tính lưu động, tôi mong muốn nuôi dưỡng được một lớp khán giả tương lai cho sân khấu kịch. Song song với những vở kịch lịch sử thiếu nhi lấy việc tái diễn các vở kịch lịch sử dành cho người lớn như: Bí mật vườn Lệ Chi, Vua Thánh triều Lê, Ngàn năm tình sử…

Tôi cũng đã trao đổi với nghệ sĩ Bạch Long về dự án sân khấu cải lương dành cho thiếu nhi. Qua dự án này, sẽ tạo điều kiện cho các em lứa tuổi mẫu giáo tiếp cận với sân khấu cải lương thiếu nhi để 5-10 năm sau, cải lương sẽ là một trong những món ăn tinh thần được các em quan tâm, yêu thích. Ngoài ra, tôi còn có dự định đầu tư xây dựng nhà hát múa rối nước ở Hội An để phục vụ khán giả trong và ngoài nước… Tuy nhiên, cũng nhiều năm rồi, tôi cứ “chiến đấu” lẻ loi một mình nên đôi lúc cũng cảm thấy nản. Lần này hy vọng dự án kịch lịch sử thiếu nhi sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ, tiếp sức để tiếp tục giữ lửa nghề và thổi bùng ngọn lửa tình yêu quê hương đất nước trong từng tâm hồn, trái tim trong sáng của khán giả nhỏ tuổi.
 
° Cảm ơn và chúc anh thành công!

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục