Đạo diễn Trần Vịnh: Làm phim chiến tranh cần cái thần, cái tâm của người trong cuộc

Gia tài đạo diễn của Trần Vịnh là 70 bộ phim tài liệu và phim truyện (500 tập phim), 21 giải thưởng vàng và bạc của các Liên hoan phim. Sự nổi bật của đạo diễn Trần Vịnh là chỉ làm phim chiến tranh. Khi thị trường phim truyền hình nở rộ, một mình anh gần như độc đạo và là người làm phim chiến tranh nhiều nhất. Đi về Bắc - Nam giữa những ngày làm phim, chúng tôi đã trò chuyện cùng anh về con đường độc đạo phim chiến tranh để thấy cái khó, cái khôn của người đạo diễn có máu “liều” này.
Đạo diễn Trần Vịnh: Làm phim chiến tranh cần cái thần, cái tâm của người trong cuộc

Gia tài đạo diễn của Trần Vịnh là 70 bộ phim tài liệu và phim truyện (500 tập phim), 21 giải thưởng vàng và bạc của các Liên hoan phim. Sự nổi bật của đạo diễn Trần Vịnh là chỉ làm phim chiến tranh. Khi thị trường phim truyền hình nở rộ, một mình anh gần như độc đạo và là người làm phim chiến tranh nhiều nhất. Đi về Bắc - Nam giữa những ngày làm phim, chúng tôi đã trò chuyện cùng anh về con đường độc đạo phim chiến tranh để thấy cái khó, cái khôn của người đạo diễn có máu “liều” này.

Đạo diễn Trần Vịnh chỉ đạo thực hiện một cảnh quay phim đề tài chiến tranh.

- PV: Trong lúc các nhà đầu tư và các nhà đài chỉ thích phim về đề tài thị dân với những cảnh người đẹp, nhà lầu, xe hơi, các cuộc sát phạt vì mưu sinh để dễ lấy được quảng cáo thì anh lại “đâm đầu” vào đề tài chiến tranh, phải chăng anh hy vọng nguồn tài trợ của nhà nước và từ quân đội?

>> Đạo diễn TRẦN VỊNH: Bây giờ làm phim về quân đội không được mượn mọi thứ và được cho không như trước kia đâu. Chúng tôi vẫn phải trả tiền thuê phương tiện, trả thù lao cho bộ đội đầy đủ… Làm phim chiến tranh bây giờ không như thời nghệ sĩ Hồng Sến. Khi ấy, chiến tranh mới kết thúc, khi làm phim, quân đội cho mượn cả máy bay. Khí tài quân đội hôm nay cũng đã khác xưa, Những khẩu súng thời Pháp tìm khó lắm, xe súng thời Mỹ cũng cũ rồi. Dùng bao nhiêu thuốc nổ, bắn bao nhiêu đạn B40, B41, đoàn làm phim phải trả tiền đủ.

Phim chiến tranh không thể không có cảnh bom đạn. Nếu làm kỹ xảo cho giống thật thì quá tốn tiền, phim truyền hình không đủ sức. Còn làm sơ sài, phim sẽ giả tạo và ngớ ngẩn. Đề tài phim chiến tranh, các nhà đài không muốn làm vì ít gọi mời được quảng cáo, tài trợ và phim không có những khuôn mặt “ngôi sao”.

- Làm phim, sao anh lại tránh những “gương mặt sao”?

Làm phim chiến tranh quay toàn những nơi cực khổ, “sao” khó nhận lời. Với tôi, cũng không thích chọn “sao”, vì đó là những gương mặt đã quá quen, quá thuộc, vào phim khán giả khó tin. Làm phim chiến tranh, diễn viên phải lội bùn, lội sình vất vả lắm, cát-sê cũng không cao. Diễn viên phải yêu nghề lắm mới nhận lời. Diễn viên chuyên nghiệp thì nhàn cho đạo diễn, còn diễn viên nghiệp dư lúc đầu còn chập chững ngây ngô, đạo diễn có khi phải thị phạm rất vất vả, nhưng khi đã vào vai rồi thì rất chân thực và lạ. Phim chiến tranh không cần mịn màng, nó cần cái xông xênh. Khuôn hình không cần vuông vức, có khi bụi bậm nhem nhuốc lại tạo nên cảm xúc. Tôi theo sát sao các khâu cùng anh em, đến hậu kỳ tôi cũng chưa buông. Với kịch bản, tôi cũng bắt đầu từ đề cương rồi chọn người thực hiện.

- Vậy nguồn kịch bản chiến tranh anh tìm từ đâu?

