Dấu ấn Nguyễn Bá Thanh

Mặc dù biết trước tình trạng sức khỏe của đồng chí Nguyễn Bá Thanh ngày càng xấu hơn, nhưng sự ra đi vĩnh viễn của ông vào trưa 13-2 đã khiến hàng ngàn người dân Đà Nẵng bàng hoàng, thương tiếc. Bởi trong 16 năm làm lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng từng người dân, từng góc phố...
Dấu ấn Nguyễn Bá Thanh

Mặc dù biết trước tình trạng sức khỏe của đồng chí Nguyễn Bá Thanh ngày càng xấu hơn, nhưng sự ra đi vĩnh viễn của ông vào trưa 13-2 đã khiến hàng ngàn người dân Đà Nẵng bàng hoàng, thương tiếc. Bởi trong 16 năm làm lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng từng người dân, từng góc phố...

Tạo đột phá từ phát triển đô thị

Nói đến Đà Nẵng, mọi người đều nghĩ ngay đến đồng chí Nguyễn Bá Thanh và ngược lại. Dấu ấn của ông gắn liền với những chương trình, quyết sách mang tính đột phá từ những ngày đầu chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (năm 1997).

Còn nhớ những ngày đầu trở thành TP trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng chỉ là một đô thị loại 2, đường sá nhỏ hẹp, cư dân thưa thớt; nhiều quận, huyện còn mang tính thuần nông. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, với cương vị là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông đã tập trung mọi tâm huyết, sức lực, huy động sức mạnh toàn dân đã biến Đà Nẵng thành “chàng hoàng tử” đầy quyến rũ.

Dấu ấn đầu tiên phải kể đến là một bờ Đông sông Hàn với cảnh nhà chồ nhếch nhác, người dân bao đời lênh đênh trên sông nước đã được thay đổi hoàn toàn bằng chiếc cầu quay sông Hàn nổi tiếng nối hai bờ Đông - Tây vào năm 2000. Từ đó, một vùng đất phía Đông Đà Nẵng đã được “đánh thức”. Những ngôi nhà chồ xiêu vẹo được thay bằng những ngôi nhà mới khang trang, vững chãi; những thân phận lênh đênh trên sông nước đã được lên bờ để an cư lạc nghiệp, con cái của họ được đến trường. Tiếp tục phát huy thành quả đó, quận Sơn Trà đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, để đến bây giờ, những tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp… được xem là những tuyến đường đẹp nhất Đà Nẵng. Tuyến đường ven biển Đà Nẵng nối từ bán đảo Sơn Trà đến Quảng Nam được xem là tuyến đường “5 sao” của miền Trung và trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ trong thời gian ngắn, cả vệt ven biển Đà Nẵng dài trên 10km đã lấp đầy các khách sạn, resort 5, 6 sao. Và kết quả là Tạp chí Forbes của Mỹ đã bình chọn bãi biển Đà Nẵng là “một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh”.

TP Đà Nẵng được khang trang, hiện đại như hôm nay có dấu ấn đậm nét của ông Nguyễn Bá Thanh.

Khu vực phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) với hàng ngàn hộ dân bao đời chỉ biết bám với cái cuốc, cái cày, với ruộng vườn cằn cỗi. Sự cần cù, chịu khó của người dân vẫn không thể giúp họ vượt qua cái nghèo, cái khó; bởi mỗi năm, đến mùa mưa bão nhà cửa, tài sản bị nhấn chìm trong biển nước. Không thể ngồi nhìn người dân chịu cảnh đói khổ, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cùng tập thể lãnh đạo TP Đà Nẵng đã đưa ra chủ trương hết sức táo bạo “Giải tỏa trắng vùng Hòa Xuân” để xây dựng khu đô thị sinh thái. Ngay trong những ngày đầu, dự án đã gặp không ít trở ngại bởi có một vài hộ dân chưa đồng tình với chính sách giải tỏa đền bù, tái định cư. Trước nguy cơ dự án bị ách tắc, ông đã đích thân tổ chức buổi đối thoại với trên 1.000 hộ dân nơi đây để tìm cách tháo gỡ. Và đến bây giờ, cả khu vực Hòa Xuân rộng trên 1.000ha đã khoác lên mình chiếc áo mới khang trang, hiện đại.

