Đạo diễn Trần Đức Long trăn trở với làng nghề truyền thống của dân tộc

Tôi không chọn những đại cảnh hoành tráng mà đi sâu vào từng chi tiết của một làng nghề lâu đời. Từ khung cửi đã có hàng chục năm vẫn đang bền bĩ hoạt động, cho tới bờ sông phơi lụa trữ tình, đẹp mắt; tất cả mang đến sự hoài niệm về một quá khứ sôi nổi của làng nghề năm xưa.
Đạo diễn Trần Đức Long chỉ đạo diễn xuất trên phim trường
Đạo diễn Trần Đức Long chỉ đạo diễn xuất trên phim trường

Bộ phim truyền hình Lụa do TFS sản xuất, dài 31 tập đang phát sóng trên HTV7 đã đi hơn nữa chặng đường, khán giả yêu thích bộ phim được mãn nhãn với những cảnh quay đẹp, trang phục bối cảnh đầu tư chỉnh chu, cách thể hiện mới mẻ. Đặc biệt, bộ phim lấy đề tài về thời trang nên ngoài trang phục bắt mắt của dàn diễn viên, bộ phim còn tái hiện sinh động làng nghề dệt lụa ở Duy Xuyên (Quảng Nam).

Đạo diễn Trần Đức Long cho biết, anh cảm thấy vui vì dù không có nhiều “đất” cho việc tái hiện làng nghề nhưng anh đã cố gắng lồng ghép một cách khéo léo để vừa vặn cho tác phẩm của mình.

Làng nghề dệt lụa Duy Xuyên được tái hiện qua phim Lụa

Làng nghề dệt lụa Duy Xuyên được tái hiện qua phim Lụa

Phóng viên: Chúc mừng anh vì sau thành công của phim “Kẻ sát nhân cô độc” đạt Huy chương vàng thể loại phim truyền hình tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 40, đến bộ phim “Lụa” đang phát sóng trên HTV cũng nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả, anh có cảm xúc như thế nào?

Đạo diễn Trần Đức Long: Khi nhận kịch bản trên tay, tôi có hơi phân vân vì kịch bản phim Lụa đã được viết cách đây vài năm, đề tài về tình yêu thù hận như đa số các phim truyền hình khác. Để có cách thể hiện mới mẻ theo xu hướng làm phim hiện đại, tôi đã lồng ghép nhiều “mảng miếng” mới, từ câu thoại theo trend, hợp thời đến một TPHCM năng động bậc nhất cả nước. Đặc biệt, 2 bối cảnh chính trong phim là công ty thiết kế cũng được đầu tư rất lớn để khán giả thấy sự nghiêm túc của nhà làm phim. Điểm cộng lớn nhất theo tôi, đó là chúng tôi đã có chuyến quay dài ngày ở làng nghề dệt lụa Duy Xuyên (Quảng Nam) để quay những phân đoạn ấn tượng nhất phim.

Phóng viên: Việc làm nghề, giữ nghề ở làng dệt lụa truyền thống Duy Xuyên được anh lồng ghép ra sao trong phim?

Đoàn phim mất 2 tuần cho các phân cảnh ở đây, tuy không phải phân cảnh chính của phim, chỉ là sự hồi tưởng về một câu chuyện bi thương trong quá khứ của các nhân vật, nhưng tôi rất cân nhắc cho mỗi khung hình. Mượn chuyện tình yêu để nói về tranh đấu, giữ nghề yêu nghề của những công nhân làm nghề dệt lụa. Tôi không chọn những đại cảnh hoành tráng mà đi sâu vào từng chi tiết của một làng nghề lâu đời. Từ khung cửi đã có hàng chục năm vẫn đang bền bĩ hoạt động, cho tới bờ sông phơi lụa trữ tình, đẹp mắt; tất cả mang đến sự hoài niệm về một quá khứ sôi nổi của làng nghề năm xưa.