Kịch bản phim chiến tranh lại càng hiếm, tôi thường đặt hàng các nhà văn, như: Chu Lai, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Phục, nhà văn - đại tá Xuân Thiều... Tuy nhiên, có hội đồng nghiệm thu. Tôi nhận thức rất rõ tiền làm phim là tiền thuế của nhân dân nên tôi có trách nhiệm. Nguồn kịch bản phim chuyển thể từ tiểu thuyết cũng có, từ lịch sử địa phương cũng có. Có lần làm kịch bản cho phim tôi đưa tác giả vào thực tế, ứng trước cho tác giả 200 triệu đồng (20 triệu đồng/tập), kịch bản 45 tập, nhưng khi thấy kịch bản chưa tốt, tôi nhờ Hội đồng điện ảnh thẩm định đóng góp cho tác giả sửa. Khi kịch bản chưa ưng ý, tôi nhất định không làm.

- Nhiều người vẫn nói, đạo diễn Trần Vịnh ra trường quay làm tất cả mọi việc, từ chỉ đạo diễn xuất, đánh quả nổ đến lo phục trang, đạo cụ…, điều này có đúng không?

Mình từng làm diễn viên nên có lợi thế về việc thị phạm diễn xuất. Kinh nghiệm về quả nổ tôi đã học được khi đi làm phim Tình yêu và chiến tranh của Hàn Quốc. Đánh quả nổ có nghề và có hiệu quả, đó là điều quan trọng khi tôi dựng những bối cảnh chiến tranh.

- Kinh phí làm phim luôn là bài toán đố, anh giải bài toán này như thế nào?

Khi đã có kịch bản hay, tôi sẽ chào mời các nhà đài, các tỉnh, nhưng không phải lúc nào cũng đủ tiền mới thành lập đoàn làm phim, có khi tôi phải tạm ứng trước cho tác giả. Cũng có phim nhận được tiền trước, tôi cũng không giữ và đưa về Cục Điện ảnh để cục quản lý việc chi tiêu cho phim. Tiền bạc của đoàn làm phim phải rõ ràng. Khi làm phim Đối mặt ở Vĩnh Linh, Quảng Trị không còn tiền lồng tiếng, tôi phải bán luôn ô tô. Chắc cũng khó có những đoàn làm phim nào như Trần Vịnh, phục trang tôi tự tích lũy hàng kho, đủ loại quần áo sắc phục người lính. Đoàn làm phim của tôi tự tổ chức nấu ăn vừa tiết kiệm, anh em vừa no và an toàn, phần nữa đa phần các cảnh quay ở trong rừng, nơi vắng dân, ít chợ.

Làm phim chiến tranh, đạo diễn làm ráo mồ hôi là hết tiền. Tôi làm phim là trả cái nợ của người còn sống đối với đồng đội và nhân dân đã hy sinh cho cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Với tôi, một người lính đã sống trong cuộc chiến thì người lính vẫn là tượng đài đẹp nhất.

- Đồng Ngọc Nạn, Chỉ một con đường, Thời gian không chờ đợi, Món nợ miền Đông, Mùa mai đỏ, Chị Sáu Kiên Giang, Nỗi niềm với biển, Ấp ba nhà…, những cái tên phim cho thấy anh đã thể hiện nhiều địa danh cách mạng nổi tiếng và có những phim đã mang lại giải vàng, giải bạc tại các cuộc Liên hoan phim truyền hình và giải quốc gia. Anh cũng là đạo diễn làm nhiều phim về các binh chủng, các nhân vật anh hùng, vậy điều gì làm anh tâm đắc?

Từ những con người, địa danh hay những chiến công, đến tác phẩm văn học thành kịch bản và khi xong kịch bản phân cảnh, người góp ý cho tôi là đạo diễn - NSND Huy Thành. Cách làm đó là những đảm bảo đầu tiên về chất lượng kịch bản. Đến khi thực hiện trên phim trường, tôi rất chú trọng văn phong, ngữ cảnh sao cho đúng, cho sát thực nhất, muốn vậy có khi mình phải tổ chức cho nhà văn tiếp cận. Nơi tôi làm phim, có rất nhiều địa danh tôi đã sống trong chiến trường. Tôi hiểu về nó và làm nổi bật được không khí thời đó chính là yếu tố hấp dẫn cho đề tài chiến tranh. Phim cần cái thần và cái tâm của người trong cuộc. Không đạt được những điều này có lẽ không ai giao cho mình làm phim nhiều như thế.

VIỆT NGA

Tin cùng chuyên mục