Đất Mũi - điểm đến hấp dẫn du khách

 Đất Mũi- vùng đất nằm ở cực Nam Tổ quốc (thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) mang ý nghĩa rất thiêng liêng đối với dân tộc. Mỗi người Việt, dù xa hay gần cũng muốn một lần đăt chân đến, khám phá và trải nghiệm vùng đất, con người nơi đây.

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau

Nhiều khởi sắc

 “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam”- đó là lời mở đầu bài hát “Áo mới Cà Mau” của nhạc sĩ Thanh Sơn mà nhiều ca sĩ và người dân vẫn thường hay hát. Trong tâm thức của nhiều người Việt, “Đất Mũi xa lắm”. Tuy nhiên, kể từ khi tuyến đường Hồ Chí Minh về đến Đất Mũi thì việc đến với vùng đất cực Nam Tổ quốc đã thuận lợi hơn rất nhiều. Do đó, du khách về Đất Mũi ngày một đông hơn.

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau, những năm gần đây, Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đã được quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng và các công trình phục vụ du lịch. Vì vậy, đáp ứng tốt nhu cầu tham qua của du khách.

Đặc biệt, các công trình mang tính biểu tượng được xây dựng làm cho vùng đất này thêm khởi sắc. Tiêu biểu là công trình Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ. Hình tượng người mẹ cạnh Đền thờ Lạc Long Quân tại vùng đất cực Nam Tổ quốc- nơi “Đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sự tri ân của lớp con cháu hôm nay với tổ tiên đã “lên rừng, xuống biển” mở mang bờ cõi.

Ngoài ra, tại Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, cột mốc đường Hồ Chí Minh- điểm cuối Cà Mau km 2.436 được xây dựng để đánh dấu con đường mang tên Bác nối liền Pắc Bó (Cao Bằng) đến tận Đất Mũi.

Mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001
 

Bên cạnh đó, du khách cũng thường lên cột cờ nhìn toàn cảnh, xem vùng đất thanh bình nơi cực Nam Tổ quốc. Từ cột cờ nhìn xuống dễ dàng thấy mảng rừng đước của Vườn quốc gia mũi Cà Mau- khu Ramsar của thế giới xanh bạt ngàn. Khu rừng ngập mặn này không chỉ là “lá phổi xanh” của nước ta mà còn là của thế giới. Tại đây, có thể ngắm cảnh hoàng hôn từ phía biển Đông và mặt trời lặn ở phía biển Tây.

Về với Đất Mũi, muốn khám phá vùng đất và con người nơi đây thì trải nghiệm tại nhà những hộ dân làm du lịch cộng đồng (homestay) là tuyệt vời nhất. Tại đây, du khách có thể cùng người dân Đất Mũi tham gia các hoạt động câu cá, câu cua, bắt ốc len, soi ba khía vào ban đêm… Sau đó, thưởng thức các đặc sản này do chính người dân bản địa chế biến.

Một trải nghiệm khó quên mà du khách chia sẻ khi đến Đất Mũi là đi xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau bằng ca nô hoặc vỏ lãi để khám phá rừng đước nguyên sinh, tham quan khu vực bãi bồi để cảm nhận vì sao khi nói đến Mũi Cà Mau, nhà văn Nguyễn Tuân đã gọi là “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”, còn nhà thơ Xuân Diệu ví von “Tổ quốc ta như một con tàu/Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau”.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau
Xây dựng thương hiệu du lịch Đất Mũi

UBND tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt đề cương tổng quát dự án “Xây dựng hình ảnh, thương hiệu tỉnh Cà Mau đến năm 2025”. Theo đó, dự án sẽ thực hiện các bước nghiên cứu, đánh giá thương hiệu; xây dựng chiến lược hình ảnh, thương hiệu tỉnh Cà Mau.

Xây dựng hình ảnh, thương hiệu tỉnh Cà Mau

Bà Trương Hà Phương Anh, Phó Giám đốc (phụ trách) Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (đơn vị chủ trì thực hiện dự án) cho biết, việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu tập trung vào hình ảnh tổng thể tỉnh Cà Mau; hình ảnh ngành du lịch; hình ảnh ngành nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh; hình ảnh môi trường đầu tư, chính quyền tỉnh; hình ảnh văn hóa, di tích, ẩm thực. 

Bên cạnh đó, hoàn thành thiết kế, xây dựng, chuẩn hóa hình ảnh nhận diện thương hiệu, hệ thống nhận diện chung của tỉnh và các ngành của tỉnh theo hướng dễ nhận diện, dễ ghi nhớ, tạo thiện cảm, thể hiện được những nét nổi bật riêng của tỉnh. Tạo ra nền tảng để triển khai các sự kiện, kế hoạch truyền thông của tỉnh. Cụ thể hóa các chiến lược phát triển và các chính sách lớn của tỉnh thành các hoạt động và các thông điệp truyền thông nhất quán.

Qua đó góp phần đẩy mạnh thương hiệu của tỉnh, tăng sức cạnh tranh, đưa tỉnh Cà Mau trở thành một điểm đến hấp dẫn, có uy tín trong khu vực ĐBSCL; thu hút các nhà đầu tư, nhà sản xuất và cư dân lao động có trình độ cao đến sinh sống và làm việc tại Cà Mau. Góp phần hoàn thiện việc xây dựng chính quyền Cà Mau kiến tạo, thân thiện và hiệu quả. Nâng cao ý thức, tình yêu quê hương và niềm tự hào là người Cà Mau.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau cho biết: Định hướng phát triển du lịch của tỉnh đến 2025 là tập trung phát triển kinh tế du lịch một cách bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên của tài nguyên du lịch.

Phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên, có sự tham gia của cộng đồng; kết hợp phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển du lịch Cà Mau gắn với sự phát triển du lịch chung của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

Phấn đấu đến năm 2025, di tích Hòn Đá Bạc, Vườn Quốc gia U Minh Hạ được đầu tư đầy đủ theo quy hoạch; điểm du lịch Đầm Thị Tường cơ bản đủ điều kiện là khu du lịch cấp tỉnh; Khu du lịch Mũi Cà Mau đảm bảo các tiêu chí cơ bản của khu du lịch quốc gia, là điếm nhấn quan trọng của ĐBSCL, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Tin cùng chuyên mục