Đạo diễn Lan Phương: Tôi bị mê hoặc bởi phim tài liệu

Hiện nay, bộ phim “Khóc mướn” do Lan Phương đạo diễn đang được chiếu tại 10 trường đại học của Mỹ. Chị từ chối lời mời sang Mỹ giao lưu vì quá bận rộn với một dự án phim tài liệu trong nước. Ngoài công việc đạo diễn phim tài liệu, chị còn biên soạn sách điện ảnh. Cuốn “Từ vựng điện ảnh Anh – Pháp – Việt” là cuốn sách điện ảnh đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực này…
Đạo diễn Lan Phương: Tôi bị mê hoặc bởi phim tài liệu

Hiện nay, bộ phim “Khóc mướn” do Lan Phương đạo diễn đang được chiếu tại 10 trường đại học của Mỹ. Chị từ chối lời mời sang Mỹ giao lưu vì quá bận rộn với một dự án phim tài liệu trong nước. Ngoài công việc đạo diễn phim tài liệu, chị còn biên soạn sách điện ảnh. Cuốn “Từ vựng điện ảnh Anh – Pháp – Việt” là cuốn sách điện ảnh đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực này… 

- Phóng viên: Cơ duyên nào dẫn dắt chị chọn công việc đạo diễn phim tài liệu làm sự nghiệp của mình?

- Đạo diễn LAN PHƯƠNG: Nếu nói rằng tôi chọn công việc đạo diễn phim tài liệu thì chưa hẳn đã đúng. Cơ duyên đến với tôi lần đầu tiên vào năm 2002, lúc đó tôi chuẩn bị bước vào năm cuối cùng của Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh (bây giờ là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh).

Khi ấy, tình cờ tôi đọc được một bài phóng sự trên báo Tuổi Trẻ kể về một làng sống trên sông Hồng thuộc huyện Thụy Khê, tỉnh Vĩnh Phúc. Cuộc sống của những người dân ở đây đầy thăng trầm, khó khăn, bất hạnh, bởi họ không có lấy một tấm giấy tùy thân. Đồng cảm với số phận của những con người này, tôi quyết định rủ rê một bạn học quay phim cùng hợp tác.

Tôi may mắn được một người thầy dạy cho bộ môn ánh sáng, người tôi chưa từng được học và cũng chỉ mới gặp thoáng qua 2 lần, là thầy Nguyễn Văn Hợp. Thời đó máy quay kỹ thuật số còn rất hiếm hoi. Biết thầy và nhà nhiếp ảnh Huy Hoan mới mua được máy quay Panasonic, chúng tôi mạnh dạn bày tỏ ý định của mình, sau buổi trò chuyện thầy nói: “Thầy tin tưởng và chờ đợi ở em một tác phẩm mang một hơi thở không chỉ đẹp về hình ảnh mà có câu chuyện súc tích như em đã nói với tôi”. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn biết ơn thầy đã tin tưởng và tiếp sức cho tôi.

Sau khi tác phẩm đầu tay “Lời tự tình của dòng sông” phát sóng, tôi nhận được học bổng du học Pháp. Thực ra bộ phim đó mới chỉ là cảm xúc nhất thời của tôi đối với phim tài liệu. Lúc ấy, tôi chưa định hướng con đường mình sẽ đi một cách rõ ràng.

Các thầy ở Pháp mới là người khiến tôi mê hoặc phim tài liệu. Họ đã truyền cho tôi sự đam mê theo đuổi con đường này.

- Đạo diễn vốn là công việc dành cho nam giới, lĩnh vực phim tài liệu càng hiếm nữ đạo diễn. Đó là một công việc đòi hỏi sự độc lập, lăn xả và thu nhập lại thấp, tại sao chị vẫn chọn con đường gai góc như vậy?

- Tôi thấy làm phim tài liệu có một số điều kiện phù hợp với tôi. Thứ nhất, gọn nhẹ về khâu tổ chức. Thứ hai, kinh phí làm phim tài liệu thường thấp hơn nhiều so với phim truyện. Thứ ba, tôi có thể làm việc độc lập, ít bị chi phối bởi nhà sản xuất.

Trong nghệ thuật, tự do sáng tạo luôn được ưu tiên và là khát vọng đối với người nghệ sĩ. Tôi quan niệm, giá trị của phim tài liệu là phải mang hơi thở của thời đại. Tôi yêu tính chân thực ở mọi góc độ mà cuộc sống đang diễn ra. Khi làm phim, tôi tự xem mình đóng vai trò vừa là chứng nhân, vừa là sứ giả. Qua tác phẩm, tôi có cơ hội kể lại những câu chuyện bằng góc nhìn của chính tôi. Khẩu hiệu làm nghề của tôi có thể tóm lược trong bốn chữ “Mê - Tin - Quyết - Làm”.

