Dấu ấn bác sĩ Việt

Từ những cuộc hội chẩn - phẫu thuật xuyên biên giới đến mỗi cuộc co kéo với tử thần giành lấy sự sống cho bệnh nhân nơi xứ người… đâu chỉ là trách nhiệm dấn thân chữa bệnh cứu người, mà còn là hành trình khẳng định tài năng và y đức của ngành y tế Việt Nam.

“Xuất khẩu” tay nghề phẫu thuật

Philippines, một ngày cuối tháng 2-2023, bác sĩ Nguyễn Phú Hữu, Phó Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa của Bệnh viện Bình Dân (TPHCM, Việt Nam), đảm nhiệm vai trò trưởng ê kíp mổ bằng robot cứu sống một bệnh nhân người Philippines bị ung thư. Đó là một ca rất khó mà đồng nghiệp nước bạn phải cần sự “chi viện” từ những bác sĩ lành nghề nhất.

Bệnh nhân là một phụ nữ trung niên bị ung thư trực tràng giữa vừa phẫu thuật mở hậu môn nhân tạo và hóa trị. Người bệnh cần phẫu thuật loại bỏ khối u bằng robot. Cuộc phẫu thuật và đợt hóa trị mới diễn ra chưa đầy 3 tháng, các bước kiểm tra cho thấy thành ruột bở, dễ bị rách cùng với ổ bụng viêm dính nhiều.

Các bác sĩ Bệnh viện Chinese General Hospital and Medical Center (Philippines) đánh giá đây là ca bệnh khó, có thể tiềm ẩn rủi ro và họ chưa thực sự làm chủ kỹ thuật phẫu thuật bằng robot. Họ quyết định “cầu cứu” chuyên gia nhiều kinh nghiệm của Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Phú Hữu (thứ 3 từ trái qua) cùng các đồng nghiệp Bệnh viện Chinese General Hospital and Medical Center (Philippines)

Bác sĩ Nguyễn Phú Hữu (thứ 3 từ trái qua) cùng các đồng nghiệp

Bệnh viện Chinese General Hospital and Medical Center (Philippines)

Nhận tin, Bệnh viện Bình Dân đã cử bác sĩ Nguyễn Phú Hữu, người có kinh nghiệm lâm sàng với hơn 270 ca thực hiện phẫu thuật bằng robot, xuất ngoại để hỗ trợ đồng nghiệp. Sau nhiều giờ nhịp nhàng phối hợp cùng đội ngũ bác sĩ nước sở tại, người “cầm trịch” ê kíp mổ đến từ Việt Nam đã thực hiện thành công ca phẫu thuật. Các bác sĩ nước bạn mục sở thị ca phẫu thuật chia sẻ, họ thán phục với kỹ thuật phẫu thuật bằng robot của bác sĩ Nguyễn Phú Hữu.

Trong 5 ngày ngắn ngủi ở lại nước bạn, bác sĩ Hữu còn chia sẻ kinh nghiệm lâm sàng về kỹ thuật phẫu thuật bằng robot cho hàng trăm bác sĩ Philippines khác. Với các bác sĩ tại đây, lòng cảm kích không chỉ vì sự hỗ trợ kịp thời cho một ca phẫu thuật khó, điều lớn lao hơn mà bác sĩ Việt Nam mang lại là những chia sẻ hữu ích về kinh nghiệm thực chiến.

Từ vài năm trước, bác sĩ Nguyễn Phú Hữu nhiều lần được mời “xuất ngoại”, hướng dẫn phẫu thuật robot cho các bệnh viện nước bạn. Những chuyến đi mang tính hướng dẫn, chuyển giao, khẳng định kỹ thuật làm chủ công nghệ khám chữa bệnh của ngành y tế trong nước.

“Người nhà” của bệnh nhân Phnom Penh

Ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia), gần 20 năm qua, có những nhân viên y tế người Việt được người dân Campuchia gọi là “người nhà” bởi họ ngày đêm cần mẫn chăm sóc, khám chữa bệnh cho người dân nơi đây.

Những y bác sĩ người Việt công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh dùng sự tận tâm, mẫn cán để thuyết phục người dân sở tại đặt niềm tin vào tay nghề của người thầy thuốc Việt.

“Chúng tôi đến đây để được bác sĩ Việt Nam chữa trị, chúng tôi chỉ tin tưởng vào trình độ chuyên môn của bác sĩ Việt Nam”, câu cửa miệng của bệnh nhân Campuchia khi họ tìm đến bệnh viện để gửi trao sức khỏe của mình.

Bác sĩ Việt Nam tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh đang nội soi cho bệnh nhân Campuchia

Bác sĩ Việt Nam tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh đang nội soi cho bệnh nhân Campuchia

Từ năm 2014, mỗi năm có 400-500 lượt bác sĩ, chuyên gia được Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cử sang hỗ trợ chuyên môn. Tại Campuchia, nhiều kỹ thuật cao lần đầu được đội ngũ y bác sĩ Việt Nam triển khai và chuyển giao.

Với TS-BS Trần Thanh Tùng, Trưởng Khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, gần 3 năm công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh là quãng thời gian khó quên.

Nhớ lại những ngày đầu mới sang nước bạn, ông cùng đồng nghiệp đối mặt nhiều khó khăn do khác biệt ngôn ngữ, văn hóa, nỗi nhớ gia đình, đồ ăn thức uống không hợp… Nhưng rồi ai cũng dần vượt qua khó khăn, thích nghi để làm việc quan trọng hơn: chữa bệnh, cứu người.

Trong ấn tượng của bác sĩ Trần Thanh Tùng, người dân Campuchia vô cùng hiền lành và thiện lương. Thỉnh thoảng, họ được người dân tặng những món quà tự trồng để cảm ơn bác sĩ đã cứu sống người thân.

Không “đóng đô” ở Campuchia nhưng nhiều y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM có đóng góp cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân nước bạn. Đó là những ca hội chẩn xuyên biên giới, là những lần băng mình giữa đêm khuya trên chuyến xe khách tốc hành sang Campuchia để kịp phẫu thuật cho người bệnh đang chờ ở bên kia biên giới…

TS-BS Tôn Thanh Trà có hơn 4 năm được giao trọng trách “biệt phái” ở Campuchia. Trong giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng nhất, anh và đồng nghiệp vẫn bám trụ ở nước bạn với vai trò tuyến đầu. Lúc bấy giờ, Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh được Chính phủ Campuchia chọn làm nơi thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. “Dù có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng nhưng chúng tôi không từ bỏ nhiệm vụ”, vị bác sĩ giữ cương vị Tổng Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh lâu nhất quả quyết.

Tin cùng chuyên mục