Khung dệt đã có từ hàng chục năm

Khung dệt đã có từ hàng chục năm

Phóng viên: Anh muốn truyền tải thông điệp gì qua những phân đoạn về làng nghề trong phim?

Để đưa cả ekip đoàn phim đến Quảng Nam quay những cảnh hồi tưởng quá khứ là sự cố gắng rất lớn. Bên cạnh ngành công nghiệp thời trang đang phát triển năng động ở TPHCM, tôi muốn lồng ghép về giá trị truyền thống để thế hệ sau tiếp nối và bảo tồn giá trị tốt đẹp nhất của lụa. Và đó cũng là chủ đề tư tưởng, đường dây xuyên suốt của phim.

Một trong những biểu tượng của TPHCM được lồng ghép trong phim

Một trong những biểu tượng của TPHCM được lồng ghép trong phim

Phóng viên: Anh cảm thấy hài lòng nhất điều gì ở bộ phim này sau nữa chặng đường phát sóng?

Đã có nhiều bộ phim tái hiện cuộc sống ở các vùng miền rất hay. Qua phim, khán giả thấy được cuộc sống của chính mình trong đó, nhưng thời gian gần đây, TPHCM của chúng ta đang phát triển từng ngày, từng giờ, rất đẹp, rất năng động nhưng các phim chưa đủ để truyền tải hết những gì TP đang có. Tôi không tham vọng khán giả sẽ được du lịch miễn phí trong phim tôi, nhưng tôi tin rằng các biểu tượng đầy tự hào của TP được tôi đưa vào phim một cách đẹp nhất như chợ Bến Thành, Landmark 81, cầu Thủ Thiêm, phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Tao Đàn, các địa điểm vui chơi nổi tiếng… Nhất là khung cảnh TP về đêm nhìn từ trên cao lung linh ánh đèn, phía xa là các tòa nhà cao tầng tạo nên một TP hiện đại nhất cả nước.

Ngoài ra, tôi cũng đưa những cảnh đẹp của Phan Thiết, Đà Lạt vào phim để quảng bá du lịch. Việc quảng bá du lịch qua phim ảnh tôi nhận thấy các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc... làm khá tốt, nhưng các phim Việt Nam chưa làm được nhiều. Chúng ta cần có chiến lược và đề tài tốt để phát triển nhiều hơn ở mảng này.

Đạo diễn Trần Đức Long chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên Đạt Nguyễn

Đạo diễn Trần Đức Long chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên Đạt Nguyễn

Phóng viên: Sau bộ phim này, dự định tiếp theo của anh là gì?

Tôi đang bắt tay vào thực hiện phần 2 của bộ phim “Kẻ sát nhân cô độc”, sau đề tài xã hội hiện đại là Lụa, tôi quay trở lại với đề tài khó hơn và yêu thích của mình là hình sự tâm lý tội phạm. Tôi luôn muốn tìm kiếm những cái khó, độc đáo để thử thách bản thân. Đây là một thể loại rất ít được khai thác ở Việt Nam nên tôi cùng biên kịch phim đã mất 2 năm để nghiên cứu, tìm hiểu sâu để thể hiện được màn đấu trí căng thẳng giữa thiện và ác. Tháng sau phim sẽ bấm máy với sự đầu tư lớn về kịch bản lẫn khâu sản xuất. Mong bộ phim này cũng sẽ nhận được sự yêu thích từ khán giả!

Xin cám ơn đạo diễn Trần Đức Long!

Lụa dài 31 tập, lên sóng lúc 19 giờ 35 từ thứ hai đến thứ tư hàng tuần trên kênh HTV7. Phim có sự tham gia của: Oanh Kiều, Đạt Nguyễn, Mã Hiểu Đông, NSƯT Công Ninh, Mai Huỳnh, Kiều Trinh, Huỳnh Trang Nhi, ca sĩ Vũ Hà, Thành Khôn, Phạm Hy, Ngô Công Lý, Nguyễn Linh Hùng, Mỹ Vân, Thuận Nguyễn...

Tin cùng chuyên mục