Làm Chủ tịch UBND TP trong 7 năm (1997-2003) và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng 9 năm (2003-2012), dấu ấn đồng chí Nguyễn Bá Thanh không chỉ in đậm ở hầu hết các công trình trọng điểm mà ngay cả việc nâng cấp, mở rộng những tuyến đường trong khu vực nội thị. Những tuyến đường trong khu vực trung tâm như Phan Thanh, Lê Duẩn, Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh, Trần Phú, Điện Biên Phủ… từ chật chội, nhếch nhác đã trở nên thông thoáng, hiện đại, văn minh. Để làm được điều này, ông đã vận dụng tối đa chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” khi đích thân ngồi lắng nghe ý kiến người dân rồi giải thích, diễn giải thiệt hơn đến mức nhân dân hai bên đường sẵn sàng hiến đất, không nhận tiền đền bù hoặc chỉ nhận hỗ trợ một phần kiến trúc cổng ngõ, tường rào để cho đường thông, hè thoáng. Những khu đô thị mới ở các quận, huyện vùng ven như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hòa Vang … đều mang đậm dấu ấn của người đứng đầu TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.

Chỉ trong vòng 10 năm từ ngày chia tách tỉnh, Đà Nẵng đã “lột xác” hoàn toàn, được cả nước biết đến là TP trẻ đầy năng động và tiếp tục trên đà phát triển mạnh mẽ.

Chăm lo đời sống dân sinh

Không chỉ được xem là “kiến trúc sư trưởng” trong phát triển đô thị, đồng chí Nguyễn Bá Thanh còn có những quyết sách đầy sáng tạo, những việc làm “chẳng giống ai” đã thật sự mang lại nguồn sinh khí mới cho toàn TP.

Du khách và bạn bè gần xa đến Đà Nẵng đều rất ngưỡng mộ những gì Đà Nẵng đạt được qua chương trình “Thành phố 5 không”, gồm không có người đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có cướp của giết người. Sau đó là phong trào “Thành phố 3 có” với những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống của mỗi người dân là “có văn hóa văn minh đô thị, có nhà ở và có việc làm”. Và kết quả thể hiện rõ khi Đà Nẵng sạch bóng người xin ăn, trên 10.000 hộ nghèo, phụ nữ đơn thân, cán bộ công chức… đã được bố trí đất ở hoặc căn hộ chung cư.

Tại buổi nói chuyện với hơn 4.000 cán bộ TP vào tháng 2-2012, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho rằng: “Dư luận cả nước hay nhắc đến Đà Nẵng, bởi TP này có khát vọng chứ không phải tham vọng”. Chính khát vọng đã thúc đẩy con người nơi đây luôn đi tìm giá trị mới của cuộc sống. Giá trị cuộc sống chính là những việc làm thiết thực mà ông đã suy nghĩ, tìm tòi để mang đến với từng người dân.

Những việc làm cụ thể ấy, thể hiện rất rõ qua chủ trương ở tất cả các bệnh viện lớn nhỏ trong TP, người ra vào đều được gửi xe không phải trả tiền. Đối với người nghèo mắc bệnh nan y, đồng chí Nguyễn Bá Thanh chủ trương chữa trị miễn phí thông qua việc mua cùng lúc 10 máy chạy thận hay việc kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp kinh phí xây dựng Bệnh viện Ung thư, Bệnh viện Phụ nữ…

Dấu ấn của đồng chí Nguyễn Bá Thanh in đậm trong lòng người dân Đà Nẵng còn được thể hiện qua những chính sách, việc làm táo bạo, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân như đổi nón bảo hiểm kém chất lượng cho người dân bằng việc bán nón bảo hiểm đạt chất lượng chỉ có 100.000 đồng. Rồi đến việc cảm hóa thanh thiếu niên hư hỏng, chậm tiến; hỗ trợ cho những đối tượng từng có tiền án, tiền sự có điều kiện chí thú làm ăn, không phải quay lại con đường tội lỗi… Đặc biệt, trong những kỳ họp HĐND TP, người dân Đà Nẵng đều chăm chú theo dõi việc ông chất vấn, truy đến cùng lãnh đạo các sở, ngành còn gây phiền hà cho dân hay làm chưa được việc.

Đến khi ra làm Trưởng ban Nội chính Trung ương nhưng trong những lần về tiếp xúc cử tri trên cương vị đại biểu Quốc hội, người dân vẫn ùn ùn kéo đến để nghe ông nói; những vụ việc đáng lẽ lãnh đạo các quận, huyện phải giải quyết nhưng người dân vẫn trông chờ đến ông. Nói như vậy để hiểu rằng, dấu ấn đồng chí Nguyễn Bá Thanh không chỉ thể hiện ở những công trình, những chính sách mang tính đột phá mà còn nằm trong lòng của từng người dân Đà Nẵng.

NGUYỄN HÙNG

>> Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương từ trần

Tin cùng chuyên mục