Một cảnh làm phim Khóc mướn của đạo diễn Lan Phương.

Một cảnh làm phim Khóc mướn của đạo diễn Lan Phương.

- Thậm chí cả khi phim tài liệu là thể loại không được số đông khán giả quan tâm…

- Ở các nước phương Tây, phim tài liệu được đa số khán giả quan tâm. Họ xem phim tài liệu như một món ăn tinh thần ưa thích. Họ thường có sẵn những kênh riêng để phát thể loại này song song với các kênh giải trí khác. Điều đó tạo nên sức cạnh tranh của các nhà làm phim tài liệu. Còn ở Việt Nam, không thể trách khán giả được khi họ ít quan tâm đến thể loại này. Nguyên nhân một phần do những người làm nghề, khả năng thu hồi vốn thấp dẫn đến lý do các nhà sản xuất ở Việt Nam ngần ngại đầu tư vào phim tài liệu. Nhưng phim tài liệu đã trở thành cái nghiệp, thành ra tôi buộc phải kiên nhẫn. Có những dự án, tôi phải theo đuổi đến 4-5 năm. Mỗi nghề đều có khó khăn và thuận lợi. Với phim tài liệu, yếu tố rủi ro không phải không có…

Lan Phương là đạo diễn thuộc thế hệ 7X. Chị là một trong những đạo diễn phim tài liệu Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài (Trường điện ảnh “École Nationale Superieur des Métier de l’image et du son La Femis” - Pháp).

10 năm với hơn 30 bộ phim, trong đó không hiếm những đề tài tạo nên những tác động tâm lý mạnh đối với người xem, có thể kể đến Khóc mướn, Make up cho người chết, Tiếng chuông đen, Ký ức mùi quê…

Tác phẩm của chị từng được giải thưởng và trình chiếu tại các liên hoan phim Quốc tế dành cho phim tài liệu tại một số nước như: Pháp, Ba Lan, Canada, Bỉ...

- Sự bắt đầu với mỗi tác phẩm của chị là gì?

- Tôi là một người tò mò. Chính sự tò mò là xuất phát điểm giúp tôi tìm cách tiếp xúc với các nhân vật của mình. Những câu chuyện của họ luôn khiến tôi bị ám ảnh. May mắn là tôi luôn có những cộng sự chia sẻ, đồng cảm với tôi. Khi làm phim Khóc mướn, cũng là phim mới nhất, chúng tôi đã khóc cùng các nhân vật…

- Chị cảm thấy hài lòng nhất với bộ phim nào của chính mình?

- Mỗi tác phẩm đều là một đứa con tinh thần. Không thể nói là mình yêu đứa nào hơn đứa nào. Mỗi phim tôi đều gửi gắm một tình yêu riêng và có một câu chuyện riêng về nó. Và mỗi phim tôi đều làm hết khả năng của mình. Còn với tác phẩm tâm đắc nhất, có lẽ đó là tác phẩm mà tôi chưa làm.

- Chị nghĩ sao về thế hệ những 8X, 9X chập chững ngấp nghé “cánh cửa” phim tài liệu?

- Trong nghệ thuật không có trẻ hay già. Những đồng nghiệp ít tuổi hơn tôi có lợi thế hơn chúng tôi vào thời điểm 10 năm trước lúc tôi mới vào nghề. Thiết bị bây giờ không hiếm hoi như thời của tôi. Nhờ sự phát triển của công nghệ, họ có thể làm phim bằng điện thoại di động hoặc máy quay du lịch... Tất nhiên với một máy quay chuyên nghiệp thì sẽ tốt hơn. Tôi hy vọng ngày càng có thêm nhiều đồng nghiệp mới dấn thân vào lĩnh vực làm phim tài liệu.

- Chị có thể bật mí về những dự án sắp tới?

- Hiện tại tôi đang chuẩn bị thực hiện hai dự án phim. Đây là lần đầu tiên tôi thử nghiệm thể loại Tài liệu - Truyện, tức là khai thác hiện thực kết hợp với tái hiện bối cảnh lịch sử. Nếu được sự ủng hộ và đồng thuận của tỉnh Bình Thuận, bộ phim về vụ thảm sát kinh hoàng trong thời kháng chiến chống Pháp, năm 1951, sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2011. Dự án thứ hai là đề tài về một phụ nữ là nạn nhân của chiến tranh

HÀ GIANG thực hiện 

Tin cùng chuyên mục